Tháng Tư thương nhớ

ANTD.VN -Trong sâu thẳm trái tim mình, ai cũng có một miền quê để thương để nhớ. Nỗi nhớ đó không phải là những gì cao siêu trừu tượng mà thật cụ thể, gần gũi thân thương. Với những người xa quê đã lâu thì tình yêu và nỗi nhớ càng trở nên da diết sâu nặng hơn bao giờ hết.

Với tôi, quê hương là cả một miền kí ức gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ. Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy kham khổ, thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và vô lo vô nghĩ. Chúng tôi đã sống trọn vẹn với sự hồn nhiên trong sáng vô tư nhất của những đứa trẻ quê.

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng những đứa trẻ dạy từ mờ đất, chia nhau củ sắn củ khoai hay vài thìa cơm nguội rang muối rồi râm ran gọi nhau đi học. Những bước  chân thoăn thoắt đi bộ đến trường. Việc học nhẹ nhàng mà vui hết mình, không áp lực. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Tuổi thơ của chúng tôi trôi đi trong nhọc nhằn lam lũ và lấm lem bùn đất nhưng đầy ắp kỉ niệm. Kỉ niệm về những lần nghịch dại, những buổi đi học về đói quá rủ nhau ăn trộm hoa quả bị “bắt sống”. Kỉ niệm về những buổi trưa, buổi chiều ra đồng tranh nhau tát thùng, bắt cua cá và vục nước ở sông ngòi để uống. Bao nhiêu lần bị đánh đòn vì trốn ngủ trưa ra đồng mà không đứa nào chừa.

Trong tim ai cũng có một vùng quê đầy thương nhớ (ảnh minh họa: VnExpress)

Có lẽ, trong rất nhiều những hình ảnh gợi thương gợi nhớ thì với tôi, sâu đậm nhất là những cảnh đời số phận trong những năm tháng gian khó. Đó là những người phụ nữ quanh năm vất vả tảo tần vật lộn với cuộc mưu sinh. Dù mưa dầm nắng lửa, tháng ba hay ngày mùa, những thân cò ấy chỉ biết lặn lội trên đồng ruộng, trong bùn đất để kiếm cái ăn. Thế mà vẫn thiếu đói triền miên, nhà cửa trống huơ trống hoác. Mái rạ mủn xìn xịt, cột kèo ọp ẹp răng rắc kêu, mọt mẹ mọt con kẽo kẹt đưa võng suốt ngày.

Những người đàn ông lưng trần phơi cả bốn mùa gió mưa, đầu sông cuối bãi lần hồi mà vẫn túng thiếu. Có nhà suốt đời cắm mặt vào lưới te, gò lưng thót bụng mà cũng chỉ bữa đói bữa no. Những đứa trẻ thì lam lũ, cực nhọc chẳng khác gì người lớn. Thương hơn cả là người già gối long lưng sụn, sức tàn lực kiệt vẫn phải gồng mình đi làm kiếm miếng ăn, tối nhọ mặt mới về. Có những ngày trời rét căm căm, chân tay tê cứng vẫn run rẩy làm lụng. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận luôn vẹn nguyên trong tôi cho đến tận bây giờ.

Không chỉ có vậy, ký ức của tôi còn dành chỗ cho những sắc hoa đồng nội giản dị khiêm nhường nơi bờ ao góc vườn như hoa xoan, hoa bưởi, ròng rành, lục bình… Những thứ hoa mộc mạc dân dã  đã làm sống lại một trời tuổi thơ, gợi nhắc tình quê dạt dào sâu nặng. Tôi nhớ cả loài hoa dại mọc nhiều ở bờ ruộng, không có tên gọi. Chỉ hình dung cánh hoa vàng vàng bé nhỏ, không náo nức bướm ong, không nồng nàn hương tỏa, không rực rỡ sắc màu, chỉ lặng lẽ nở rồi tàn, chẳng khác nào những phận người kém may mắn ở cuối xóm, đầu lang.

Tôi còn nhớ những món ăn đạm bạc dân dã như quả cà muối xổi, bát canh cua rau đay mùa nắng, đĩa tép rang cho lá dậu rách, nồi cá kho tương với lá sắn tàu um trấu. Rồi nhớ mâm cỗ quê ngày ấy với những món ăn “cây nhà lá vườn” ngon lành, sạch sẽ  và đầm ấm tình người. Chỉ cần nhà có công việc, họ hàng làng xóm xúm lại, mỗi người giúp một tay, chẳng phải đầu bếp cao sang mà vẫn la liệt các món, khéo léo, đầy đặn, chu đáo như tấm lòng hiếu khách của gia chủ.

Thời gian trôi đi, mọi thứ đều đổi thay. Dù có đi muôn nẻo đường đời, tôi vẫn nhớ con đường trở về quê hương mà với tôi không con đường nào đẹp bằng. Con đường đã in dấu bước chân tuổi thơ ngập trong bùn đất mỗi khi trời mưa. Con đường  bao năm chúng tôi vẫn chạy bộ đến trường. Con đường đã chứng kiến bao thăng trầm của đời người, của dân làng.

Do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, hiện con đường này đã được trải nhựa đen nhánh, phẳng lì. Những nhà cao tầng san sát mọc lên. Cuộc sống đã cải thiện, dân trí nâng lên, quê hương khoác lên mình chiếc áo mới. Ở nơi xa, trái tim tôi luôn hướng về quê mẹ trong miền nhớ của mình với những ký ức vẹn nguyên về những tháng ngày gian khó đã qua….

Hà Nội, tháng 4/2020