Thế hệ 8x là đặc trưng của xã hội hiện đại

(ANTĐ) - Sinh năm 1968, Từ Triệu Thọ thuộc một trong những người theo chủ nghĩa lý tưởng. Vào đại học, Từ bắt đầu thấm nhiễm tinh thần ưu tư cuối thế kỷ cũ...

Nhà văn Trung Quốc Từ Triệu Thọ:

Thế hệ 8x là đặc trưng của xã hội hiện đại

(ANTĐ) - Sinh năm 1968, Từ Triệu Thọ thuộc một trong những người theo chủ nghĩa lý tưởng. Vào đại học, Từ bắt đầu thấm nhiễm tinh thần ưu tư cuối thế kỷ cũ...

Những năm 1990, Từ làm vận động văn học và vận động tư tưởng ở Tây Bắc, bị gọi là “tên điên”, “kẻ khùng”, “kẻ khoác lác”. Sau một thời gian “ở ẩn”, Từ trở nên nổi tiếng trên mạng qua tác phẩm “Nhật ký phi thường”, sau đó, Từ liên tục dấn thân vào con đường văn chương, với một loạt các tác phẩm, thu hút được rất nhiều sự chú ý của độc giả Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ thanh niên đương đại. Ở Việt Nam, Từ đã được biết với “Sinh năm 1980” cùng những hình ảnh tiêu biểu mà ở đó, Hồ Tử Kiệt được coi là một “Giả Bảo Ngọc đương thời”. Là cộng tác viên thân thiết của Báo ANTĐ, Minh Minh đã gửi e-mail cho nhà văn Từ Triệu Thọ với mong muốn sẽ có cái nhìn sâu hơn về tác giả cũng như những tác phẩm của nhà văn này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

Nhà văn Từ Triệu Thọ
Nhà văn Từ Triệu Thọ

- Anh nhận xét thế nào về sự khác nhau giữa các thế hệ 6X, 7X và 8X, nhất là qua các sáng tác của anh?

- Theo tôi, những người sinh ra vào những năm 60 của thế kỷ trước hầu hết mang sắc thái của chủ nghĩa lý tưởng kiểu tập thể, những người sinh ra trong thập kỷ 70 đa phần đều có một đặc điểm rất rõ rệt, đó là phẫn nộ, chán ghét thời đại. Còn thế hệ 8X thì rất khác với hai thế hệ trước, họ không có lý tưởng tập thể của thế hệ 6X, cũng không nhìn gì cũng thấy “ngứa mắt” như thế hệ 7X, họ sống “giống người” hơn, tính cách hầu trung hòa, mềm dẻo. Bối cảnh cuộc sống của ba thế hệ này rất khác nhau, vì vậy quan niệm và cách sống của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Có lẽ chia họ thành mấy thế hệ thì không hợp lý lắm, có điều, khoảng cách giữa họ quá lớn, không chia không được.

Chúng ta đang phát triển rất nhanh, cứ năm năm trôi qua là đã có thêm một thế hệ rồi. Những thanh niên sinh trước năm 1985 thường nói họ không thể nào hiểu được những đàn em sinh sau năm 1985 của mình nghĩ gì, làm gì nữa. Thế hệ 8x cho rằng đời ông họ đã đổ máu để giành lấy độc lập, đời cha họ đã đổ mồ hôi để xây dựng đất nước, đến thời của họ, họ hoàn toàn có quyền hưởng thụ thành tựu đó. Đây là chuyện không thể tránh khỏi. Ba đời là ra quý tộc, nói dễ nghe một chút, họ đã là quý tộc rồi. Tất cả đều do hoàn cảnh sống của chúng ta tạo nên, là kết quả của sự phát triển, chúng ta không thể quá trách móc họ.

Có thể nói các thế hệ trước sống trong ảo tưởng, sống bằng ảo tưởng, còn họ thì căm ghét cái ảo tưởng đó, họ tôn sùng hiện thực, sống lại càng hiện thực hơn. Vì vậy, thế hệ 8X không chỉ trích xã hội như các đàn anh mình, họ cũng không dấy lên những làn sóng tư tưởng vô căn cứ như các thế hệ trước, họ tin tưởng vào vật chất, đồng thời tin rằng vật chất chính là tinh thần. Theo tôi, thế hệ này đã thực sự thể hiện được đặc trưng của xã hội hiện đại.

