Thế hệ nữ nhạc sỹ mới

(ANTĐ) - Có thể nói, chưa bao giờ các nữ nhạc sỹ gặt hái được nhiều thành công, tình cảm của khán giả và được xướng danh nhiều như năm 2007. Có đến 5/6 tác giả nữ có ca khúc tranh giải “Bài hát Việt 2007” nhận được giải thưởng...

Thế hệ nữ nhạc sỹ mới

(ANTĐ) - Có thể nói, chưa bao giờ các nữ nhạc sỹ gặt hái được nhiều thành công, tình cảm của khán giả và được xướng danh nhiều như năm 2007. Có đến 5/6 tác giả nữ có ca khúc tranh giải “Bài hát Việt 2007” nhận được giải thưởng...

2007- năm của các nữ nhạc sỹ

Cùng với đó, họ còn giành được 3/7 giải thưởng của Hội đồng thẩm định. Đó là Lưu Thiên Hương với ca khúc “Quạt giấy” đã đoạt giải “Bài hát mang phong cách pop-rock nổi bật”; Bảo Lan, tác giả của “Độc huyền cầm” nhận giải “Bài hát mang phong cách dân gian đương đại nổi bật”. Trịnh Minh Hiền với “Nhạc sĩ ấn tượng”.

Bên cạnh các nhạc sĩ đàn chị, 2 nữ tác giả tuổi đời còn rất trẻ là Sa Huỳnh và Lê Yến Hoa cũng được xướng danh trên sân khấu “Bài hát Việt” với giải thưởng “Nhạc sĩ trẻ triển vọng” do báo Tuổi trẻ trao tặng.

Trong năm 2007, album “Giáng Son” được đánh giá là một trong 10 album nhạc nội đáng nghe nhất trong năm. Hai giải quan trọng của “Mai Vàng 2007” được trao cho hai sáng tác của Bảo Lan (Độc huyền cầm) và của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương (Honey).

Sáng tác nhạc thường được xem là lãnh địa, là thế mạnh, là tài năng trời cho của nam giới. Nữ nhạc sỹ nếu có cũng chỉ như những ánh sao băng, vụt hiện lên với một hai sáng tác rồi tắt lịm, chìm dần vào sự quên lãng của công chúng. Tuy nhiên, cái nhìn đã bắt đầu thay đổi trên sân khấu Bài hát Việt 2005 khi nhạc sĩ Giáng Son nhận giải thưởng “nhạc sỹ ấn tượng” với ca khúc “Giấc mơ trưa”.

Song nếu so sánh với một rừng bài hát của nam nhạc sỹ thì sáng tác của các tác giả nữ vẫn còn quá khiêm tốn và chưa thực sự chiếm được lòng tin, sự mến mộ của khán giả. Chỉ đến BHV 2007, họ đã thực sự bứt phá.

Tác giả đầu tiên tính đến thời điểm này giành được nhiều giải thưởng nhất là Giáng Son. Cô được đào tạo một cách bài bản, tốt nghiệp khoa Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội, một thời là thành viên của Năm dòng kẻ. Bài hát “Giấc mơ trưa” do Khánh Linh thể hiện đã giúp cô giành giải thưởng Bài hát tháng và nhạc sỹ ấn tượng 2005.

Nhiều sáng tác của cô được các ca sỹ chọn vào album như Đoan Trang, Hà Linh, Vương Dung, Ngọc Anh, Khánh Linh. Nhạc sỹ Nguyễn Thiếu Hoa cũng cho rằng: Giáng Son đã phát huy được những thế mạnh của mình như ca khúc rất dịu dàng, nữ tính, nhiều tình cảm, bố cục chặt chẽ, ca từ ý nghĩa, thể hiện sự chuyên nghiệp.

Và quan trọng nhất là cô ấy được đào tạo bài bản về sáng tác, làm việc trong môi trường âm nhạc. Tất cả những điều đó là mảnh đất tốt để cho ra đời những thành quả âm nhạc.

Một thành viên khác của Năm dòng kẻ từ những ngày đầu mới thành lập là Lưu Thiên Hương. Cô được biết đến với những bài hát đầy chất rock. Tuy nhiên gần đây, cô còn mở rộng sang thể loại R&B.

“Ngọn cỏ lau” đã giành giải Bài hát tháng, và trong BHV 2007, “Quạt giấy” của cô đã giành giải “Bài hát mang phong cách pop-rock nổi bật”. Hiện Lưu Thiên Hương đang theo học sáng tác tại Đại học VHNT Quân đội.

Bên cạnh đó, cái tên Bảo Lan cũng được nhiều người biết đến. Cô tốt nghiệp đại học đàn bầu, nhưng hát nhóm và sáng tác ca khúc nhạc nhẹ. “Độc huyền cầm” và CD “Cánh mặt trời” có hơn một nửa do cô sáng tác được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Gần đây, bản thân các nữ nhạc sỹ cũng có xu hướng tự trình diễn những bài hát của mình như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Đoan Trang.

Hạn chế của “phái yếu”

Trong sáng tác, cảm xúc là ngọn nguồn thôi thúc người viết cầm bút. Khi cảm xúc dâng trào, cộng với sự hiểu biết về âm nhạc thì một sản phẩm được ra đời là điều dễ hiểu.

Thế mạnh của nữ giới là sự nữ tính, dịu dàng nên khi nói những điều về tình yêu, bày tỏ cảm xúc của người con gái đang yêu, họ dễ chiếm được sự đồng cảm của người nghe. Về chuyên môn, họ cũng được đào tạo bài bản ở các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp.

Tuy nhiên trong giới sáng tác, họ vẫn chỉ được xem là những bóng hồng dạo chơi với những sáng tác ít ỏi, ngẫu hứng. Những sáng tác của họ đa số chỉ ca sỹ nữ mới thể hiện được. Không chỉ bị chi phối nhiều thời gian cho gia đình, con cái, nữ giới còn bị hạn chế về kỹ thuật như hòa âm, phối khí.

Hầu hết các nữ nhạc sỹ đều rất “lơ mơ” về kỹ thuật phòng thu. Nếu khắc phục được những hạn chế này, chắc chắn, các nữ nhạc sỹ của chúng ta sẽ có những bước đi bền vững hơn, chuyên nghiệp hơn.

Huyền Khánh