Thi phẩm Hương nắng 4: Những tâm hồn trẻ mãi

ANTD.VN - Cuốn sách tập hợp 123 bài, chia làm 2 phần, trong đó có 120 bài thơ của 26 tác giả và 3 bút ký, hồi ký của 3 tác giả. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ giới thiệu phần Thơ, và không thể liệt kê hết những tác giả có mặt trong tập sách, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và mong được sự ghi nhận của các tác giả về lòng yêu quý vô hạn của chúng tôi.

Thi phẩm Hương nắng 4: Những tâm hồn trẻ mãi ảnh 1Một số gương mặt thơ Hoa giữa đại ngàn Bộ Công an và Thi đàn Hương nắng Công an Hà Nội giao lưu thơ - chụp ảnh lưu niệm

Đất nước, quê hương, những nẻo đường

Một âm hưởng chủ đạo, xuyên suốt trong phần Thơ là những bài viết hào sảng, những rung động của những người lính đã từng có một thời đi khắp dọc dài đất nước. Những kỷ niệm của thời tuổi trẻ về quê hương, đất nước, về những nơi họ đã từng sống và chiến đấu, công tác, đã đi cùng các tác giả như những kỷ niệm không thể nào quên.

Trong “Tổ Quốc Việt Nam” tác giả Trung Du tự hào: 

Giang sơn gấm vóc dấu son

Địa linh nhân kiệt trường tồn uy danh

Và, trong “Đẹp tình quê hương đất nước”, tác giả Chương Phú tin tưởng: 

Chắp cánh tiên rồng bay thẳng tiến

Non sông gấm vóc rộn lời ca

Tổ quốc là hình hài cụ thể, là những địa danh nơi các chiến sỹ đã sống và làm việc, từ “Mưa xuân Yên Tử” (Lê Thị Ngọc Bích), “Làng Trung Hà xưa và nay” (Đào Đức Ninh), “Làng Sen” (Nguyễn Thanh Phương) đến “Ký ức làng” (Võ Thanh Vang), “Về xứ Lạng” (Lôi Vũ)… tất cả đều thấm đẫm cảm xúc, mà ở đó có những câu thơ hay:

Hồn làng nước biếc cầu ao

Con rô, con diếc ùa vào thơ tôi

Dịu êm xanh một khoảng trời

 Mát trong kỷ niệm một thời quê tôi

 (Võ Thanh Vang)

Xứ Lạng mùa vương trắng rừng hoa mận

Xuân ngập ngừng lưu luyến tiếng suối reo

(Lôi Vũ)

Về Kinh Bắc giữa mùa ngâu

Mang theo nỗi nhớ lần đầu gặp em

Lối xưa lấm gót không đèn

Câu thơ cháy lửa sáng lên khoảng trời

(Khang Sao Sáng)

Những tứ thơ lạ và mới:

Sấm mở mắt…

Hương đồng thập thững

Lúa lên xanh hẹn trĩu mùa màng 

Mưa đủ đầy

Sấm rẽ sang ngang

Mặt trời ló ra đỏ lựng.

(Khang Sao Sáng)

Nói về quê hương là nói về Mẹ, về em, về con, những bài thơ về đề tài này khá thành công bởi nó đau đáu nỗi niềm, nó gửi gắm bao niềm tâm sự.

Nếu Hà Thị Châm khóc mẹ:

Con về hái lá trầu không

Dâng lên mộ mẹ giữa đồng ngát xanh

Đơn côi khói tỏa vòng quanh

Nén hương con thắp gió lành nhẹ đưa.

thì Đinh Xuân Bình “Nhớ Mẹ” với lời hứa:

Mẹ hãy yên lòng thanh thản ra đi

Anh chị em con mãi mãi khắc ghi

Yêu thương đùm bọc như khi mẹ còn

Yêu kính mẹ cha, những trái tim đầy yêu thương bây giờ lại dành cho con cháu:

Vẫn dõi theo con nỗi niềm lo lắng

Con ở riêng rồi sướng khổ, buồn vui?

