Tái hiện cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du trên sân khấu chèo

ANTĐ - Cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tái hiện trong vở chèo “Dòng lệ Tố Như” do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng. Vở diễn sẽ như một áng thơ trữ tình về những trải nghiệm để ông viết nên tác phẩm văn học bất hủ “Truyện Kiều”. 

Tái hiện cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du trên sân khấu chèo ảnh 1Cầm, ca nữ sắc nước hương trời từng được tái hiện qua bộ phim “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn

Dựng lại kịch bản hơn 30 năm trước

 Năm 1981, nhà biên kịch Trần Đình Ngôn đã viết kịch bản về cuộc đời Nguyễn Du - một con người luôn canh cánh nỗi đau trước thế sự, giàu lòng nhân ái và đồng cảm với số phận của những con người cùng khổ trong xã hội. Tuy vậy, thời điểm đó, chỉ duy có đoàn Dân ca kịch Nghệ An mạnh dạn dàn dựng bởi sự gai góc và cách khai thác vấn đề xã hội trực diện của nhà viết kịch Trần Đình Ngôn. Năm 2015, kịch bản văn học này được Nhà hát Chèo Việt Nam đánh thức, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Vở diễn sẽ được dàn dựng bởi  đạo diễn Đoàn Vinh, Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam. 

Tác phẩm xây dựng bằng 3 mảnh ghép dựa trên các bài thơ nổi tiếng của đại thi hào, khi chắp nối lại với nhau sẽ giúp khán giả hình dung được tư tưởng, thế giới quan của Nguyễn Du, những điều hun đúc nên một tài năng lỗi lạc. Cũng nhờ đó, cuộc đời của Nguyễn Du trước khi ông viết “Truyện Kiều” trong bối cảnh đất nước loạn lạc phần nào sẽ được tái hiện. Mảnh ghép đầu tiên được mở ra trước mắt người xem là cảnh Nguyễn Du đi sứ phương Bắc, ông đã chứng kiến nhiều cảnh trái ngang trong suốt cuộc hành trình. Nguyễn Du đã gặp lại Cầm, người ca nữ năm xưa sắc nước hương trời, nay nhan sắc đã tàn phai, khổ đau và tàn tạ. Xót thương cho số phận của những người con gái tài sắc bị vùi dập, ông đã viết bài thơ “Long thành cầm giả ca”, một thi phẩm bộc lộ rõ nét nỗi thương xót chân thành của tác giả về những kiếp người bất hạnh, đặc biệt là những phụ nữ khổ đau, bị vùi dập trong xã hội phong kiến.

Chắp nối các mảnh ghép

Mảnh ghép thứ hai được mở ra trong chuyến đi sứ ấy là cảnh người mẹ ăn xin đói rách, đứa con khát sữa đã chết khi còn đang ngậm vành vú mẹ, còn quan lại quyền quý thì cơm canh, thịt cá thừa mứa, ăn không hết, đem đổ xuống sông. Chứng kiến thực trạng đau lòng này, nhà thơ phải thốt lên nỗi lòng của mình qua bài thơ nổi tiếng “Thái bình mại ca giả”. Mảnh ghép thứ ba được mở ra với cảnh tiệc tùng khi Đại tổng đốc Hồ Nam đón tiếp sứ thần An Nam. Ông già ăn xin ăn mặc rách rưới đã được mời vào hát mua vui. Qua lời hát bi ai, ỉ ôi, ông già đã nói lên thân phận của những con người nhỏ bé. Ông đã gần như gục ngã vì kiệt sức khi đang hát. Thương cảm cho số phận của những người cầm ca, Nguyễn Du đã viết bài thơ “Sở kiến hành” như một ghi chép trong chuyến đi sứ của ông và được đánh giá là một trong những tác phẩm thể hiện “bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo, tố cáo chế độ phong kiến”. 

Tái hiện cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du trên sân khấu chèo ảnh 2Thiết kế mỹ thuật của Hoàng Song Hào cho vở “Dòng lệ Tố Như”

Áp lực đối với ê kíp dàn dựng

Trở về từ chuyến đi sứ, từ những trải nghiệm và quan sát ấy, Nguyễn Du đã  ngồi viết lại “Đoạn trường Tân Thanh” hay còn được biết đến với tên gọi “Truyện Kiều”. Đan cài trong vở chèo là nhiều bài thơ nổi tiếng của ông và nhân vật hư cấu Thị Thái, con gái nuôi của một viên quan triều đình, xinh đẹp, tài giỏi nhưng cuộc đời chìm nổi lênh đênh. Cô đã được đưa sang Trung Quốc và bán vào lầu xanh… Những chi tiết thêm vào vở diễn, đạo diễn Đoàn Vinh muốn làm rõ hơn về nỗi lòng của đại thi hào, những giọt nước mắt của Tố Như đã lăn dài cùng số phận của những con người nhỏ bé trong xã hội. Đặc biệt, ông đã dành cái nhìn thương cảm cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến, về nỗi buồn khi chứng kiến những người càng tài năng, càng thanh sắc thì càng bị hủy diệt nhanh chóng. 

Trong quá trình tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn Đoàn Vinh nhận thấy kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn đã viết rất sát về cuộc đời Nguyễn Du như hoàn cảnh gia đình, cuộc phiêu bạt của ông trong cảnh đất nước loạn lạc và bắt đầu có nhiều bài thơ để đời cho đến những trải nghiệm và để lại cho đời tác phẩm văn hóa đỉnh cao - Truyện Kiều. Cái khó đối với vị đạo diễn nằm ở chỗ, anh và ê kíp dàn dựng đang làm vở về cuộc đời Nguyễn Du, nhân vật được người đời luận bàn không ngớt trong suốt 3 thế kỷ qua. Vì thế, áp lực đối với người dàn dựng, ngoài việc tôn trọng lịch sử thì tính trữ tình và uyển chuyển của vở diễn để khán giả dễ tiếp thu luôn đè nặng lên vai người đạo diễn. 

Tuy vậy, đạo diễn Đoàn Vinh tiết lộ: “Sân khấu chèo mang tính ước lệ rất cao, nên khi dàn dựng vở “Dòng lệ Tố Như”, tôi sẽ xử lý tiết tấu, ngôn ngữ của chèo để tác phẩm như một bài thơ trữ tình về lòng nhân ái, nỗi đau đời của đại thi hào Nguyễn Du”. Vở diễn sẽ ra mắt vào cuối tháng 5-2015 với sự tham gia dàn dựng của họa sỹ Hoàng Song Hào, người từng làm họa sỹ điện ảnh cho bộ phim “Long thành cầm giả ca”, diễn viên Trần Xuân Tài sẽ đảm nhận vai Nguyễn Du…