Thành phố thông minh với sông hồ nhân tạo

ANTD.VN - Kualalumpur - Thủ đô cũ của Malaysia, theo tiếng bản địa có nghĩa là “Nơi hội tụ của những dòng sông”, có lẽ chính vì vị trí địa lý của thành phố nên mới sinh ra tên gọi như vậy. Còn thủ phủ hành chính mới của Mã lai lại là Putrajaya - một đô thị thông minh với hầu hết sông hồ đều là nhân tạo.

Malaysia là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo với bốn nhóm người chính là người Mã Lai, người gốc Hoa, người Ấn Độ và người châu Phi. Vì thế, mặc dù ngôn ngữ chính thống ở đây là tiếng Mã Lai song mỗi người dân đều có thể nói được rất nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Mã, tiếng Ấn, tiếng Trung và tiếng Anh.

“Bạn theo đạo nào?”

Trên tivi có các kênh riêng cho mỗi cộng đồng tôn giáo. Cũng như  nhiều quốc gia đa sắc tộc khác, hầu hết các công dân có nước da sẫm màu luôn bị thua kém về địa vị xã hội. Những người này thường đảm nhận các công việc phổ thông như quét dọn, vệ sinh, bốc vác… chứ hiếm khi thấy người da vàng nào lại chịu làm những công việc đó. Trước khi sang Singapore và Mã Lai, xem nhiều phim Singapore thấy diễn viên toàn gốc Hoa, nên tôi có một hình dung khác hẳn về hai quốc gia này. Không như Singapore, quốc gia do hầu hết những người gốc Hoa nắm quyền điều hành (các chính khách, thương gia, ngôi sao màn bạc đa phần gốc Hoa), Nhà nước Malaysia vẫn còn duy trì chế độ quân chủ lập hiến và ở bất  kỳ  nơi công cộng nào đều thấy treo ảnh đức vua và hoàng hậu người gốc Mã Lai mặc triều phục. 

Là một quốc gia đa tôn giáo nên ngay cả khi làm việc người ta vẫn tôn trọng tôn giáo của nhau, đồng phục ở các cơ quan đều phải thay đổi một chút cho phù hợp. Các nữ nhân viên hải quan theo đạo Hồi ngoài bộ quân phục màu tím than như đồng nghiệp còn choàng thêm một chiếc khăn cùng màu. Suốt quãng thời gian ở đây, tôi thường xuyên phải trả lời câu hỏi: “Bạn theo đạo nào?”. Người Mã Lai rất quan tâm và coi trọng tôn giáo của bạn. Tôi nhớ lúc ở nhà, có anh đồng nghiệp từng đi Israel về nói rằng đến các quốc gia đa tôn giáo, có ai hỏi theo đạo nào cứ nói là đạo Phật cho yên tâm, vì người theo đạo nào cũng quý đạo Phật cả. 

Đi xích lô ở thánh địa Melaka

Đến Malaysia, nhất thiết phải đi Melaka nữa cho đủ lệ bộ. Từ thủ đô đi ngược chừng 160km lên biên giới, địa phận tiếp giáp Singapore, sẽ được chiêm ngưỡng một điều thú vị nữa của đất nước này. Thành phố cổ Melaka nhỏ bé với những con phố chật hẹp đỏ rực màu gạch của kiến trúc Hà Lan. Từng bị người Hà Lan đô hộ nên những công trình cũ còn mang đậm phong cách châu Âu. Thành phố này chính thức được UNESCO công nhận là di tích lịch sử từ tháng 7-2008.

Đến Melaka, đầu tiên người ta sẽ đổ xô ra Quảng trường Đỏ. Nơi này vô cùng nhộn nhịp và thú vị như một công viên nhỏ ở châu Âu. Những ngôi nhà xung quanh quảng trường còn giữ nguyên màu gạch như thời thuộc địa. Ở đây tập trung hàng trăm xế xích lô sẵn sàng chở khách lên đồi St. Paul (Bukit St.Paul). Xích lô ở đây cực thú vị. Nếu không sẵn sàng chi vài chục Ringhit cho một cuốc xích lô thì chuyến đi du ngoạn thánh địa cổ xưa mất nửa phần ý nghĩa. Xích lô Melaka ngược với xích lô của ta, nghĩa là xế lô ngồi đằng trước, khách ngồi đằng sau.

Xích lô được trang hoàng lộng lẫy bằng các loại hoa giả xanh đỏ tím vàng như thể kiệu hoa. Trên có chiếc ô cũng rực rỡ không kém. Xe còn trang bị cả cassette. Mỗi lần xế lô khởi động, cassette được bật lên, toàn nhạc dance. Ngồi trên xe hoa, cho dù có nảy lên nảy xuống trên con phố cổ trải đầy đá hộc, nghe giọng Enrique Iglesias, Ricky Martin hát ầm ĩ từ các xích lô qua lại thực ngộ nghĩnh và vui nhộn.

