Tác giả Kim Dung: Cuộc đời sóng gió đằng sau sự nghiệp lẫy lừng

ANTD.VN - Tiểu thuyết gia Kim Dung, tác giả của hàng loạt những bộ truyện kiếm hiệp ăn khách nhất của Trung Quốc đã qua đời ở độ tuổi 94, để lại một niềm tiếc thương vô cùng lớn trong lòng những người hâm mộ. Ông đã có hơn nửa thế kỷ “tung hoành giang hồ” với những tác phẩm kinh điển đến nay vẫn là nguồn tư liệu quý giá cho nền điện ảnh Trung Quốc, nhưng ít ai biết được, đằng sau sự nghiệp lẫy lừng ấy là một cuộc sống không mấy êm ả.

Sự nghiệp lẫy lừng

Tác giả Kim Dung: Cuộc đời sóng gió đằng sau sự nghiệp lẫy lừng ảnh 1

Tác giả Kim Dung

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc).

Ông là người đi sau Lương Vũ Sinh, bậc “khai sơn trưởng lão” của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Nhưng từ khi Xạ điêu anh hùng truyện ra mắt năm 1958 cho đến khi qua đời ngày 30-10-2018, Kim Dung luôn được đánh giá là “võ lâm minh chủ” của văn đàn võ hiệp Trung Quốc, đứng trên Cổ Long và Lương Vũ Sinh một bậc và vượt rất xa các nhà văn khác.

Tiểu thuyết Kim Dung tạo ra cơn sốt “Kim học” thời thập niên 1980, điều mà những danh gia như Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh hay Ôn Thụy An có mơ cũng không được. Thậm chí năm 1994, các giáo sư khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Bắc Kinh đưa Kim Dung vào vị trí thứ tư trong Top 10 đại sư nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc.

Theo danh sách này, Kim Dung chỉ xếp sau những tên tuổi lừng lẫy như Lỗ Tấn, Thẩm Tòng Văn và Ba Kim. Điều đó có nghĩa là Kim Dung không chỉ là “võ lâm minh chủ” thế giới tiểu thuyết võ hiệp, mà còn được công nhận là một bậc đại sư nghệ thuật tiểu thuyết nói chung.

Đây là sự kiện gây chấn động văn đàn Trung Quốc khi đó, dẫn đến nhiều tranh cãi. Bởi ở Trung Quốc, tiểu thuyết võ hiệp là “tục văn học” (văn học bình dân), chỉ để giải trí, không có giá trị như “nhã văn học” (văn học bác học).

Kim Dung không chỉ là một tác gia tiểu thuyết võ hiệp mà còn là một doanh nhân thành đạt, một cây bút bình luận về chính trị, xã hội, ngoại giao sắc bén. Cuối thập niên 1970, ông tham gia vào chính trị, gặp gỡ Đặng Tiểu Bình và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Có một sự nghiệp văn chương lẫy lừng như thế, nhưng ít ai biết được, phía sau ánh hào quang ấy là một cuộc đời không mấy êm đềm của bậc thầy truyện kiếm hiệp Trung Quốc.

3 cuộc hôn nhân, 4 mặt con

Cuộc đời Kim Dung đã phải trải qua tới 3 lần đò.

Tình yêu tuổi trẻ của Kim Dung và Đỗ Dã Phần

Năm 1947 ông quen với cô gái Hàng Châu tên Đỗ Dã Phần, một năm sau ông chính thức cầu hôn và hai người đã cùng nhau sang Hong Kong lập nghiệp, nhưng vì Kim Dung quá bận rộn với công việc nên đã bỏ bê vợ, khiến bà buồn phiền bỏ về Trung Quốc, sau đó hai người đã thỏa thuận và đi tới quyết định ly hôn.

Kim Dung và Chu Mai 

Trong ba cuộc hôn nhân, “khắc cốt ghi tâm” nhất phải kể đến đoạn nhân duyên với người vợ thứ hai Chu Mai – người sinh cho Kim Dung 4 đứa con và đồng cam cộng khổ cùng ông đi qua thời kỳ khó khăn nhất cuộc đời.

Hai người kết hôn vào ngày 1-5-1956, giai đoạn này ông vừa sáng lập tờ Minh Báo, bà đã cùng ông trải qua hoạn nạn, vì ủng hộ Kim Dung làm tờ Minh Báo mà bà đã phải bán trang sức cho ông làm kinh phí.

Năm 1970, khi sự nghiệp của Kim Dung bắt đầu đi lên, ông hoàn thành 14 tiểu thuyết dài và vừa, Minh Báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong, thì cũng là thời điểm hôn nhân của ông và Chu Mai bắt đầu rạn nứt.

Năm 1976, sau quá nhiều mâu thuẫn cộng thêm việc phát hiện chồng thay lòng, bà Chu Mai yêu cầu ly hôn với 3 điều kiện: một là bồi thường vật chất cho bà, hai là không được sinh thêm con, và được Kim Dung chấp thuận.

Kim Dung và người vợ kém 29 tuổi Lâm Nhạc Di

Người vợ thứ ba là Lâm Nhạc Di, bà kém Kim Dung 29 tuổi, khi hai người quen nhau, bà Lâm chỉ mới 16 tuổi. Hai người quyết định kết hôn vào năm 1976 và sống với nhau tới tận khi ông qua đời.

Dù khá kín tiếng trước truyền thông, nhưng mỗi lần xuất hiện công khai, cặp vợ chồng lệch tuổi rất tình cảm, có nhiều cử chỉ thân mật. Một điều có thể nhận ra, Kim Dung đã tuân thủ lời hứa với Chu Mai. Ông và bà Lâm Nhạc Di không có con chung.

Không có người kế nghiệp

Có tới 4 người con, nhưng điều đáng tiếc đối với Kim Dung là không có ai nối nghiệp trong con đường văn chương của mình. Chỉ có duy nhất người con cả Tra Truyền Hiệp bộc lộ niềm yêu thích với văn chương thì lại qua đời sớm ở độ tuổi 19. 

Kim Dung chụp với hai người con, Tra Truyền Hiệp con trai cả của ông đứng bên trái

Tra Truyền Hiệp từ nhỏ đã bộc lộ năng lực hơn người, thậm chí còn được ca ngợi là “thần đồng văn học”. Tra Văn Hiệp thuộc Tam Tự Kinh vào năm 4 tuổi, đọc văn thơ lưu loát vào năm 6 tuổi, 11 tuổi có tác phẩm đầu tay “Cuộc đời ta là vì cái gì”.

Kim Dung rất tự hào về trưởng nam. Ông đánh giá con trai có tư tưởng thông tuệ, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành. Ông thậm chí bỏ ngoài tai những lời nhận xét rằng, văn phong của Truyền Hiệp quá u uất so với tuổi thật, cho thấy cậu bé đang phải chịu nhiều áp lực.

Biến cố lớn đã xảy ra vào tháng 10-1976, khi Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát tại Mỹ. Lúc đó, anh chỉ mới 19 tuổi, đang học năm nhất Đại học Columbia.  

Cái chết của con trai cả thực sự giáng đòn mạnh vào tinh thần Kim Dung. Chia sẻ trên Chinanews vào năm 2004, ông cho biết đã khóc như một đứa trẻ lúc nhận được tin dữ.

Từ đó, Kim Dung tìm đến Phật giáo để có được sự thanh thản trong tâm hồn. Các tác phẩm sau này của ông cũng mang màu sắc Phật giáo.