Sưu tầm gần 9.000 trang tư liệu nước ngoài viết về Thăng Long –Hà Nội

ANTD.VN -  Theo thông tin của Nhà xuất bản Hà Nội, gần 9.000 trang tư liệu quý giá của nước ngoài viết về Thăng Long-Hà Nội, trong đó có nhiều trang tư liệu được mang về Pháp sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, đã được sưu tầm mang về Việt Nam và một phần trong số đó đã được chuyển tải tới bạn đọc.

Đó là những cuốn sách như: Tuyển tập tư liệu công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1672 - 1697), Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1637 - 1700) do PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn chủ biên, Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ năm 1885-1954 do TS. Đào Thị Diến chủ biên. Những cuốn sách này đã kịp ra mắt bạn đọc vào những ngày cuối năm 2019 và là những đầu sách nằm trong dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2”.

Công ty Đông Ấn Anh xuất hiện khi người Kẻ Chợ - Đàng Ngoài đã mất niềm tin với người nước ngoài nên chỉ có 25 năm hoạt động. Trong một khoảng thời gian một phần tư thế kỷ hoạt động chủ yếu trên đất Kẻ Chợ - Đàng Ngoài, những người nước ngoài này đã đặt những dấu ấn nhất định ngoài hoạt động giao thương còn là các hoạt động về văn hoá, truyền giáo…

2 tác phẩm của tác giả Hoàng Anh Tuấn về Thăng Long Hà Nội

Bằng việc khảo sát tư liệu của các thương điếm Hà Lan ở Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayuthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia) và các thương điếm Anh ở Madras (Ấn Độ), Bantam (Indonesia) có liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, tác giả Hoàng Anh Tuấn đã đưa bạn đọc tìm hiểu về Thăng Long-Kẻ chợ trên nhiều mặt như: Kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa, nhất là về phong tục, tổ chức sinh hoạt trong đời sống cư dân ở kinh đô qua lăng kính cảm nhận của các nhà buôn phương Tây.

Trong khi ấy, cuốn Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ năm 1885-1954 do TS. Đào Thị Diến chủ biên lại đem tới cái nhìn toàn cảnh về cách thực dân Pháp đã điều hành và quản lý thành phố bằng các văn bản được ban hành và đời sống đô thị của Hà Nội. Các tư liệu trong cuốn sách đã được điều tra và sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại của Pháp, Aix-en-Provence với 5.400 trang. Điều đáng nói, đây là những tài liệu được mang về Pháp sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và hầu hết không có ở Việt Nam. Một phần số tư liệu 5.400 trang ấy đã được đưa vào cuốn sách. Số còn lại được dùng để bổ sung vào kho dữ liệu về Thăng Long - Hà Nội, có giá trị nghiên cứu, khai thác lâu dài.

Sưu tầm gần 9.000 trang tư liệu nước ngoài viết về Thăng Long –Hà Nội ảnh 2

Độc giả thích thú đọc các trang viết về Hà Nội

Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2” đến nay đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách thuộc các mảng: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu Tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang. Các đầu sách được tổ chức chặt chẽ như thực hiện các đề tài khoa học thông qua một quy trình nghiêm túc, từ khâu đề cương cho đến hoàn thiện bản thảo sau nghiệm thu.

Tủ sách là tập đại thành về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, tổng kết, hệ thống hóa và bảo tồn lưu giữ tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, có giá trị bền vững, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.

Dự án tiếp tục quy tụ được một đội ngũ đông đảo trên 300 cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực tham gia vào các hạng mục công việc. Bên cạnh đó là các Viện nghiên cứu: Hán Nôm, Lịch sử, Văn học; các trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội…