Sức hút kỳ lạ của Hội Gióng

ANTD.VN - Hội Gióng (làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) được mở vào ngày mùng 9 tháng 4 hàng năm tại nơi mà tương truyền cho rằng đó chính là nơi đã sinh ra người Anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. 

Một lễ hội dân gian truyền thống có sức hấp dẫn trong việc hoàn thiện nhân cách con người. Bởi tuy là lễ hội thờ cúng tín ngưỡng (Đền Gióng thờ thánh Gióng, một trong bốn huyền thoại “Tứ bất tử” trong tâm linh người Việt) nhưng Hội Gióng lại mang một tư tưởng sâu đậm, tư tưởng đề cao những giá trị anh hùng của dân tộc. 

Hội Gióng mở ra vào đầu hạ chứ không vào mùa xuân như lẽ thường thấy. Điều khác biệt này phải chăng nó nằm ở thời điểm mà trong tương truyền có người đàn bà làng Phù Đổng, một buổi ra đồng sớm đã vô tình dẫm phải “vết chân nhà Trời”. 

Một lần được trò chuyện cùng GS.TS, NSND Lê Ngọc Canh, người trong nhiều năm qua đã dành tâm huyết và sức lực để cùng các đồng nghiệp của mình trong Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội, cất công về các làng quê ngoại thành Hà Nội để sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, dàn dựng và biên soạn thành sách các làn điệu múa cổ Hà Nội, chúng tôi thấy thật có lý khi ông cho rằng: Đến với Hội Gióng là đến với Liên khúc múa. 

Với Hội Gióng thì yếu tố “sân khấu hóa” được xuyên suốt phần Lễ sang tới phần Hội. Do đó, Hội Gióng thực sự là một lễ hội của không khí vui chơi có bài bản và có sức hút kỳ lạ bởi vai trò của “sân khấu” có trong lễ hội. Một vở kịch múa bắt đầu hình thành ngay khi những chàng trai lực lưỡng của làng với trang phục đơn giản, quần là mảnh khố, áo là mảnh vải quàng ngang vai làm hở bộ ngực trần vạm vỡ, chân đất chắc nịch cùng nhau khênh kiệu.

Trên kiệu là một chú bé mặt mày khôi ngô, ánh mắt trong sáng, chừng bảy tám tuổi, ăn vận đàng hoàng, mũ máo cân đai đầy đủ. Cậu bé được tuyển chọn trong hàng trăm cậu bé cùng lứa tuổi của làng để đảm nhận đóng vai người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng từ trong cổ tích.

Kiệu được rước đi huyên náo dọc đường làng và được dẫn vào sân lớn của đền Gióng sau khi lọt qua cổng đền uy nghi. Đến sân của đền thì “sân khấu” mới thực sự định hình và từ đây “Liên khúc múa” hay vở kịch múa mới thực sự diễn ra. Phần Hội bắt đầu. Dĩ nhiên ở phần Lễ những thủ tục như khấn bái, cầu cúng đã được hoàn thành xong mọi thủ tục cần có.

Nhằm biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, sân khấu hóa lễ hội là một đặc điểm dường như riêng có của Hội Gióng. Phải nói rằng: Liên khúc múa trong Hội Gióng chính là “linh hồn” tạo nên sức sống cho một lễ hội tín ngưỡng. Liên khúc múa trong Hội Gióng đã làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm và nếp ăn của người dân trong vùng nói riêng, người dân Việt nói chung. Đó cũng là ý nghĩ cao rộng: dù trong hoàn cảnh nào thì “yêu nước và đánh giặc” vẫn được đề cao, được nhắc nhở. 

Trên sân khấu rộng lớn, sân đền, từng điệu múa bắt đầu được phô diễn. Nét độc đáo ở nội dung này ngoài yếu tố “múa” ra còn có yếu tố con người, đó là các vai diễn chính có trong liên khúc múa đều do các em nhỏ bảy tám tuổi đảm nhiệm. 

Hội Gióng chính là một “kịch trường dân gian” với đầy đủ ý nghĩa của nó. Hàng trăm diễn viên đảm nhiệm hàng trăm vai diễn đã trình diễn liên hoàn, móc nối với nhau và vai diễn này tôn vinh vai diễn kia. Các màn múa chính đều được gọi chung cái tên là các “ông Hiệu” đã cho thấy tính thống nhất của một “vở kịch” được xây dựng kỹ lưỡng.

Nói một cách khác thì “hệ thống các ông Hiệu” này chính là “hệ thống các tướng lĩnh” của Thánh Gióng. Màn múa các ông Hiệu đều được trình diễn theo một trình tự đầu cuối rõ ràng đã cho thấy dù có “tính ước lệ của sân khấu” nhưng ở “kịch trường dân gian” này vẫn đề cao tính thống nhất và nghiêm cẩn của việc luyện quân và ra trận.

Trong khi các vai diễn các “ông Hiệu” thể hiện vị trí của mình thông qua các điệu múa thì bên cạnh đó có sự xuất hiện động thời vai diễn của những “Quạt Hầu”. Xét về khía cạnh “sân khấu”, vai diễn này không mang tính chất “hầu” như danh xưng đã gọi mà đó gợi lên hình ảnh sự “đồng tâm, đồng lòng” của mọi người dân từ già tới trẻ trong công cuộc đánh giặc. 

Để vở kịch múa được hấp dẫn và sát gần với huyền thoại nên ngoài các vai diễn đảm nhiệm vai trò “chính diện” ra còn có nhiều vai diễn đảm nhiệm vai cho “phụ” và vai “phản diện”. Những màn múa của các vai diễn phụ này khi thì biểu hiện cho 28 đạo quân giặc Ân xâm lược (vai do 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc), vai này gọi là vai “Cô Tướng”. Những “Cô Tướng” tuy là vai phản diện nhưng những động tác múa cũng có sức thu hút.

Hình tượng các tướng giặc trong suy nghĩ dân gian vốn hung dữ, tàn ác nay do các cô gái trẻ đảm nhiệm đã đem lại một ý nghĩa mới, ý nghĩa đánh giặc hung ác đầy khó khăn, trắc trở, đầy thách thử và cũng đầy nghịch lý. Một cách thức phân vai khá lý thú cả về lý và về tình.

Cùng với các vai diễn và màn múa chính, các vai diễn khác cùng các màn múa khác (điệu múa) trong Hội Gióng như: Rước nước để tôi luyện binh khí; Rước Đống Đàm để đi đàm phán kêu gọi hòa bình; Rước khám đường để đi trinh sát quân giặc; Rước trận soi bia để mô phỏng trận đánh… đã hội tụ thành ý thức, một ý thức có thể bắt ta phải suy ngẫm về quan điểm thẩm mỹ và đạo lý ứng xử.

Hai ngày Hội Gióng qua nhanh. Dư âm về màn múa hát về chào mừng chiến thắng chống giặc ngoại xâm dường như mãi còn không dứt. Tiếng trống tiếng chiêng. Tiếng cười hể hả cứ réo rắt một vùng bên sông Đuống. Liên khúc múa trong Hội Gióng như khẳng định thêm: Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt tràn đầy và bất tận.