Tản mạn hai nhà văn vẽ!

(ANTĐ) - Trời mưa đến ngập đường Hà Nội ngay đúng cái giờ chuẩn bị khai mạc triển lãm tranh của hai ông bạn văn Trần Nhương – Nguyễn Khắc Phục. Thế mà những bó hoa thơm ngát vẫn đội mưa đến, ào vào phòng tranh, lại ào ra ngoài sảnh nghe hai ông “có đôi lời” với bè bạn, rồi lại ào vào.

Tản mạn hai nhà văn vẽ!

(ANTĐ) - Trời mưa đến ngập đường Hà Nội ngay đúng cái giờ chuẩn bị khai mạc triển lãm tranh của hai ông bạn văn Trần Nhương – Nguyễn Khắc Phục. Thế mà những bó hoa thơm ngát vẫn đội mưa đến, ào vào phòng tranh, lại ào ra ngoài sảnh nghe hai ông “có đôi lời” với bè bạn, rồi lại ào vào.

Mặc sấm, mặc chớp, mặc ướt đẫm. Cũng không quá đông đúc, chỉ đủ rổn rảng liên tục tiếng giày dép, tiếng nói cười, tiếng máy ảnh. Đủ tự tin cho một ông nhà thơ - họa sỹ đã quá nổi tiếng với tranh treo tại chính bảo tàng này. Và đủ tự hào cho một ông nhà văn lần đầu tiên động vào sơn, toan, cọ.

Thi hứng

Tranh Trần Nhương đúng là đầy thi hứng bởi... toàn người đẹp khỏa thân. Các cô đẹp rất tự nhiên, chẳng cần uốn cong, chẳng cần tạo dáng, chẳng cần đánh bóng những khuôn ngực, chau chuốt những đường cong, đẹp mà không cần cố ý phô bày.

Cách định nghĩa “thi hứng” của Trần Nhương cũng lạ. Một khối những sắc màu rực rỡ hòa trộn không định hình, lúc nhìn ra như con rồng uốn lượn, lúc nhìn ra như những chiếc lông công huyền hoặc, rồi lại thấy dấu vết những bàn tay nhúng màu in lên cẩu thả, mãi không luận được ra điều gì.

Nhưng xem tranh Trần Nhương mà “luận” thì bất khả thi. Chỉ thấy bay bổng, lâng lâng, như mình đang lướt đi, như mình đang nhảy múa trên không, tự huyễn: chắc là cũng có được chút thi hứng khi đứng trước những Thi hứng rồi.

Nếu như không vì cái tên triển lãm “Hai nhà văn vẽ”, và giấu đi tên của tác giả thì chẳng ai nghĩ cái phòng tranh này là của một người làm nghề chữ. Cũng như nếu không biết ông Trần Nhương này có gắn mác “Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”, không biết tới cái website hàng trăm nghìn lượt truy cập của ông ấy thì hẳn ai cũng sẽ khăng khăng: ông ấy là họa sỹ chuyên nghiệp.

Kỳ thực thì chủ nhân của những Thi hứng này thạo cả hai ngón nghề chơi. Và chỉ với những gì bày ra trong triển lãm này cũng đủ chứng tỏ tài hoa ấy bởi những bức họa thấm đẫm chất thơ và cách đặt tên tranh thơ không thể thơ hơn.

Và... Hú họa

Người ta đến với Trần Nhương vì đã biết rõ ông vẽ như thế nào. Còn người ta đến với Nguyễn Khắc Phục là vì... không biết ông vẽ thế nào. Vì người ta tò mò xem lão văn nhân ở bến đò Cựa Gà bỗng dưng “nhận lộc trời”, nảy hoa tay vẽ vời 3 tháng hơn sáu chục bức tranh.

Vì người ta choáng ngợp trước không gian sặc sỡ, màu sắc phóng khoáng, nét cọ phóng túng, mạnh mẽ, hồn nhiên, bất chấp mọi quy luật về hình khối, xa - gần, sáng tối của hội họa. Và vì người ta tha hồ mà luận bàn, suy đoán theo cách nghĩ của người ta. Chẳng ai ngờ được là Nguyễn Khắc Phục vẽ cũng ra vẽ, mà lại rất “tay chơi” khi dùng toàn tranh vuông khổ lớn, thể hiện sự nghiêm túc và đam mê hẳn hoi với hội họa.

Xem tranh Nguyễn Khắc Phục, mọi người đều tin khi ông nói: “Tôi nhớ tranh tôi lắm. Ngày nào tôi cũng quây quần bên chúng. Nhưng từ khi mang nó ra khỏi nhà để treo ở đây, ngày nào tôi cũng phải ra vài lần ngồi ngắm cho đỡ nhớ”. Tình yêu muộn màng ấy của Nguyễn Khắc Phục khiến người ta cảm động.

Ánh chiều - tranh của Nguyễn Khắc Phục
Ánh  chiều  - tranh của Nguyễn Khắc Phục

Ngắm kỹ những bức Hú họa, thấy Nguyễn Khắc Phục đúng là “nhà văn vẽ”. Vì chữ nghĩa, suy tư, chuyện người, chuyện đời đầy ngập trong đầu chăng mà ông tham lam đưa hết cả vào tranh. Mỗi bức tranh luôn là một triết lý, một câu chuyện  chất chứa những ý tứ.

Cái tên tranh cũng là cả một công phu và hẳn nếu không có phần ghi chú trong mẩu giấy bé tí xíu dán khiêm tốn bên rìa khung gỗ ấy thì hiếm ai hiểu được ông vẽ gì, dẫu biết chắc chắn là ông ấy đã vẽ cái gì đó với tất cả tấm lòng  mình.

Ví như cái bức Sự ra đời của Tê giác có ký tặng một người bạn, vỏn vẹn thế này: Một tấm biển đường một chiều, hai bàn chân đạp sau lưng, hai cái bàn tay chống xuống đất, miệng thổ ra máu, từ dòng máu đỏ tươi dẫn ra hình con tê giác có cái sừng màu lam nhạt, bên trên đầu là một ngôi đền.

Nếu không có dòng chữ Sự ra đời của tê giác ở bên cạnh, chắc không ai suy đoán được nội dung tranh là gì. Mà vẽ được như thế để tặng bạn, người vẽ phải hiểu bạn lắm lắm.

Nhiều người đến triển lãm bảo Nguyễn Khắc Phục vẽ tranh như trẻ con vẽ. Thấy gì vẽ nấy, vẽ theo kiểu của mình, nhìn nhận của mình nên người lớn xem chẳng hiểu gì cả.

Nói thế cũng đúng, vì Nguyễn Khắc Phục lần đầu tiên cầm cọ trong khi chưa từng trải qua một lớp hội họa nào hay đọc tí sách vở nào về cái bộ môn nghệ thuật này. Nhưng phải khâm phục ông vì ông vẽ Đam San cũng ra thần thái của Tây Nguyên sử thi lắm, vẽ Duyên Phật cũng ra sự vô thường, vẽ Trang sức cũng đầy hồn cao nguyên huyền thoại.

Xem Hú họa mà hình như ai cũng tràn đầy họa hứng, muốn cầm cây cọ, muốn mua toan màu về vẽ, biết đâu lại phát lộ ra thêm một tài hoa ẩn giấu trong tâm hồn từ lâu.

Hoàng Hồng