Thay đổi phương thức phát lộc, Lễ hội Gióng diễn ra trong bình yên

ANTD.VN -Sáng nay 10-2, tức mùng 6 tháng Giêng (AL), Lễ hội Gióng đã chính thức khai mạc tại Khu di tích Lịch sử đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Tiếp tục áp dụng các phương thức mới- phát lộc thay vì cướp lộc từ năm 2018, mùa hội năm nay tiếp tục diễn ra trong bình yên, không còn những cảnh tả tơi phản cảm.

Bắt đầu từ 6h sáng, các đoàn rước lễ vật đã tề tựu đông đủ tại đền Thượng- nơi hành lễ. Thời tiết thuận  lợi nên du khách trẩy hội cũng đã đổ về di tích rất đông.

Phần lễ vẫn diễn ra theo tục cũ. Lễ vật được cung tiến bao gồm giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Là một trong bốn “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Ngài phi ngựa tới núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Có thể nói đó là một trong những hình tượng đẹp đẽ và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Để tưởng nhớ công đức của Ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch.

Khu di tích lịch sử đền Sóc đã được khởi dựng hơn 1.000 năm, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và thời gian, cùng nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, và những hiện vật có giá trị. Năm 1962, Quần thể di tích đền Sóc được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Quần thể di tích đền Sóc là Di tích lịch sử Quốc gia cấp đặc biệt. Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ mộc dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Từ nhiều năm nay, Lễ hội Gióng luôn là "điểm nóng" khi phong tục cướp giò hoa tre-một phong tục đẹp bị biến tướng. Nhiều thanh niên đi hội đã quyết "ăn thua đủ" với nhau tạo thành những hình ảnh hết sức phản cảm. Năm 2018, lần đầu tiên, Sở VHTT Hà Nội phối hợp cùng với UBND huyện Sóc Sơn và đại diện người dân địa phương đã có nhiều lần ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc và thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế những phản cảm và biến tướng nói trên.

Mùa hội năm 2018 được dư luận đánh giá là thành công, vì vừa đảm bảo được phần lễ theo truyền thống, vừa phát lộc rộng rãi, người đi hội cũng hoan hỉ, không còn cảnh tranh cướp tơi tả hay vác gậy phang nhau toé máu như những mùa hội cũ.

Mùa hội năm 2019 này, việc phát “giò hoa tre” và “trầu cau” cho Nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm cũng được Ban tổ chức lễ hội kiểm soát rất chặt chẽ. Theo đó, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau được di chuyển vào hậu cung, một số lượng vừa đủ được dâng lễ ở đền Hạ, đền Mẫu. Nhờ đó, tình trạng lộn xộn khi phát lộc giò hoa tre đã không xảy ra tại mùa lễ hội năm nay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh - Trưởng ban tổ chức lễ hội Gióng năm 2019, khẳng định, việc thay đổi này bảo đảm không làm mất đi những nghi lễ truyền thống của lễ hội, thay vào đó, còn góp phần tạo nên hình ảnh văn minh, yên bình cho lễ hội được chờ đợi bậc nhất trong năm của Hà Nội.