“Tâm sự Thị Mầu"
(ANTĐ) - Bằng sự kết hợp khá mới mẻ, táo bạo, lồng ghép giữa ca khúc mang âm hưởng dân gian với cách thể hiện của sân khấu truyền thống, ca sĩ Khánh Hòa thể hiện thành công ca khúc “Tâm sự thị Mầu” (nhạc sĩ Nguyễn Cường) tại Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp 3 nước Đông Dương vừa qua và giành HCV. Trong trang phục áo “mớ ba mớ bảy”, Khánh Hòa đã “hóa thân” vào nhân vật và hoàn toàn chinh phục được hội đồng nghệ thuật cùng khán giả theo dõi liên hoan. “Thị Mầu” tâm sự cùng phóng viên Báo ANTĐ
- Một ca sĩ nhạc mới như chị, chắc phải vất vả lắm mới có thể áp dụng chất liệu dân gian và những yếu tố trong sân khấu truyền thống vào ca khúc?
- Đúng vậy! Bên cạnh những kỹ thuật thanh nhạc theo kiểu phương Tây mà tôi được học trong nhà trường (Nhạc viện Hà Nội), tôi phải dành thời gian để tự tìm hiểu và học tập những kỹ thuật hát truyền thống. Cách lấy hơi, nhả chữ nhiều khi rất khác nhau.
Ví như những âm luyến láy hoặc cái “e” trong dân gian phải mất nhiều thời gian mới cảm nhận được. Đó là chưa tính đến những yếu tố vùng miền và thay đổi phong cách thể hiện…
Ca sĩ Khánh Hòa thành công trong ca khúc "Tâm sự Thị Mầu" |
- Vậy chị đã mất bao lâu cho những thay đổi đó?
- Rất khó để có thể nói một thời gian cụ thể, nhưng có thể tính từ khi tôi bắt đầu nghe hoặc tìm hiểu mỗi loại hình dân ca cho đến khi vận dụng vào ca khúc và đưa lên sân khấu.
- Lối hát truyền thống có bị ảnh hưởng đến những gì chị đang được học ở trường?
- Nhạc viện thường tập trung vào lối hát Opera, những kỹ thuật lấy hơi nhả chữ theo kiểu phương Tây… Ban đầu tôi cũng lo lắng về điều này, nhưng khi vận dụng vào hát, tôi mới thấy hai lối hát không hề ảnh hưởng đến nhau, hơn nữa, chúng còn hỗ trợ cho nhau. Điều quan trọng là tôi cố gắng tìm ra đặc điểm của mỗi kỹ thuật để vận dụng hợp lý trong tác phẩm.
- Chị xuất hiện trong Liên hoan với hình ảnh cô Thị Mầu - một nhân vật rất điển hình trong nghệ thuật Chèo và có những động tác để thể hiện tính cách khá “nhuyễn”. Chị đã tập luyện như thế nào?
- Thật may mắn tôi đã gặp được NSƯT Thanh Ngoan - một người có tiếng trong “làng” Chèo hiện nay, chị ấy đã trực tiếp hướng dẫn vũ đạo và cố vấn về trang phục cho tôi.
Đầu tiên tôi phải học tư thế đi, đứng… sau đó học cách sử dụng đạo cụ và cuối cùng là tập biểu hiện các sắc thái tình cảm, tính cách nhân vật trên khuôn mặt…
Quả thật, thời gian đầu rất vất vả. Để học được cách đi lại của Thị Mầu, tôi phải tập đi tập lại, có lúc lưng mỏi nhừ do “lắc” quá nhiều.
- Nhiều người cho rằng không nên quá tập trung vào vũ đạo vì như vậy sẽ làm phân tán sự tập trung cho kỹ thuật hát và sự truyền cảm trong khi hát, chị có đồng ý như vậy?
- Đó chỉ là cách “biện bạch” của những người “dễ dãi” với nghệ thuật, hoặc là không đủ điều kiện để làm tốt. Giọng hát và việc xử lý tác phẩm vẫn luôn là quan trọng nhất ở ca sĩ. Nhưng đối với tôi, vũ đạo cũng là một ngôn ngữ để truyền cảm và nếu biết khai thác sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ca sĩ.
Tuy nhiên, điều khó khăn là phải có một phần vũ đạo phù hợp với ca khúc mà mình thể hiện.
- Hiện nay cũng không ít các ca sĩ trẻ chọn dòng nhạc dân gian đương đại, chị chọn lối đi nào cho mình?
- Tôi vẫn hát nhạc dân gian đương đại bên cạnh các dòng nhạc khác. Tuy nhiên, sau “Tâm sự Thị Mầu” tôi sẽ đẩy mạnh khai thác các yếu tố trong sân khấu truyền thống đặc biệt là trang phục và vũ đạo.
- Phản ứng của chị thế nào nếu “thử nghiệm” của chị sẽ được các ca sĩ khác “ứng dụng”?
- Như vậy thì rất tốt, âm nhạc đương đại sẽ ngày càng “cắm rễ” vào dân gian. Mỗi ca sĩ đều muốn có lối đi riêng, nhưng cái đích phải là một sự phát triển chung. Tôi sẽ rất vui nếu mong ước đó được nhiều người chia sẻ.
Khương Cường thực hiện