Tái hiện lát cắt bỏng rát của lịch sử

(ANTĐ) - Lâu rồi mới thấy đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang chịu “ngồi yên một chỗ”, không chạy đôn chạy đáo từ Nam chí Bắc. Ông tâm sự cũng bởi… mê hình tượng Nguyễn Trãi từ hồi còn nhỏ, nay lại được Nhà hát Chèo Hà Nội mời làm vở chèo đầu tiên về nhân vật lỗi lạc này nên chẳng chút đắn đo mà nhận lời làm ngay. “Oan khuất một thời” (kể về vụ án Lệ Chi Viên) - vở chèo dựa trên kịch bản của NSƯT Lê Chức đã ra đời…

“Oan khuất một thời”:

Tái hiện lát cắt bỏng rát của lịch sử

(ANTĐ) - Lâu rồi mới thấy đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang chịu “ngồi yên một chỗ”, không chạy đôn chạy đáo từ Nam chí Bắc. Ông tâm sự cũng bởi… mê hình tượng Nguyễn Trãi từ hồi còn nhỏ, nay lại được Nhà hát Chèo Hà Nội mời làm vở chèo đầu tiên về nhân vật lỗi lạc này nên chẳng chút đắn đo mà nhận lời làm ngay. “Oan khuất một thời” (kể về vụ án Lệ Chi Viên) - vở chèo dựa trên kịch bản của NSƯT Lê Chức đã ra đời…

Vở chèo Oan khuất một thời sẽ chính thức ra mắt vào 18,19/3, tại Nhà hát Lớn HN
Vở chèo Oan khuất một thời sẽ chính thức ra mắt vào 18,19/3, tại Nhà hát Lớn HN

Từ vụ án Lệ Chi Viên

Trước đây cũng từng có nhiều tác phẩm sân khấu đưa vào dàn dựng vụ án lịch sử trên như: vở kịch nói “Bí mật vườn Lệ Chi”, vở cải lương “Đêm ức trai”… song Oan khuất một thời vẫn mang lại cho  người xem một cảm giác hoàn toàn mới lạ. Không hẳn vì đây là lần đầu tiên nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi được đưa lên chèo mà bởi cách xây dựng nhân vật đậm chất thơ và tình thì không phải tác phẩm nào cũng truyền tải được trọn vẹn đến thế.

Xuyên suốt thời lượng 150 phút của vở diễn, người xem được thấy một Nguyễn Trãi khí phách hiên ngang luôn mang nặng trong mình nỗi đau thời cuộc bởi giặc ngoài vừa khuất bóng thì giặc trong nhung nhúc một bầy; một Nguyễn Trãi dằn vặt trong nỗi cô đơn vô bờ bởi tiếng nói trung thần lẻ loi giữa tiếng gào rú của một bầy sói ác và sự lấn át của những đám mây mù xiểm nịnh. Và rồi bi kịch đã xảy ra chỉ vì ông cứ sống đẹp quá, sống tốt quá và tài giỏi quá giữa cõi đời đầy rẫy những kẻ xấu xa, ngu dốt, đố kị…

Bi kịch xảy ra tại khu vườn Lệ Chi cách đây hơn 500 năm về trước song tưởng như mới đây thôi bởi bài học lịch sử đầy nhức nhối từ nỗi oan khiên thảm khốc ấy vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là bức thông điệp được gửi gắm xuyên suốt qua vở diễn này: Lịch sử đừng bao giờ giẫm lại chuyện “thỏ đã săn được rồi thì chó săn bị giết, chim đã hạ được rồi thì bẻ hết cung tên, qua đêm rồi thì quên hết bóng đêm, thuyền đã sang sông thì thuyền phơi mình rách nát”…

Vở diễn mở màn và khép lại bằng cảnh Hoàng tử Lê Tư Thành cùng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao lập đàn cầu siêu giải oan cho Nguyễn Trãi sau 22 năm kể từ ngày xảy ra vụ án oan thảm khốc. Một lát cắt bỏng rát của lịch sử được tái hiện với hai tuyến nhân vật đối lập nhau - một bên là quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi cùng người vợ tài sắc lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ và một số trung thần bằng hữu trong triều, một bên là người đàn bà tham vọng và thủ đoạn Thứ phi Nguyễn Thị Anh cùng phe cánh nịnh thần phản loạn...

“Phá chèo” để kéo khán giả đến xem

Trong Oan khuất một thời, một lần nữa đạo diễn Doãn Hoàng Giang lại đưa thủ pháp nghệ thuật mặt nạ lên sân khấu. Đó cũng là cách xử lý khôn khéo của ông khi cùng lúc đưa ra nhiều đáp án giải mã câu hỏi về cái chết bí ẩn gây nhiều tranh cãi của vua Lê Thái Tông tại vườn Lệ Chi lúc bấy giờ: “Những kẻ chủ mưu đằng sau chiếc mặt nạ lãnh cảm kia rất có thể đã ra tay đầu độc sát hại vua, hoặc giả cũng có thể do nhà vua trúng gió độc mà qua đời. Người xem hiểu theo cách nào cũng đều được cả, đó là đáp án có thông số mở!”.

