"Sững sờ và run rẩy"

(ANTĐ) - Sững sờ và run rẩy, trước hết là câu chuyện về chốn công sở Nhật Bản qua cái nhìn của một nhân viên người Âu. Một khía cạnh khác của con người và văn hóa Nhật Bản được khám phá, không phải từ cái nhìn ngưỡng vọng của một du khách say đắm vẻ đẹp Nhật Bản, mà từ cái nhìn của người trong cuộc, phải sống và tuân phục những luật lệ của Nhật Bản chốn công sở, nơi người Nhật coi là gia đình lớn của họ. 

"Sững sờ và run rẩy"

(ANTĐ) - Sững sờ và run rẩy, trước hết là câu chuyện về chốn công sở Nhật Bản qua cái nhìn của một nhân viên người Âu. Một khía cạnh khác của con người và văn hóa Nhật Bản được khám phá, không phải từ cái nhìn ngưỡng vọng của một du khách say đắm vẻ đẹp Nhật Bản, mà từ cái nhìn của người trong cuộc, phải sống và tuân phục những luật lệ của Nhật Bản chốn công sở, nơi người Nhật coi là gia đình lớn của họ. 

“Ông Haneda là cấp trên của ông Omochi. Ông Omochi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Và cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết. Hoặc có thể nói theo cách khác. Tôi làm theo mệnh lệnh của cô Mori, cô Mori làm theo lệnh của ông Saito, và cứ tiếp tục như thế, các mệnh lệnh được truyền từ trên xuống dưới qua các cấp bậc với sự chính xác này.” Bước vào công ty Yumimoto với ý định trở thành một phiên dịch, Amélie ý thức rõ hệ thống thứ bậc ngặt nghèo này. Nhưng sự ý thức ấy dường như là chưa đủ!

Hàng loạt những nghi thức công ty kỳ cục nhất,  những tình huống khôi hài nhất liên tiếp diễn ra trong ngày làm việc mười tiếng của Amélie: tỏ ra thông hiểu tiếng Nhật trước mặt quan khách Nhật là điều cấm kỵ, không được phép hỏi lại cấp trên điều chưa rõ, cúi đầu im lặng trước những cơn bão táp chửi mắng của cấp trên là việc làm phải đạo, nói lời cảm thông với người bị quở trách bị coi là hành động sỉ nhục đối phương một cách nặng nề…Amélie bị lạc lối đến bấn loạn, và tấn bi hài kịch được đẩy lên tới đỉnh điểm khi cô gái trẻ đến từ Bỉ bị hạ cấp xuống làm người dọn dẹp nhà vệ sinh với biệt danh Bà Nước Tiểu.

Một cuốn tiểu thuyết sắc sảo, đậm chất châm biếm, với vẻ hài hước tinh tế nổi bật trong văn phong đã phác họa nên thế giới công sở Nhật đặc trưng “khiến ta run rẩy nhưng không sợ hãi, tạo cảm giác thất vọng nhưng không sụp đổ” – Guillaume Folliero. Với Sững sờ và run rẩy, Amélie Nothomb, bằng trải nghiệm của bản thân mình còn giúp người đọc có cái nhìn về  xã hội Nhật Bản ở một khoảng cách gần hơn, từ những cấm kỵ trong giao tiếp, những nguyên tắc ứng xử bất di bất dịch cho đến cuộc sống ngột ngạt của người phụ nữ.

Amélie Nothomb sinh năm 1967 tại Kobe, là con gái của ngài đại sứ Bỉ Patrick Nothomb tại Nhật Bản. Lên 5 tuổi, Amélie tiếp tục theo cha đi công cán tại Trung Quốc, Mỹ, rồi các nước Đông Nam Á. Cô chỉ trở về Bỉ năm 17 tuổi và hoàn toàn bị sốc khi khám phá, hòa nhập với nền văn hóa phương Tây. Năm 19 tuổi, sau một biến cố trong gia đình, Nothomb trở lại Nhật Bản làm việc cho một tập đoàn lớn tại Tokyo. Và câu chuyện về cơn ác mộng Nhật Bản bắt đầu khi cô gái người Âu phải tuân theo những luật tục và lề lối của người Nhật, Nothomb thậm chí từng phải làm việc trong toilet ở tập đoàn nọ. Tuy nhiên, khoảng thời gian này lại là nguồn tư liệu cho cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện: Sững sờ và run rẩy, tác phẩm bestseller đầu tiên với 500.000 bản được bán ra. Hơn thế, cuốn sách này đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của Amélie Nothomb. Cho đến nay, cô đã cho ra đời 17 tác phẩm với nhịp độ 1 cuốn/năm. Nothomb trở thành một hiện tượng của văn học trẻ, đặc biệt tại các quốc gia nói tiếng Pháp.

Phú Duy