Ngỡ ngàng với cảnh quan “thiên nhiên sông hồ” nhân tạo

Lần thứ hai sang Malaysia, do chưa cập nhật thông tin nên tôi vẫn đinh ninh rằng Kualalumpur là Thủ đô của người Mã. Thấy mọi người nói rằng “Chúng tôi đổi Thủ đô từ lâu rồi”, tôi hơi ngường ngượng. Putrajaya giờ đã là trung tâm hành chính mới, cách Kualalumpur chừng 30km, được khởi công xây dựng từ năm 1995. Tuy vậy, Kualalumpur vẫn được coi là Thủ đô chính thức, còn Thủ đô Putrajaya theo khẩu ngữ thực chất chỉ là một trung khu hành chính mà trong đó nhiều cơ quan cấp Bộ của Chính phủ đã được chuyển về đó. Trong tiếng Mã Lai, “Putra” nghĩa là “Người con trai”  còn “Jaya” là “Thành công”. 

Đường đến Putrajaya rất thông thoáng. Trên xa lộ rộng lớn, các phương tiện đi lại thưa thớt, và rồi thành phố trong mơ đã từ từ hiện ra trước mắt, với con sông nhân tạo bao quanh thành phố và chín cây cầu dây bắc ngang mô phỏng hình ảnh cánh buồm căng khơi. Toàn bộ khu vực từng là một mỏ thiếc bỏ hoang, đất đai khô cằn sỏi đá đã được san phẳng trong vài năm và hình thành một thành phố hiện đại bậc nhất châu Á với các cảnh quan “thiên nhiên sông hồ” đều là nhân tạo.

Người chứng kiến vùng đất trước và sau khi thành hình Putrajaya, chỉ trong vòng vài năm, dễ cho rằng Thần đèn có phù phép thì cũng đến thế này mà thôi. Kiến trúc của Putrajaya hiện đại song vẫn mang âm hưởng chính của Ả-rập với các mái nhà hình củ tỏi màu hồng và xanh ngọc, bao gồm Giáo đường Putra (Putra Mosque), cầu Putra, quảng trường Độc lập Putrajaya, tượng đài Thiên niên kỷ… Nhiều người phàn nàn rằng thành phố nên bổ sung khu Chinatown và Little Indian cho phong phú giống như nhiều nơi khác, song nơi này quả nhiên có khác thường so với những thành phố khác trên Trái đất. 

Nhà văn Di Li 

Putrajaya - đỉnh cao của trí tuệ loài người

Putrajaya được coi là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là thành phố trong mơ mà con người vẫn hình dung. Nó không có rác bẩn, không có ô nhiễm môi trường, không có trộm cắp, không có tệ nạn, không có những sự gì liên quan đến khái niệm cũ kỹ, xấu xí, bẩn thỉu, ngu dốt và lạc hậu. 40% diện tích thành phố là cây xanh và hồ nhân tạo (tận dụng từ các mỏ thiếc cũ), công dân của thành phố được tinh lọc - công dân thông thái (chỉ những trí thức làm việc trong các văn phòng trực thuộc Chính phủ mới được đến sống ở đây) và đặc biệt, nó còn là một “thành phố thông minh”. 

Putrajaya là Thủ đô điện tử đầu tiên của châu Á. Toàn bộ thành phố được quản lý và hoạt động bằng tin học. Ở đây cư dân không biết đến tiền bạc, chìa khóa, trẻ con không cần mang cặp sách nặng chình chịch, vì mỗi công dân đều được cấp một thẻ điện tử với đầy đủ thông số cá nhân như tên, tuổi, nhóm máu, công việc, địa chỉ nhà…

Tất cả việc thanh toán, chuyển giao tài chính, mở khóa nhà, đi xe buýt, truy cập mạng… đều được sử dụng bằng thẻ từ này. Trẻ em được dạy và học trên máy vi tính, làm bài tập và kiểm tra thông qua mạng trực tuyến. Tất cả các khu vực dân cư và văn phòng làm việc đương nhiên đều được nối mạng cáp quang. Nhất cử nhất động đều được điều khiển bằng điện tử. 

Thực cứ như chuyện khoa học viễn tưởng. Cách đây 20 năm, thuở còn cắp sách đến trường, tôi có xem một bộ phim khoa học viễn tưởng của Nga, nói về hai cậu bé tình cờ tìm được cỗ máy thời gian và lạc vào thành phố tương lai, nơi mà những con người “thông thái” sống trong những không gian được điều khiển tự động.

Vậy mà chỉ vài chục năm sau, một quốc gia nằm ngay trong khu vực Đông Nam Á thân thiết của chúng ta đã làm được kỳ tích mà quốc gia nào cũng đều mơ ước. Giờ thì mọi người dân Mã Lai đều mơ sẽ có ngày được chuyển đến sống ở thành phố ước mơ đó. Tôi thì cho rằng, bất kỳ người dân nào trên thế giới, trong đó có tôi, cũng mơ ước sẽ có một ngày thành phố của mình biến thành… thông minh.