Đặc biệt ấn tượng  là cảnh xưa nay chưa có đạo diễn nào khai thác trên sân khấu khi dàn dựng về hình tượng anh hùng Nguyễn Trãi, cảnh nhân vật Nguyễn Trãi uống rượu từ biệt mọi người trước khi bị hành quyết. Đó cũng được xem là đoạn mà đạo diễn Doãn Hoàng Giang ngưng lặng sân khấu để dồn tất cả sự rung động, để người xem thấy trọn vẹn hồn Nguyễn Trãi, phẩm chất Nguyễn Trãi và gai người lên trước nỗi oan khiên nghiệt ngã sắp xảy đến với ông.

Trên sân khấu bày ra 7 vò rượu lớn và Nguyễn Trãi lần lượt uống cạn từng vò mà người dân mang đến, uống cạn tình dân. Bên cạnh đó, nếu nói một trong những thế mạnh của chèo là chất thơ thì vở diễn lần này đã thành công khi đem đến một chất thơ vừa hùng tráng vừa quyến rũ, vừa đời thường lại vừa triết lý sâu xa. Nói như lời của đạo diễn Doãn Hoàng Giang thì thơ ca trong vở đứng về phe nước mắt, thơ ca làm bật lên sự dằn vặt, dày xéo, đau khổ và làm nên Nguyễn Trãi. Nhờ đó mà hầu như những tinh hoa trong tư tưởng Nguyễn Trãi đều được bộc lộ xuyên suốt và sáng rõ.

Khi biết Doãn Hoàng Giang tiếp tục “kết duyên” với chèo cổ, nhiều người nói vui, thế nào tay đạo diễn tài hoa này cũng lại “phá chèo”, chỉ không biết lần này sẽ “phá” theo kiểu gì. Và rồi ông “phá” thật, mạnh tay hơn cả mấy lần trước: Từ việc làm nóng sân khấu bằng những màn múa miêu tả cảnh phòng the chốn thâm cung đến việc để diễn viên vẫn được phép hát nhép ở một vài trích đoạn, rồi đẩy nhanh kết cấu nhịp tiết thông thường…

Lý giải cho sự bạo tay mà hiếm ai dám làm này, ông bảo mình vốn sẵn tiếng là “kẻ phá chèo” rồi nên dư luận nói sao cũng chịu, miễn là dựng chèo cổ mà kéo được khán giả hiện đại đến xem. Còn chuyện hát nhép ư? - “Tôi cho khán giả vừa được xem một diễn viên đẹp, lại vừa được nghe một giọng hát hay, thế còn gì bằng nữa!”.

Vở chèo “chịu chơi”

Nếu nói Oan khuất một thời là vở chèo “chịu chơi” bậc nhất làng chèo hiện nay thì cũng chẳng sai. Lần đầu tiên một vở chèo được dàn dựng với âm thanh, ánh sáng hiện đại với giàn đèn laser 4 chiếc tạo hiệu ứng cao, cộng thêm lần đầu tiên một đơn vị nghệ thuật miền Bắc mời hẳn một nhà thiết kế thời trang có tiếng của miền Nam - nhà thiết kế Sỹ Hoàng đứng ra lo liệu toàn bộ khâu phục trang cho diễn viên, cảnh trí sân khấu cũng được làm cầu kỳ và tốn kém với hơn chục con nghê đá màu xanh ngọc ngậm đèn đỏ.

NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, riêng tiền phục trang cho vở diễn đã lên tới gần 400 triệu đồng, gấp 10 lần các vở diễn trước đây và tính tổng thể thì vở này “ngốn” không dưới 1 tỷ đồng. Điều quan trọng là sự “chịu chơi” ấy đã góp phần làm nên gu thẩm mỹ riêng cũng như ý đồ xâu chuỗi toàn bộ vở diễn. Mặc dù làm một vở hoành tráng như thế nhưng dàn diễn viên tham gia trong vở phần lớn lại đều là các gương mặt 8X rất mới, cá biệt chỉ có NSƯT Quốc Anh là quen mặt song lâu nay anh cũng chủ yếu đi đóng hài.

Tuy nhiên lần này có thể xem là sự thoát xác hoàn toàn của Quốc Anh khi anh rũ bỏ được hình ảnh hề chèo để hóa thân rất đằm vào vai Nguyễn Trãi.          

Bích Hậu