Sức nóng lan tỏa của “Lãm đĩ" hay “Làm…”

ANTĐ - Tuy ra mắt ở TP.HCM nhưng sức nóng của vở kịch được phỏng theo tiểu thuyết “Làm đĩ” của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng khi vừa công diễn đã kịp đổi tên thành “Làm…”- tác giả Chu Thơm, đạo diễn: NSND Hồng Vân đã lan tỏa ra tận Hà Nội bởi chính tên gọi gây nhiều tranh cãi đó.

Vở kịch có ăn theo sự kiện các người mẫu bán dâm?

Được ra mắt vào đúng thời điểm ồn ào của đường dây hoa hậu bán dâm bị lộ tẩy, vở kịch “Làm…” đã khiến nhiều người ì èo về việc ăn theo của vở diễn và có lời khen dành cho người tổ chức đã rất biết chọn thời điểm để tung ra, thu hút khán giả đến rạp.

Thế nhưng, suy diễn như vậy sẽ rất oan uổng cho êkíp dàn dựng. Bởi kịch bản này đã được thai nghén từ năm 2009 và đã thay đến ba, bốn ê kíp. Và chỉ đến khi hội tụ được các diễn viên hạng sang của sân khấu TPHCM như NSƯT Minh Hoàng, Á hậu Trịnh Kim Chi, các nghệ sĩ trẻ nổi tiếng Lan Phương, “Ốc” Thanh Vân, Xuân Trang… đạo diễn Hồng Vân mới chính thức đưa ra công diễn trước công chúng. Và để giữ được nguyên hồn cốt của tiểu thuyết, chị đã yêu cầu các diễn viên nói tiếng Bắc.

Nhưng ngay trước ngày phúc khảo mồng 6-6, vở kịch đã gặp một sự cố nhạy cảm, đó là ngày 2-6 công an thành phố Hồ Chí Minh đã phanh phui ra đường dây hoa hậu và các người mẫu bán dâm, vì vậy, Hội đồng Phúc khảo của thành phố có gợi ý với tác giả và đạo diễn là: trong thời điểm này không nên đặt tên vở là “Làm đĩ”. Sau một đêm trao đổi bàn bạc trên điện thoại, êkíp quyết định đặt tên mới cho vở là “Làm…” 

Một cảnh trong vở "Làm..."

Nhưng thế sự tò mò của công chúng chưa dừng lại ở đây khi tên gọi rất “hot” “Làm đĩ” của vở kịch đã được đổi thành “Làm…”. Thậm chí có người còn cho rằng: cái tên này ngô nghê, không có ý nghĩa, là lố bịch và xúc phạm đến tác giả, tác phẩm. Trước sự phản ứng có phần thái quá ấy, đạo diễn Hồng Vân đã lập tức lên tiếng bảo vệ quan điểm của đội ngũ sáng tạo: “Đây là vở diễn hay, có chất lượng nên chúng tôi chấp nhận thay tên một chút cho phù hợp với tình hình hiện nay và sau tên mới “Làm…” có ghi rõ: “Phỏng theo tác phẩm “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng” nên về bản chất thì không có gì thay đổi, và sau khi dư luận đã lắng dịu, chúng tôi sẽ đổi tên lại theo đúng nguyên tác, tuy nhiên việc làm này cũng không phải dễ dàng”.

Rất tiếc là khi đó, vì mới được nghe thông tin một chiều, nên gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng đã có sự phản ứng trở lại với ê-kíp dàn dựng  và yêu cầu giữ nguyên tên gọi ban đầu.

Việc đổi tên là chuyện thường

Trước tình hình căng thẳng, nhà biên kịch Chu Thơm đã tới thăm ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể và đại diện hợp pháp duy nhất của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng để nói rõ về lý do đổi tên vở kịch. Là người đã từng chứng kiến, vì cái tên tiểu thuyết “Làm đĩ” “huý kỵ” mà phải dùng dằng những ba năm mới có quyết định đặt tên đường Vũ Trọng Phụng nên ông Sơn rất thông cảm với êkíp dựng kịch. Thậm chí khi nhà biên kịch ngỏ ý muốn nhờ ông đặt cho vở kịch một cái tên khác nếu gia đình nhà văn không đồng ý cái tên “Làm…” ông Nghiêm Xuân Sơn đã vui vẻ nói rằng, cứ giữ tên vở kịch là “Làm…” vì nó rất… ấn tượng.

Nhà viết kịch Chu Thơm và ông Nghiêm Xuân Sơn bên cạnh mộ phần cố nhà văn Vũ Trọng Phụng

Về việc thay đổi tên gọi mới của vở diễn bị vu “vi phạm bản quyền cũng là điều “nực cười” dành cho những người thích đàm tiếu. Bởi vì, từ trước tới nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã có thông lệ: tên những tác phẩm sân khấu, điện ảnh được chuyển thể hoặc phóng tác từ truyện ngắn, tiểu thuyết không nhất thiết phải lấy đúng tên của tiểu thuyết hoặc truyện, nhưng phải nêu rõ nguồn gốc tác giả và tác phẩm. Vì thế, kịch bản “Chùa Đàn” được PGS Tất Thắng chuyển thể từ tiểu thuyết “Tửu phần rực cháy” của cố nhà văn Nguyễn Tuân; bộ phim truyện nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy” được xây dựng từ 3 tác phẩm riêng biệt “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của cố nhà văn Nam Cao và gần đây nhất tác giả Tạ Xuyên đã chuyển thể truyện ngắn “Mười ba bến nước” của nhà văn Sương Nguyệt Minh thành “Bến nước đời người”. Thế nên, đổi “Làm đĩ” thành “Làm…” trong thời điểm nhậy cảm này cũng là điều rất bình thường và không hề vi phạm bản quyền.

                      "Ốc" Thanh Vân trong vai Huyền, Xuân Trang trong vai Tham Kim

Trong cuộc gặp này, nhà biên kịch Chu Thơm cũng đã xin phép ông Nghiêm Xuân Sơn được chuyển thể tiểu thuyết “Giông tố” để NSND Hồng Vân dàn dựng tại Sân khấu kịch Phú Nhuận. Ông Nghiêm Xuân Sơn đã vui vẻ cho phép và hy vọng trong một ngày không xa, khán giả yêu sân khấu sẽ được thấy Nghị Hách, Thị Mịch và “kẻ báo thù vĩ đại” Hải Vân bước ra từ tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên Sân khấu kịch Phú Nhuận.