(Đinh Xuân Bình)

Và cảm ơn những người vợ tảo tần khuya sớm, biết chấp nhận và hy sinh tình riêng để đi suốt cuộc đời người chồng, như một người tri kỷ:

Cảm ơn em người vợ hiền chăm chỉ

Em mãi là sông tắm mát đời anh

(Vũ Tiến Minh)

Thi phẩm Hương nắng 4: Những tâm hồn trẻ mãi ảnh 2Một buổi sinh hoạt của Ban Chủ nhiệm CLB sĩ quan hưu trí CATP Hà Nội

Một thời để nhớ - những nỗi niềm

Những Thượng tá, Đại tá bây giờ, khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nghỉ hưu, nhưng chưa khi nào thôi nhớ về một thời hoa lửa. Họ nhớ về những tháng ngày đẹp đẽ và nhớ cả những vất vả, những bon chen, tị hiềm. Họ nhớ, để mỗi ngày tự rèn luyện, nâng mình lên, sống đẹp.

Tác giả Lê Thị Ngọc Bích nhớ màu “Áo vàng”:

Tận tâm, tận tụy…yêu thương

Áo anh vàng ánh cung đường bình yên

Tác giả Hà Thị Châm dịu dàng nhớ “Em là chiến sỹ hồ sơ”:

Đường dài phía trước đang chờ

Chúng mình cùng dệt ước mơ cuộc đời

Một “Đêm tuần tra” của Nguyễn Thanh Phương, một “Màu áo lính” của Lôi Vũ, một “Tổng đài” của Vũ Tiến Minh, hay một bát “Canh của lính” của Trịnh Chu Sách, hay “Gửi em cảnh sát trại giam” của Võ Thanh Vang... đều rất đặc sắc, giúp người đọc hiểu được phần nào những công việc lặng thầm của người chiến sỹ. Phải yêu thương lắm, gắn bó máu thịt với những việc tưởng như khô khan ấy lắm, các tác giả mới có thể viết lại bằng những vần thơ. Đó chính là tâm hồn Người chiến sỹ.

Có  hoài niệm đẹp về những năm tháng đã qua, nhưng không ít tác giả cũng có những nỗi niềm về ngày đang sống. Băn khoăn, trăn trở về một kiếp người như Khang Sao Sáng, như Trịnh Chu Sách: “Đời người kẻ chậm người nhanh/Kiếp luân hồi ấy ai thành hư vô”. Trong lát cắt của số phận, các tác giả như Tuyết Lan hoang hoải trong “Chạng vạng chiều”: 

Chuông chùa chợt vọng hồi chạng vạng

Giật mình tóc đã nhuốm màu sương

Và Thanh Luận thảng thốt: “Ngoảnh lại/Mái tóc đâu còn xanh”

Tác giả Đinh Xuân Bình với cái trầm tĩnh của một nguyên Trưởng phòng Công tác Chính trị, nhìn nhận sự vật như nó vốn có:

Ta đã đi qua những chặng đường dài 

Cay đắng, ngọt bùi, khó khăn, gian khổ

Cảm ơn đời đưa ta về bến đỗ

Yêu thương đong đầy, thanh thản, bình an

Và Đinh Xuân Bình như nói hộ tâm tư của bao người khi rời chốn “quan trường”:

Thời gian trôi, không đợi, không chờ

Quy luật của ngàn đời vẫn vậy

Được mất, hiển vinh… đều ở lại

Ta trở về vui với nhân gian

Đấy là tâm thế của người biết an nhiên, tự tại.

Thay cho lời kết bài viết, chúng tôi xin được trích một đoạn trong Lời giới thiệu tập sách của Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc CATP, Chủ nhiệm CLB sỹ quan hưu trí CATP Hà Nội: “Qua những vần thơ cho thấy những cán bộ, chiến sỹ công an cũng là những người rất giàu tình cảm, rất yêu đời và lãng mạn…

Năm tháng sẽ qua đi, trong cuộc đời ai cũng có những kỷ niệm không thể phai mờ, giờ đây, mỗi hội viên trong CLB sỹ quan hưu trí trong ngôi nhà chung hãy giữ gìn nghĩa tình đồng đội, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người CAND”.