Tấm lòng nghệ sĩ chung tay phục dựng nhà Lang

ANTĐ - Chiều nay (23-11), tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) khai mạc cuộc triển lãm đặc biệt với  tên gọi “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh”.

Tấm lòng nghệ sĩ chung tay phục dựng nhà Lang ảnh 1Một tác phẩm của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ tham gia đấu giá

Bốn thế hệ nghệ sĩ cùng góp sức

Nói là đặc biệt, bởi lần đầu tiên giới họa sĩ cả 3 miền cùng tặng tranh, tượng, tác phẩm điêu khắc để triển lãm và bán đấu giá phục dựng ngôi nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (202 đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

57 họa sĩ, nhà điêu khắc ở cả 3 miền đất nước, thuộc 4 thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại đã tặng 61 tác phẩm tranh, tượng cho chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Các tác phẩm này sẽ được mang ra triển lãm và đấu giá lấy tiền phục dựng nhà Lang trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, những nghệ sĩ ủng hộ sự kiện nhà Lang, trừ vài nhà điêu khắc lớn tuổi, hầu hết thuộc lứa tuổi trung niên. Lớn tuổi nhất như Trương Bé, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Đặng Mậu Tựu, Lý Trực Sơn, còn hầu hết là giới trung niên như Đào Châu Hải, Nguyễn Tấn Cương, Bùi Hải Sơn, Đào Anh Khánh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Lê Thiết Cương, Tào Linh...; thế hệ đã khẳng định tên tuổi như Lê Quảng Hà, Trịnh Quốc Chiến, Trần Việt Phú, Vương Văn Thạo, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước, Hoàng Tường Minh, Lê Kinh Tài...; và số ít trẻ hơn như Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Khổng Đổ Tuyền, Phạm Thái Bình, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Tuấn Tú, Dương Thùy Dương, Lê Anh Quân, Nguyễn Trần Cường và Phạm Huy Thông. 

Tấm lòng nghệ sĩ chung tay phục dựng nhà Lang ảnh 2Tranh của họa sĩ Thành Chương tại cuộc đấu giá

"Chúng tôi không vô can"

Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, đây là một “cuộc hội ngộ này rất hữu ích, nó cho thấy nền nghệ thuật chúng ta còn thiếu những gì, dù chúng ta vẫn vẽ và nặn suốt gần 45 năm qua. Tại sao ta lại buồn về thời cuộc, tại sao ta lại thờ ơ với cuộc sống, và điều ấy cũng giải thích hành vi vài người nào đó đến đốt cháy nhà người khác rồi bỏ đi như không có chuyện gì”.

Tham dự các hoạt động trên có đông đảo các nghệ sĩ tặng tác phẩm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, bảo tàng. Cùng một phần không thể thiếu là các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh: “Anh em họa sĩ chúng tôi bày tỏ một sự thống nhất quan điểm: Chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình”. 

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải khi nhận được lời mời tặng tác phẩm ủng hộ phục dựng nhà Lang cũng đã dành tặng một tác phẩm mà ông tâm đắc. Ông cho rằng, phục dựng nhà Lang là trách nhiệm của công dân, của nghệ sĩ. Ông Hải nói: “Nhà Lang là câu chuyện của văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa truyền thống ấy vẫn nối mạch trong lòng đời sống văn hóa đương đại. Việc chung tay phục hồi nó, là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của từng nghệ sĩ. Qua đó, người ta thấy được câu chuyện của văn hóa thời nay, của sự chia sẻ ấm áp...”.

Còn họa sĩ Lê Thiết Cương thì cho rằng: Một ngôi nhà Lang bị cháy thì không chỉ là mất đi một ngôi nhà, đó là mất văn hóa, mất tri thức, mất truyền thống và mất ký ức. Để phục dựng lại thì công sức của một người là không thể đủ. Sự chung tay đóng góp của các nghệ sỹ cũng như cá nhân tôi không đơn thuần chỉ là khía cạnh vật chất. Nó là cái tâm và cái tình tự nhiên, tự nguyện với văn hóa Việt. Bảo tồn di sản không phải là việc của riêng một ai. Những giá trị truyền thống của cộng đồng phải là việc của chính cộng đồng cùng chung sức bảo tồn. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất, đẹp nhất.

Từ ngày 23 đến 25-11, cuộc triển lãm và bán đấu giá 61 tác phẩm với tên gọi “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” sẽ diễn ra tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.