Tản mạn quốc hoa

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, vấn đề bình chọn quốc hoa được một số báo đề cập tới, và gây ra không ít bàn tán trên các diễn đàn mạng. Với nhiều người, từ “quốc hoa” không phải quá xa lạ, có người còn liên tưởng ngay tới những loài hoa gắn liền với tên một quốc gia nào đó.

Tản mạn quốc hoa

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, vấn đề bình chọn quốc hoa được một số báo đề cập tới, và gây ra không ít bàn tán trên các diễn đàn mạng. Với nhiều người, từ “quốc hoa” không phải quá xa lạ, có người còn liên tưởng ngay tới những loài hoa gắn liền với tên một quốc gia nào đó.

Từ “quốc hoa” được ghép từ hai chữ Hán Việt là “quốc” và “hoa”, với ý nghĩa là loài hoa của đất nước. Theo hiểu biết của chúng tôi, không có những ràng buộc về mặt luật pháp trong việc chọn quốc hoa, tuy nhiên hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đã chọn lựa một hoặc một vài quốc hoa, chẳng hạn như: mẫu đơn của Trung Quốc, phong (cây phong) của Canada, xương rồng của Mexico… quốc hoa của những nước này thường được trồng nhiều, hoặc có nguồn gốc bản địa, hoặc mang một ý nghĩa nhất định.

Việc đặt “quốc hoa” nhờ đó đã trở thành một cách giới thiệu nền văn hóa của một quốc gia. Quốc hoa trong một chừng mực nhất định còn có tác dụng gắn kết cộng đồng dân tộc, được đem lại từ ý nghĩa của loài hoa; có tác dụng định hướng chọn lựa cho người dân bản địa, giúp cho loài hoa đó được nâng niu và chăm sóc cẩn thận hơn.

Việt Nam không có một ý thức thực sự rõ rệt về quốc hoa. Lịch sử có ghi nhận vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, hoa sen được chú ý nhiều nhất, chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) với thiết kế giống với một bông sen, hay những bài thơ vịnh sen, tả sen chính là minh chứng rõ nét cho điều này. Ngày nay, người Việt Nam phần nhiều đã rất quen thuộc với câu thơ:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Kể từ thập niên 80 của thế kỷ XX, đã có những ý kiến về việc chọn quốc hoa, nhưng do chưa có sự chuẩn bị tốt nên vấn đề này dần chìm vào quên lãng. Thời gian gần đây, quốc hoa lại được đặt ra, tuy nhiên vẫn chỉ có một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam biết được thông tin về vấn đề có ý nghĩa quốc gia này.

Được biết loài “quốc hoa” của Việt Nam phải đạt được những tiêu chuẩn: Có nguồn gốc được trồng lâu đời ở Việt Nam; là loại hoa tiêu biểu, dễ trồng, phát triển được ở hầu khắp các vùng miền đất nước; thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của nhân dân; hoa bền đẹp về hình thức và màu sắc, có hương thơm; có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân, thông dụng trong đời sống sinh hoạt, luôn có mặt trong sự kiện văn hóa ở trong nước và quốc tế; có giá trị văn học nghệ thuật và được đa số người dân yêu thích, chấp nhận và tôn vinh. Khoan bàn đến sở cứ để đặt ra những tiêu chí này, nhưng đây là những tiêu chí hợp lý, dù có thể sẽ không có nổi một loài hoa nào đáp ứng đầy đủ.

Theo kết quả bình chọn quốc hoa tính đến 7h ngày 21-5-2011, trên trang http://www.quochoavietnam.com.vn/index.php thì hoa sen hồng vẫn chiếm ưu thế lớn trong cuộc đua trở thành quốc hoa Việt Nam với 65,75% phiếu bầu, tiếp theo là hoa đào 18,04%, hoa lúa 5,2%, hoa mai 5,01%, các loài hoa khác 3,16%... Tuy nhiên, cách trưng cầu phiếu bình chọn của trang web này không thật ấn tượng vì nó không được nhiều người biết tới, có xu hướng thiên vị hoa sen rất rõ, và không để người chọn đề xuất một loài hoa cụ thể nào khác.

Riêng với bản thân tác giả bài viết này, việc không nêu tên hoa sưa vào danh sách ứng cử viên cho quốc hoa Việt Nam là một thiếu sót. Vì hoa sưa dường như là một loài hoa của riêng Việt Nam, cây sưa mọc nhiều ở khu vực Công viên vườn Bách Thảo, trên núi Nùng, nơi trung tâm của đất nước. Cây sưa khiêm nhường, bình lặng cho đến khi nở bừng những bông hoa bé nhỏ và tinh khôi, nở từng chùm lớn làm sáng cả một khoảng trời, vẻ đẹp không thua kém những cây anh đào của đất nước Nhật Bản.

Cái tên hoa “sưa” nếu đổi sang đọc là “xưa”, thì loài hoa này sẽ mang thêm một vẻ đẹp mới, lãng mạn với dấu vết của thời gian. Cây sưa đã từng đi vào quên lãng cho đến khi xảy ra những vụ chặt trộm cây gỗ quý hiếm này, đưa đến những thắc mắc về giá trị dược liệu, giá trị kinh tế của nó. Hiện nay cây sưa vẫn xuất hiện trên một số tuyến phố, và sẽ thật có ý nghĩa nếu loài hoa này được trồng rộng rãi để khắp những dãy phố, những công viên, những con đường ngập tràn trong màu trắng tinh khiết của hoa sưa.

Đất nước Việt Nam với sự đa dạng sinh học vốn có đã sản sinh ra những loài hoa mang đặc trưng cho tính vùng miền, một số loài hoa phổ biến ở địa phương này lại ít được biết tới ở địa phương khác. Và với ý nghĩa giới thiệu những nét văn hóa mang tính vùng miền thì nên chăng mỗi một tiểu vùng hãy chọn lựa một loài hoa đại diện: hoa sen Đồng Tháp Mười; hoa mai Đông Nam Bộ; hoa ban Tây Bắc; hoa mơ Đông Bắc; hoa đào đồng bằng Bắc bộ; hoa cà phê Tây Nguyên; hoa muống biển miền Trung...

Một vài loài hoa cũng có thể gắn với mỗi một địa danh cụ thể, Hải Phòng rực trời hoa phượng đỏ tháng 5, Thái Bình êm đềm trong mùi hoa lúa; Hoàng Liên Sơn nổi tiếng với hoa đỗ quyên; những cánh hoa lục bình tím biếc là nét nổi bật của vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Được biết việc công bố quốc hoa sẽ diễn ra vào ngày Quốc khánh năm nay. Sự kiện chọn quốc hoa vẫn cần được nghiên cứu thêm, đại chúng hóa hơn nữa để mọi người dân Việt Nam đều được biết và tham gia vào công tác bình chọn. Cũng có thể chọn lựa một hoặc hơn một loài hoa làm quốc hoa.   

Nguyễn Thế Nam