"Thế giới của chúng em 5" chưa thôi sức hấp dẫn với khán giả nhỏ tuổi vào dịp Giáng sinh

ANTD.VN - Tự tay viết kịch bản và đạo diễn, nhà thiết kế Đức Hùng cho thấy, anh là một người có tư duy logic và sắc sảo trong cách đạo diễn. Vẫn là công chúa Elas, Anna, là những cây thông Noel không thể thiếu vào dịp Giáng sinh nhưng ngay ở phần 5, series rối "Thế giới của chúng em" vẫn chưa thôi sức hấp dẫn với khán giả... 

Xoay quanh đề tài Giáng sinh, "Thế giới của chúng em 5" là một chuỗi các các tiết mục múa rối tạp kỹ và tiểu phẩm kịch vui, mang tính giải trí cao, ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng , hướng cho các em nhỏ biết yêu thương giúp đỡ mọi người, chăm chỉ lao động và trung thực trong cuộc sống.

Ở phần 5, các em không chỉ đến với các đất nước xa xôi, nơi có những chú tuần lộc và ông già Noel đáng mến. Mà ở đó, các em còn được gặp ông Bụt hiền từ bước ra từ truyện cổ tích Việt Nam với những làn điệu ru con quen thuộc và sâu lắng. Cái tài của đạo diễn Đức Hùng là anh đã xâu chuỗi từ không khí Giáng sinh của các nước Bắc Âu đến đến không khí chỉ có trong những câu chuyện cổ tích của dải đất hình chữ S rất ngọt, không có sự đứt gãy hay chắp nối một cách khiên cưỡng.

Nhiều ông già Noel cùng xuất hiện trên sân khấu

Có cả câu chuyện cổ tích "Cô bé Lọ Lem" được tái hiện trong vở diễn

Với một vở diễn dành cho thiếu nhi, Đức Hùng đã khai thác triệt để sự tương tác giữa các nhân vật với khán giả. Trong đó có thể kể đến đoạn đối thoại khá thú vị giữa ông già Noel và các khán giả nhỏ tuổi.  

Vở rối "Cô bé bán diêm"

Không chỉ sử dụng không gian của truyện cổ tích Việt Nam, đạo diễn Đức Hùng còn sử dụng tới các bản hit âm nhạc nổi tiếng như: Để Mỵ nói cho mà nghe, Happy New Year... để làm nền cho các vũ đạo của các con rối. Trong đó, màn biểu diễn rối nhảy Hip hop là ấn tượng hơn cả. Những con rối được tạo hình giống như các bạn nhỏ tuổi teen, với trang phục mùa đông, quàng khăn. Mặt và phần chân con rối được giữ cố định vào đầu và chân của diễn viên mặc bộ đồ màu đen. Khi tiếng nhạc sập xình vang lên, những con rối tuổi teen này nhảy rất điệu nghệ khiến cho khán giả cũng nhún nhảy theo.

Đúng với tên gọi "Thế giới của chúng em", các nghệ sĩ và ê kíp dàn dựng đã tạo ra một thế giới nhiều sắc màu dành cho các em nhỏ. Vở diễn đã đưa các em hòa mình vào không khí Giáng sinh vui nhộn thông qua những vũ điệu đặc sắc của rất nhiều ông già Noel tới từ khắp nơi trên thế giới.  

Một cảnh trong vở rối "Cô bé bán diêm"

Chia sẻ thêm về vở diễn, NSƯT Đức Hùng cho biết, với mục đích thực hiện những sản phẩm nghệ thuật độc đáo của Hà Nội, góp phần phục vụ khán giả Thủ đô, thu hút khách du lịch, anh đã dàn dựng vở diễn vừa mang màu sắc truyền thống và vừa mang sắc màu hiện đại.

Cũng nhân dịp này, Nhà hát Múa rối Thăng Long còn ra mắt khán giả Thủ đô vở diễn "Cô bé bán diêm” do NSƯT Lê Thu Huyền viết kịch bản và đạo diễn, dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch Andersen. Nếu như tác phẩm “Thế giới này là của chúng em” mang nhiều yếu tố hiện đại kết hợp ca múa nhạc thì vở rối “Cô bé bán diêm” lại có sự hấp dẫn riêng khi sử dụng nhuần nhuyễn rối nước truyền thống - vốn là thế mạnh của rối Thăng Long. Câu chuyện về cô bé bán diêm với nhiều ước mơ đẹp đẽ là dư âm ngọt ngào cho mùa Giáng sinh.

Bằng việc ra mắt đồng thời hai vở rối mới, kết hợp giữa múa rối truyền thống với hiện đại và sử dụng nhiều công nghệ, các vở rối của Nhà hát múa rối Thăng Long đã góp thêm sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa để đón Giáng sinh và năm mới 2020.