Thăng Long - Hà Nội - Trung tâm hội tụ cổ nhạc

(ANTĐ) - Theo sử liệu mô tả, có thể hình dung dưới thời phong kiến, môi trường âm nhạc Thăng Long đã phát triển tới mức độ chuyên nghiệp cao.

Thăng Long - Hà Nội - Trung tâm hội tụ cổ nhạc

(ANTĐ) - Theo sử liệu mô tả, có thể hình dung dưới thời phong kiến, môi trường âm nhạc Thăng Long đã phát triển tới mức độ chuyên nghiệp cao.

Nghệ nhân cổ nhạc tài danh Kim Sinh và nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc
Nghệ nhân cổ nhạc tài danh Kim Sinh và nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc

Nơi quy tụ tinh hoa cả nước

Bằng chứng là đời Lê Thánh Tông, bên cạnh việc xây dựng bộ Đồng Văn và Nhã nhạc trong thiết chế cung đình, chính quyền trung ương cũng sắp đặt một bộ máy quản lý mọi sinh hoạt âm nhạc ngoài dân gian - gọi là Ty giáo phường. Mới biết các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp chốn phồn hoa đô hội phát triển mạnh mẽ như thế nào. Cho đến thế kỷ XV, ca trù, chèo, tuồng… đều đã khẳng định vị trí trong đời sống âm nhạc kinh kỳ.

Sự phát triển của các loại hình hấp dẫn tới mức có những lúc lấn lướt cả âm nhạc cung đình. Sử cũ từng “kêu than” việc con nhà “lương gia tử đệ” xao nhãng cả đường quan lộ để chạy theo các nghệ sĩ chốn giáo phường học đàn ca mua vui, lấy đời sống phiêu lãng khắp 36 phố phường làm thú tiêu khiển. Và, đời sống âm nhạc sôi động đó vẫn còn được ghi nhận cho đến cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Dân gian vẫn lưu truyền câu ca “giàu có thôn quê không bằng ngồi lê Kẻ chợ” ngụ ý đề cao giá trị cuộc sống nơi kinh kỳ. Nói thế để hiểu tại sao Thăng Long - Hà Nội lại thu hút biết bao anh tài từ khắp mọi miền đất nước hội tụ, kiếm kế sinh nhai. Hiện tượng đó đã được xem như một quy luật để hình thành nên một bản sắc văn hóa kinh kỳ - Kẻ chợ. Cho đến tận cuối thế kỷ XX, đại đa số các nhân tài cổ nhạc thành danh trên mảnh đất này đều là những người đến từ những miền quê khác. Chỉ có tới đây, họ mới có thể phát huy hết mọi khả năng của bản thân trong một môi trường chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh cao.

Mặt khác, đất kinh kỳ từ ngàn đời luôn được coi là mảnh đất của kẻ sĩ, của giới thương nhân cũng như những người tiêu thụ “khó tính” và sành điệu. Theo đó, các giá trị nghệ thuật muốn tồn tại nơi này tất phải có sự tinh luyện, chắt lọc tới mức cao và chịu sự tác động mạnh mẽ của mối quan hệ cung - cầu trong môi trường văn hóa. Chính điều đó cũng góp phần hình thành một bản sắc riêng của cổ nhạc Thăng Long - Hà Nội, tạo đà phát triển tối đa cho mọi giá trị văn hóa nghệ thuật nói chung.

Môi trường nuôi dưỡng nghệ thuật

Ai cũng biết đất Thành Nam là thủ phủ của nghệ thuật Chầu văn, thế nhưng chỉ đến khi ra đất kinh kỳ thì loại hình nghệ thuật này mới đạt tầm cao của hệ kỹ thuật âm nhạc. Trong đó, hình thức Hát Văn thi là sinh hoạt đáng chú ý. Hàng năm, ở hệ thống đền phủ trong Hà Nội, thủ nhang đồng đền cùng các bô lão, chức dịch sở tại thường tổ chức thi tay nghề cho các cung văn trong vùng. Người nào tài cao đoạt càng nhiều giải thì càng có cơ may trấn giữ nhiều đền phủ để làm ăn sinh sống. Giới các chân đồng cứ theo danh tiếng của cung văn mà “đặt chỗ” bắc ghế hầu. Bởi vậy, có thể coi Hát Văn thi như một hiện tượng chịu sự chi phối cung - cầu trong sinh hoạt tín ngưỡng Tứ phủ trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội.

Với nghệ thuật Ca trù, thủa ban đầu vốn là một thể loại âm nhạc nghi lễ, chủ yếu gắn liền với những ngôi đình, phục vụ cho các nghi thức tế thần, thành hoàng làng. Trải theo thời gian, các giáo phường nơi thôn dã cũng đua chen nhau ra Hà Nội thành lập hệ thống các nhà hát Cô đầu. Đây được xem như một bước ngoặt của lịch sử Ca trù, nâng tầm nghệ thuật biểu diễn lên mức cao phục vụ giới thức giả, tao nhân mặc khách đất Hà thành.

Tương tự, các bộ môn nghệ thuật sân khấu như Tuồng, Chèo cũng sớm bén rễ trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội từ bao đời. Thủa xưa, các nghệ sĩ hành nghề trong các gánh hát. Cơ hội làm ăn thường gắn liền với những sinh hoạt cồng đồng ở từng địa bàn. Đất diễn khi đó chủ yếu là sân đình hay các tư dinh. Sang đầu thế kỷ XX, Chèo và Tuồng nhanh chóng tìm được “đất diễn” mới, đó là hình thức các nhà hát tư nhân xây theo mô hình sân khấu hộp Tây phương.

Nhìn chung, với một môi trường khán giả có đời sống văn hóa tinh thần sôi động, các gánh hát, nhà hát đua tranh phát triển, để lại rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn. Điều đặc biệt, vào đầu thập niên 20 thế kỷ trước, sau khi những gánh hát Cải lương Nam Bộ đầu tiên ra Hà Nội lưu diễn, giới nghệ sĩ Hà thành đã nhanh chóng thâu nạp thể loại mới mẻ này. Để rồi hơn 10 năm sau đó, gánh hát Cải lương đầu tiên của người Hà Nội chính thức ra mắt, ghi thêm dấu ấn hội tụ những giá trị tinh hoa trên đất kinh kỳ.

Còn biết bao điều có thể nói về mảnh đất nghìn năm văn hiến, tất cả làm nên một khuôn diện riêng, một bản sắc của cổ nhạc Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh vị trí trung tâm hội tụ, đây còn là nơi thể nghiệm những ý tưởng sáng tạo và phát triển nhạc dân tộc có tính tiên phong. Lịch sử đã ghi nhận những hình thức sân khấu, âm nhạc dân tộc kiểu mới được sáng tạo nơi đây như Chèo văn minh, Chèo Cải lương, Chèo cải biên, Tuồng cải biên và nhạc dân tộc cải biên… Tất nhiên, trong những thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật, không phải tất cả đều có thể tồn tại và đứng vững trong lòng giới thức giả Hà thành.

Bùi Trọng Hiền