Thành Hà Nội thay đổi ra sao dưới triều Nguyễn và thời Pháp thuộc?

ANTD.VN - Trong gần 150 năm (1802-1945), thành Hà Nội đã có những thay đổi về công năng sử dụng và đặc biệt với sự cai trị của người Pháp, Hà Nội đã thay đổi phần lớn về kiến trúc để phục vụ cho mục đích quân sự. Những thay đổi cơ bản này của thành Hà Nội đã được khái quát và phán ảnh sinh động trong triển lãm "Thành Hà Nội-Dấu ấn một thời" vừa khai mạc sáng ngày 22-11 tại Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu, Hà Nội. 

Kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức triển lãm "Thành Hà Nội-Dấu ấn một thời". Triển lãm giới thiệu gần 100 từ liệu, bản đồ, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ tiêu biểu về thành Hà Nội giai đoạn 1802 đến năm 1945.  

Triển lãm chia làm 2 phần: Nhà Nguyễn với thành Thăng Long-Hà Nội và Người Pháp với thành Hà Nội, giới thiệu các tài liệu Châu bản triều Nguyễn và tiếng Pháp về thành Hà Nội giai đoạn 1802-1945. Đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt đối với công chúng, các nhà nghiên cứu lịch sử về sự thay đổi của thành dưới tác động của nhà Nguyễn và người Pháp. 

Các vị đại biểu tham quan triển lãm

Các tư liệu đã làm sống lại lịch sử của Hà Nội một thời. Theo đó, sau 8 thế kỷ là kinh đô của các triều đại Lý Trần Lê, đến triều Nguyễn, Hoàng thành Thăng Long đã chuyển giao sứ mệnh lịch sử cho kinh thành Huế. Cũng từ đây, thành Thăng Long trải qua nhiều biến cố lịch sử với tên gọi mới là thành Hà Nội. 

Dưới triều Nguyễn, mặc dù kinh đô được dời về Phú Xuân (Huế) nhưng thành Thăng Long vẫn giữ vai trò quan trọng như một trung tâm chính trị tại Bắc Kỳ. Năm 1803-1805, vua Gia Long cho xây dựng lại thành Thăng Long theo kiểu Vaubau, trên nền của tòa thành cũ thời Lê.

Điện Kính Thiên, công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi tiếng thời Lê trở thành địa điểm chính đặt hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Công trình này chỉ được sử dụng cho nhà vua và được coi là một trong những khu vực tôn nghiêm nhất của tòa thành.

Phần lớn những vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đều dùng hành cung ở thành Hà Nội làm nơi ở, giải quyết và đưa ra nhiều quyết định quan trọng của quốc gia tại nơi này. Đó cũng là nơi để tổ chức đại lễ bang giao và các lễ tiết quan trọng. 

Cửa Đông Nam thành Hà Nội, khoảng năm 1888 – 1891 (Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ).

Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, lập các tỉnh trong đó có tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội xuất hiện từ đây và thành Hà Nội là trị sở của tỉnh Hà Nội. 

Trong nhiều năm sau này, hành cung ở thành Thăng Long liên tục được sửa chữa. Năm 1841, vua Thiệu Trị cho xây dựng thêm một số công trình gồm một chính điện 5 gian và một hậu điện, điện Thị Triều, điện Cần Chánh và cửa Chu Thước. Xung quanh hành cung có tường bảo vệ. Cho đến những năm 70 của thế kỷ XIX, hành cung được phản ánh khá rõ ràng trong các ghi chép, các bức ảnh và bản đồ cổ do người Pháp vẽ và đây được coi là "một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam". 

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Từ năm 1873 cùng với việc chiếm đóng thành Hà Nội, người Pháp đã thay đổi phần lớn kiến trúc của thành để phục vụ cho mục đích quân sự. Và diện mạo của một cung điện nguy nga trong quá khứ đã dần chấm dứt. Ngoài việc tận dụng một số công trình cũ, quân đôi Pháp còn xây dựng thêm các công sự bảo vệ, các doanh trại làm trụ sở chỉ huy quân sự. Những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội nhiều lần được quy hoạch và mở rộng trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. 

Mặc dù trải qua các cuộc chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật trong thành đã bị phá hủy, chôn vùi nhưng những dấu tích về một tòa thành cổ vẫn sừng sững. Một số công trình di tích vẫn còn đó như: Cột cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên... vừa là minh chứng cho thời kỳ vàng son trong quá khứ, nhưng cũng là những biểu tượng đẹp của Hà Nội ngày hôm nay. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, triển lãm là một hoạt động mở đầu cho chương trình hợp tác "Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới" giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và đơn vị này. Qua triển lãm, du khách sẽ hiểu thêm về lịch sử của Hà Nội, được thể hiện các tư liệu lưu trữ.