Tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” được dựng thành nhạc kịch

ANTĐ - Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, viết về chiến tranh nhưng đầy ắp chất thơ cùng sự lãng mạn, đã được dựng thành vở nhạc kịch cùng tên. Công diễn lần đầu vào tối 16-12 tại Nhà hát Quân đội. Truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tối ngày 17-12. Chúng tôi đã gặp gỡ và có cuộc phỏng vấn với Giám đốc sáng tạo - tác giả kịch bản - tổng đạo diễn Nguyễn Bông Mai. 

- Chào đạo diễn Bông Mai, được biết, ngày 16-12 tới, vở nhạc kịch “Mảnh trăng cuối  rừng” sẽ chính thức được công diễn. Vậy “Mảnh trăng cuối  rừng”  của đạo diễn Bông Mai thì có gì khác với “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu?

Đạo diễn Bông Mai: Nói về khía cạnh kịch bản , đây là câu chuyện chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên câu chuyện văn học nó sẽ khác với tình huống ở trên sân khấu. Vẫn đúng tinh thần bám theo sườn của câu chuyện đó, phát triển ra thêm các tình tiết thêm để câu chuyện sinh động và phù hợp với nhạc kịch hơn. Các lời thoại trong này đa phần là các bài hát và câu chuyện được họ kể lại bằng bài hát.

Tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” được dựng thành nhạc kịch  ảnh 1

Diễn viên Nguyệt Hằng hướng dẫn cách diễn xuất cho các bạn trẻ

Về ê kíp thực hiện. Tôi với chức danh Giám đốc sáng tạo, tác giả  kịch bản. Bên cạnh đó có JoJo là đạo diễn, chuyên gia ánh sáng là chị Pisu, về thiết kế sân khấu là anh Hấu. Họ đều là người Thái Lan. Ngoài ra, còn có rất nhiều giáo viên hỗ trợ cho vở như giáo viên Nguyệt Hằng dạy diễn xuất, anh Dũng và chị Hiền là giáo viên thanh nhạc dàn dựng.

Toàn bộ diễn viên của vở này đa phần là sinh viên năm thứ nhất, còn rất trẻ. Tôi chọn họ bởi vì họ đúng lứa tuổi của các nhân vật khi mà câu chuyện diễn ra, Họ rất trẻ, nữ thì khoảng 17, 18. Nam cũng như vậy và lớn nhất ở đây là sinh năm 1991. Nhiều các bạn trẻ đến tuyển, chúng tôi chọn 23 diễn viên này. 

Còn một điểm nữa đây là thể loại nhạc kịch, có người quen với nhạc kịch cổ trước đây, tức là nhạc kịch cổ điển, nhạc kịch mang tính bác học, là loại nhạc kịch thính phòng, nhưng đối với nhạc kịch này nó là một thể loại âm nhạc khác hơn, được thể hiện khác họa. Bởi vì ca khúc chính của vở này là những ca khúc rất quen thuộc như: Bài ca hy vọng, Bài ca trên đỉnh Trường Sơn, Tôi là người lái xe, Lê Anh Nuôi, Nổi lửa lên em. Anh quân bưu vui tính, Tình em, Đêm nay anh ở đâu… Ngoài ra, nhạc sĩ An Thuyên viết bài hát chính của vở mang tên Mảnh trăng cuối rừng.

Tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” được dựng thành nhạc kịch  ảnh 2

Các diễn viên trẻ nỗ lực tập luyện để chuẩn bị cho đêm công chiếu

Vở diễn này kết hợp hai thế hệ. Nó giống như một điểm nối thế hệ trẻ và thế hệ các cựu chiến binh đã tham gia chiến trường. Họ cũng chính là người lái xe Trường Sơn năm xưa. Và đó chính là điểm khác biệt, để bản thân những người tham gia vở của chúng tôi cùng các cựu chiến binh cảm thấy rất là hòa hợp với phong cách âm nhạc của chúng tôi. Vì ban đầu, đạo diễn cố vấn âm nhạc của chúng tôi là đạo diễn Đức Trí cũng muốn tìm một cái hướng khác cho vở, người phối chính cho vở là anh Hoàng Anh Minh cũng rất là lo ngại khi đưa những tiết tấu mới vào. Chúng tôi đã cùng thống nhất với nhau để có cách thể hiện khác hơn, mới mẻ và phù hợp hơn. Khi làm việc với các cựu chiến binh chúng tôi cũng khá lo lắng vì không hiểu là các bác có chấp nhận phong cách này của chúng tôi không? Rất vui vì các bác hòa nhập và cho chúng tôi rất nhiều lời động viên, và nhiệt tình khi được tham gia cùng với chúng tôi.

- Vậy còn 2 diễn viên chính đóng Nguyệt và Lãm, họ là ai?

Đạo diễn Bông Mai: Đó là Đông Hùng và Phương Linh. 

Tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” được dựng thành nhạc kịch  ảnh 3

Đông Hùng và Phương Linh sẽ đảm nhiệm vai chính trong vở nhạc kịch này

Khi chọn nam diễn viên, tôi muốn hình ảnh một anh bộ đội trẻ trung, cao ráo và một vấn đề nữa là đối với vở nhạc kịch phải là người hát hay. Trong vở diễn này, Hùng hoàn thiện khá tốt các phần diễn hát của mình và Linh cũng vậy. Tuy nhiên thời gian để tập với mọi người rất nhiều nên phần hát chính của mình vẫn chưa thực sự được đầu tư nhiều về tâm trạng, rồi diễn tả.

Vở diễn này được thoại bởi chính những lời hát, vì vậy, cả Hùng và Linh vẫn chưa quen cách làm việc này. Các bạn ý vẫn nghĩ đây là những ca khúc độc lập, nhưng thực ra nó giống như lời thoại thì chúng ta cần đầu tư vào tình cảm cho nó. Tuy nhiên, 2 bạn đó rất chăm chỉ và tỏ ra quyết tâm thực hiện tốt, nên tôi nghĩ rằng đến hôm diễn, chắc chắn các bạn đó sẽ làm tốt.