Tác giả “Cơ hội của chúa”: Gã “cao bồi già” đất Hà Thành

ANTĐ - Dăm bảy lần gọi điện cho Nguyễn Việt Hà, vừa bắt máy đã thấy giọng anh cực kỳ vui vẻ, ra đây luôn đi, tôi đang ngồi bia hơi ngoài vỉa hè với nhà văn này, họa sĩ kia. 

Thế nhưng hễ nhắc tới chuyện phỏng vấn và đưa lên báo là giọng anh bỗng chốc trầm buồn kiểu như: “Tôi bận lắm, sớm mai đi công tác rồi, giờ còn phải chuẩn bị” hay “Tôi đang ốm lắm”. Có lần gọi điện Nguyễn Việt Hà bảo: “Ôi tiếc quá, mình đang trong Sài Gòn, lúc nào về thì gặp bạn nhé!”. Thế mà 10 phút sau thì gặp anh ở… chân cầu thang của Thư viện Hà Nội.

1. Đó là cách mà nhà văn “Cơ hội của Chúa” vẫn thường dùng để né báo chí. Chẳng phải anh kiêu căng gì đâu mà mọi sự đều có căn nguyên, theo anh đều chính đáng cả. Anh giải thích, đời tư của “một thằng nhà văn” nó nhạt nhẽo lắm, đâu có gì để kể, bao nhiêu tình cảm trút hết vào tác phẩm, độc giả đọc, hiểu, tự khắc sẽ thấy có chút phảng phất hình ảnh của tác giả trong đó. Thứ nữa, bình thường thì cũng có chút duyên nói, trong những bữa rượu chè đàn đúm cùng mấy nhà văn quan hệ theo kiểu bạn vong niên thì một mình Nguyễn Việt Hà có thể đứng lên “hùng biện” đến cả tiếng đồng hồ toàn chuyện đông tây kim cổ. Thế mà, cứ hễ phải trả lời phỏng vấn thì tư duy của anh lại lộn xộn, nói theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại vẫn dùng bây giờ là “vấp đĩa”. Đã có lần được mời tham gia một bàn tròn về văn chương trên truyền hình. Đến lượt Nguyễn Việt Hà nói, mọi người im lặng nghe, rồi cuối cùng có người không chịu được nữa ra hỏi nhỏ rằng: “Rốt cuộc ông muốn nói cái gì?”. 

2. Dễ đến cả trăm người khi gặp mặt Nguyễn Việt Hà đều có chung một thắc mắc: “Khuôn mặt anh không giống với một nhà văn”. Người nào lịch sự khéo léo, giở chiêu bài “ngoại giao” thì chỉ nhẹ nhàng mà rằng: “Mình hình dung về Nguyễn Việt Hà khác cơ”. Người nào thẳng tính bỗ bã thì toẹt ra luôn: “Nom như dân anh chị”. Nguyễn Việt Hà cười lớn khi tôi thắc mắc về “nhan sắc” của anh: “Không ai bảo tôi là nhà văn cả. Phần lớn độc giả khi tình cờ biết tôi là tác giả “Cơ hội của Chúa”  thì đều tỏ ra thất vọng. Kato - một dịch giả nổi tiếng người Nhật Bản, người từng dịch “Cơ hội của Chúa” ra  tiếng Nhật lần đầu tiên gặp tôi thì thừ mặt ra và hỏi lại, giọng rất bức xúc: “Tác giả “Cơ hội của Chúa” đây sao?”. Thế mới biết, giữa văn với người nhiều khi không liên quan đến nhau mấy!

3. Nhiều nhà văn thường lấy bút danh bằng cách ghép họ của bố và mẹ với nhau hay thậm chí lấy tên con sông ở quê, lấy tên ngọn núi đầu làng mình... Nhưng cái kiểu lấy tên vợ làm bút danh của Nguyễn Việt Hà thì “trần đời có một”. Nguyễn Việt Hà tên trong chứng minh thư là Trần Quốc Cường. Mười mấy năm trước, thời điểm trình làng tiểu thuyết đầu tay “Cơ hội của Chúa”, ra đường ai có gọi “Hà ơi!” thì mặt anh ngơ ngơ, định thần một lúc mới nhớ ra người ta gọi mình. Giờ, ra đường, ai đó gọi “Cường ơi!” - chính danh của anh thật đấy, nhưng chưa chắc anh đã quay lại, vì nghĩ, người ta gọi một Cường nào đó mà không phải anh. Giờ chỉ còn đám bạn thời phổ thông và những người ruột thịt của anh còn nhớ mà gọi anh là Cường.

4. Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Việt Hà học kinh tế, rồi về làm cán bộ Phòng Thanh toán Quốc tế của một ngân hàng tại Hà Nội. Năm 1999, khi “Cơ hội của Chúa” ra đời, cả ngân hàng nơi anh làm việc không ai mảy may nghi ngờ rằng, Cường “ngân hàng” là tác giả của cuốn tiểu thuyết đang gây một luồng tranh luận kinh hoàng trên báo chí ở thời điểm đó. Cho đến năm 2002, tác giả được lựa chọn là gương mặt nhà văn tiêu biểu, mời tham dự một chuyến giao lưu văn chương tại Mỹ, đồng nghiệp của anh mới vỡ lẽ: “Hóa ra, mặt mũi thế mà cũng viết được văn”. Anh kể: “Từ khi “chân tướng bị bại lộ”, việc làm ở ngân hàng xem chừng khó khăn, bởi không hiểu sao người ta cứ đánh đồng nhà văn và nhà báo là “cùng một giuộc”, người ta sợ anh ngồi đó rồi tọc mạch, sự nhạy cảm của nhà văn khiến anh tự ái, và thế là viết đơn xin nghỉ việc. 

Thấy anh bỗng dưng thất nghiệp, bạn văn chương xui về đầu quân cho một tờ tạp chí nào đó, anh từ chối, bởi lúc đó đang cố tập trung để hoàn thành “Khải huyền muộn” - cuốn tiểu thuyết thứ 2. Lại nói về cái sự “mặt thế mà cũng viết được văn”. Việc Nguyễn Việt Hà viết tiểu thuyết hay anh là tác giả của bao nhiêu cuốn tạp văn best - seller thì bố mẹ, anh chị hay người thân trong gia đình cũng… chịu. Họ chỉ mù mờ, đại khái là viết báo gì đó. Lạ là, khi những người thân tỏ ra rất thờ ơ với “đứa con tinh thần” của mình, anh không hề lấy đó làm buồn mà trái lại cứ tưng tửng. Anh bảo: “Mai mà tôi được lên báo, thế nào chị gái tôi đọc xong cũng đem tờ báo đi khoe. Thế nào người ta cũng hỏi rằng tôi viết cái gì. Thế nào chị gái tôi cũng trả lời à ờ, viết văn gì gì đó…”

5. Lại nói về xuất phát điểm của một nhà văn. Nguyễn Việt Hà giải thích, đa phần xuất thân của nhà văn đều… tạp, kiểu “lục lâm xẩm mục”. Có người học chuyên ngành sử, có người học sinh vật, có người thì dân Bách khoa. Và anh là một ví dụ tiêu biểu cho cái sự tạp đó. Phàm là con người, ai cũng cất giữ cho mình những niềm vui và cả những nỗi buồn. Khi hai trạng thái cảm xúc đó nó lên tới đỉnh điểm, cùng quẫn, trong khi người đó không thể kể hết cho bạn bè, người thân và thế là phải thì thầm vào trang giấy. Làm nhà văn cũng không phải là chuyện gì đó to tát, nhưng cũng là nghề không phấn đấu rèn luyện mà thành được. Ví như, truyện ngắn chọn Nguyễn Huy Thiệp, chứ không phải Nguyễn Huy Thiệp chọn truyện ngắn. Giờ Nguyễn Việt Hà hôm nay đã là tay lão luyện trong “trường văn trận bút”. Khi viết đã biết để ý đến cảm xúc của người đọc, sách in ra bán được không chứ còn Nguyễn Việt Hà thời “Cơ hội của Chúa” chỉ viết duy nhất bằng cảm xúc của mình, trút ra bằng hết thì thôi và quan niệm, người cầm bút phải chân thành và đầy cảm xúc thì mới truyền được cảm xúc và tình yêu văn chương đến với người đọc được. 

Nhìn vẻ ngoài xù xì thô ráp, nhưng con người bên trong của Nguyễn Việt Hà cũng đầy đau đớn và mong manh, cảm giác như có ai đó cầm dao mà ngoáy vào gan vào ruột. Cũng đã từng có lần anh định dứt nghiệp văn vì không chịu nổi những đòn đau từ dư luận, khi tác phẩm của anh ra đời bị mạt sát, bị bóp cho đến méo mó. Cũng may, bên cạnh anh còn có nhiều đồng nghiệp, cùng  anh vững vàng vượt qua “trận lửa”. Chuyện nếm đòn đau trong nghề, đó cũng là cái nghiệp. Nghiệp văn chương mà anh suốt đời không thể bỏ. Đọc cuốn tạp văn “Con giai phố cổ”-NXB Trẻ vừa phát hành, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng rằng, anh đang viết về chính anh, những câu chuyện cũ mới, lời lẽ trong đó vừa cợt nhả, vừa nghiêm túc, vừa thăm thẳm đớn đau và anh chính là một trong những gã “cao bồi già” của Hà Nội: “Chẳng biết hay hay dở nhưng bọn họ xứng đáng được ghi vào sách đỏ để bảo vệ giữ gìn như một loài khác lạ quý hiếm”.