Thành thật để “Không lạc loài”

(ANTĐ) - Tôi đọc những bài viết của Lê Anh Hoài cách đây đã lâu lắm, từ khi Hoài chân ướt chân ráo về làm ở Báo Tuổi trẻ Thủ đô. Số nào cũng một bài phóng sự đầy đặn. Nó cho thấy bút lực cũng như sự cần mẫn, đam mê công việc của một phóng viên trẻ. Tiếp đến là những bài thơ, truyện ngắn đăng rải rác trên các báo văn nghệ. Thỉnh thoảng anh em ngồi cà phê, Hoài thường im lặng, đầu óc như chơi vơi ở một phương trời nào đó hoặc cũng có thể đang “nung nấu” cho một ý tưởng mới nhen lên...

Thành thật để “Không lạc loài”

(ANTĐ) - Tôi đọc những bài viết của Lê Anh Hoài cách đây đã lâu lắm, từ khi Hoài chân ướt chân ráo về làm ở Báo Tuổi trẻ Thủ đô. Số nào cũng một bài phóng sự đầy đặn. Nó cho thấy bút lực cũng như sự cần mẫn, đam mê công việc của một phóng viên trẻ. Tiếp đến là những bài thơ, truyện ngắn đăng rải rác trên các báo văn nghệ. Thỉnh thoảng anh em ngồi cà phê, Hoài thường im lặng, đầu óc như chơi vơi ở một phương trời nào đó hoặc cũng có thể đang “nung nấu” cho một ý tưởng mới nhen lên...

Cũng từ những bài viết đó, tôi nhận thấy chất tự sự rất lớn trong từng con chữ của Hoài. Bao trăn trở, day dứt, chiêm nghiệm, vấp váp... ùa vào trang viết nặng trĩu. Có thể vì thế mà bài viết luôn có sức thuyết phục, mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả.

Nhưng phải đến khi đọc xong “Không lạc loài”, cuốn tự truyện của nhà báo đồng tính Phạm Thành Trung do Hoài chắp bút, tôi mới thấy chất tự sự đó được phát huy tối đa, dù Hoài cho biết đã “đánh vật” với 15 chương bản thảo trong vòng có 2-3 tháng trời.

Đọc “Không lạc loài”, thấy một Lê Anh Hoài điềm đạm, bình tĩnh mổ xẻ từng chi tiết với những triết lý giản đơn nhưng vẫn có sức lay động lòng người. Trước đó, Hoài cũng đã kịp tung ra tiểu thuyết “Chuyện tình mùa tạp kỹ” gây xôn xao văn đàn bởi một phong cách lạ, tiết tấu dồn dập với hàng loạt chi tiết đan cài, tầng nấc mà trong đó là những cuộc đời, những thân phận nổi chìm theo từng dòng xoáy của đời sống.

Viết tự truyện vừa dễ, vừa khó, khó nhiều hơn dễ, bởi nhà văn bị “triệt tiêu” sự hư cấu, bay bổng và luôn phải bám vào tính chân thật của sự việc. Với “Không lạc loài”, Hoài khá khôn ngoan khi sắp xếp bố cục các chương, lôi bạn đọc từ chương đầu cho đến chương cuối bằng giọng kể chậm rãi nhưng đầy đau xót, nghiệp ngã về số phận một con người.

Nhà văn Lê Anh Hoài Nhà báo Phạm Thành Trung Nhà văn Lê Anh Hoài Nhà báo Phạm Thành Trung
Nhà văn Lê Anh Hoài Nhà báo  Phạm Thành Trung

Nhân vật chính của tự truyện là Phạm Thành Trung, bị một thầy giáo lạm dụng tình dục từ năm cậu 13 tuổi. Kể từ lúc đó, cuộc đời cậu là những trang u ám, mặc cảm, dằn vặt khi cậu nhận ra con người thật của mình. Rồi khi trường thành, học đại học, Trung đã quan hệ với nhiều người, thậm chí có người đã tự sát vì bế tắc và đau khổ..., những tưởng Trung sẽ bị nhấn chìm trong sự cô độc nhưng chính anh đã tự tìm cho mình một lối đi, nhằm thay đổi số phận. Trung chuyển sang làm phóng viên văn hóa cho một tờ báo mạng. Công việc mới mẻ luôn cuốn hút anh và cùng với sự cảm thông, bao dung của mọi người, anh đã tìm thấy tình yêu cuộc sống.

Khi quyết định công khai giới tính của mình, Trung chỉ có một nguyện vọng rất đơn giản: Tôi mong muốn những câu chuyện có thật của mình, những sai lầm, vấp ngã của mình và quyết tâm thay đổi mọi thứ xung quanh mình sẽ giúp cho những người bạn có hoàn cảnh giống như tôi suy nghĩ nhiều hơn về một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi không dám chắc sẽ thay đổi được nhiều điều, nhưng tôi có tham vọng: Mọi người sẽ có cái nhìn nhân ái hơn về người đồng tính. Hãy nhìn vào những cố gắng của họ, đừng vì sự tò mò và soi mói của mình mà dẫn đến những cái chết của những người đồng tính yếu đuối.

Thỉnh thoảng, tôi có online và vào blog của Trung với cái nick name khá nổi tiếng: Zaizai. Cho đến khi Hagiangbook họp báo ra mắt cuốn sách, tôi mới thấy Trung ngoài đời. Có thể nhận xét một cách ngắn gọn nhất: Trung là một chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, yêu đời và quan trọng hơn cả là tính trung thực. Niềm vui hay nỗi buồn nho nhỏ, những tâm sự riêng tư... được Trung giãi bày trên blog một cách thành thật. Có lẽ, chính điều này mà anh luôn nhận được sự đồng cảm của bạn bè và “Không lạc loài” là cách mà anh lựa chọn để nhích lại gần hơn với mọi người, khẳng định mình và có đóng góp tích cực hơn cho xã hội.

Tôi có may mắn khi là người đầu tiên đọc từng chương bản thảo “Không lạc loài”, bởi Hoài muốn có những lời góp ý thẳng thắn. Hoài tâm sự, để hoàn thành “Không lạc loài”, nhân vật “trải lòng” là một chuyện, người viết cũng phải đi lại, gặp gỡ, trò chuyện với không ít người có tên trong sách để tìm được sợi dây xuyên suốt, một chỉnh thể hợp lý. Tất cả chỉ để cái chủ quan của người viết đến gần hơn với cái chủ quan của nhân vật và truyền đến bạn đọc những cảm xúc chân thành.

Giờ thì “Không lạc loài” đã có trên tay bạn đọc. Hay dở sẽ do bạn đọc phán xét. Riêng tôi, tôi cho rằng Hoài đã vượt qua một thử thách lớn khi tìm đến một cách thể hiện mới, đầy đặn và tự tin. Dù bị “dính chặt’ vào hiện thực, nhưng điều khó khăn nhất mà với tư cách một nhà văn, Hoài đã làm tròn bổn phận, đó là sự thăng hoa của ngôn từ. Và biết đâu, chúng ta lại có cơ hội đọc “Không lạc loài” phần hai với sự chín chắn và nhiều chi tiết hấp dẫn hơn?

Phương Ly