- Từ trước khi “Nhật ký phi thường” được xuất bản, anh đã luôn quan tâm đến cuộc sống của sinh viên đại học, đồng thời đã tận mắt chứng kiến quá trình thay đổi tâm lý của các sinh viên. “Sinh năm 1980” là tiểu thuyết đầu tiên miêu tả cuộc sống của thế hệ sinh sau năm 1980, nhưng nhìn từ góc độ nào thì cuộc sống của họ cũng mới chỉ là một khởi đầu, đề cập đến nó một cách quá trịnh trọng như vậy liệu có hơi thái quá không ?

- Cách nhìn của tôi như thế này, cuộc sống của những người sinh ra trong khoảng ba mươi  năm từ 1950 đến 1980 - lấy chính trị làm trung tâm, thập kỷ 90 là thập kỷ của kinh tế, nhưng nó vẫn chưa thể phát triển thành một thời đại lấy văn hóa và nhân bản làm trung tâm như chúng ta mong đợi. Thế hệ 8X sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh như vậy, họ là lực lượng chủ đạo để thay đổi xã hội, vì vậy cuộc sống của họ tất nhiên phải đáng được xã hội quan tâm rồi.

Bìa 2 cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Bìa 2 cuốn sách nổi tiếng của nhà văn
Bìa 2 cuốn sách nổi tiếng của nhà văn

- Anh còn muốn nói gì với độc giả của mình nữa?

- Tôi không mong đợi sách của mình có giá trị văn học gì cao vời, cứ coi nó là thứ đồ mục nát cũng được. Tôi chỉ hy vọng độc giả đọc xong, có thể vứt bỏ thành kiến cá nhân, cẩn thận suy xét lại con em của mình. Tôi cũng mong những độc giả trẻ có thể tự soi lại mình trong đó, phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm. Tóm lại, mọi người cần khoan dung, cần hiểu nhau hơn.

- Hình thức tự truyện, hay nhật ký, vốn là hình thức kể quen thuộc trong các sáng tác của anh, dường như anh thực sự hứng thú với kiểu kết cấu truyện lồng truyện?

- Tôi không nghĩ rằng đây là một sự chọn lựa ngẫu nhiên. Tôi muốn xây dựng nên một thế giới hư cấu bằng ngôn ngữ bình dị, hết sức đời thường. Tôi muốn sử dụng những lời nói của nhân vật như lời tâm sự để rút ngắn khoảng cách giữa người kể với người đọc, cho khoảng cách đó được rút ngắn lại. Tôi muốn đặt nhân vật của mình đối diện với những ngày tháng đã qua, không hề né tránh những sai lầm, những tội lỗi, những mặc cảm… dù đau đớn và nhức buốt, để từ đó, họ vượt lên trên chính bản thân và hoàn thiện, đó cũng được coi như một lời sám hối. Mỗi cảnh huống đặc biệt của đời sống được hư cấu trong mỗi tác phẩm sẽ lại khiến người ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của sự tồn tại.

- Điều gì đã khiến anh viết cuốn tiểu thuyết này ?

- Một nguyên nhân là sau khi “Nhật ký phi thường” xuất bản, tôi nhận được rất nhiều lời phê bình cũng như kiến nghị. Một trong số đó nói tôi đã không tôn trọng những sinh viên xuất thân ở nông thôn, vừa hay đó cũng là một gợi ý, muốn tôi viết một cuốn sách về những sinh viên lớn lên chốn thành thị. Nói thực lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ viết một tiểu thuyết thế này cả. Lúc đầu tôi chỉ định xây dựng một hình tượng tay chơi, để biểu đạt sự đánh giá của mình với sinh viên đại học hiện nay, nhưng viết mãi, viết mãi cuối cùng thành một tiểu tuyết dài mấy vạn chữ. Hình tượng này tôi xây dựng hơi cực đoan, tôi muốn dùng những ví dụ cực đoan để nhấn mạnh cái bản chất của hiện tại.

- Xin cảm ơn anh!

Minh Minh (Thực hiện)