Sức hút của các bức tranh "điên rực rỡ"

ANTD.VN - Gần 20 năm sau ngày thi sỹ Bùi Giáng ra đi, các tác phẩm hội họa “điên rực rỡ” của ông đang được các nhà sưu tập săn lùng và sẵn sàng bỏ ra các khoản tiền kếch xù để sở hữu những bức tranh hiếm hoi còn sót lại. Sức hút của tranh Bùi Giáng không nằm ở kỹ thuật vẽ cao siêu, hình họa đẹp mắt mà hình như chính cuộc đời ông và “độ điên” của Bùi Giáng đã đẩy giá tranh vượt ra ngoài sức tưởng tượng. 

Tranh đắt cũng có lý

Tại phiên đấu giá nghệ thuật “Thiện Nhân và những người bạn” vừa diễn ra tại TP.HCM, bức tranh “Gửi đêm” của Bùi Giáng là tác phẩm tạo ra nhiều kịch tính nhất. Mức giá cuối cùng được bán tăng gấp 10 lần so với mức giá khởi điểm và có tới cả chục người muốn được sở hữu. Ban đầu, bức tranh có giá khởi điểm là 2.500 USD nhưng đã được bán với giá là 27.000 USD. 

Nghe tới điều này, chắc hẳn nhiều người tò mò tranh đẹp hay tranh xấu mà giá lại cao đến vậy. Có một điều chắc chắn là, với những ai yêu thích nghệ thuật, đang muốn mở lối đi mới cho bộ sưu tập của mình thì Bùi Giáng là một lựa chọn “khó đụng hàng”. Thế nhưng, khó khăn nhất trong sưu tập tranh Bùi Giáng chính là việc các tác phẩm hiện nay của ông còn được lưu giữ quá ít ỏi, chỉ vài chục bức mà không phải lúc nào chủ nhân của các bức tranh đó lại chịu… “buông tay”. Do vậy, tranh đắt cũng có lý của nó khi Bùi Giáng còn là người để lại một dấu ấn lớn với lịch sử thơ ca Việt Nam thế kỷ 20. 

Sức hút của các bức tranh "điên rực rỡ" ảnh 2Tác phẩm “Gửi đêm” của Bùi Giáng được bán với mức giá 27.000 USD tại phiên đấu giá “Thiện Nhân và những người bạn”

Bùi Giáng bắt đầu vẽ tranh ngay ở thời gian đầu vào Sài Gòn dạy học. Sau đó, ông lưu lạc nhiều nơi và đi đến đâu, Bùi Giáng cũng vẽ tranh tặng bạn bè. Nhưng do nhiều người nghĩ ông điên, vẽ với một tâm hồn lạc điệu giữa những tâm hồn khác nên các tác phẩm của Bùi Giáng thường ít người lưu giữ và trân trọng. Nhưng không vì thế mà ông giảm độ cuồng si với hội họa. Bùi Giáng vẽ lên bất cứ chất liệu gì ông cảm thấy có thể sáng tác được như trên tường, trên giấy phế liệu. Hết màu vẽ, ông còn dùng cả bút bi để tạo đường nét.

Và các tác phẩm được hình thành trong những cao trào cảm xúc ấy đã không còn cho đến ngày nay và đây cũng là một trong các lý do khiến cho tranh của Bùi Giáng làm giới sưu tầm điên đảo. Bùi Giáng đã đến với hội họa từ sự hối thúc của cảm xúc hay đúng hơn thì độ “điên rực rỡ” của Bùi Giáng khiến ông có nhu cầu bộc bạch mà nhiều khi những câu chữ không đủ nhanh để ông thể hiện. 

Trường phái nằm ngoài nghệ thuật

Theo họa sỹ Nguyễn Như Huy: “Với các nhà thơ có tầm như Bùi Giáng thì việc lấn sân sang một lĩnh vực khác cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thơ và họa rất gần nhau. Tôi đã từng được nhìn thấy các bài thơ Bùi Giáng viết tặng bạn bè, những câu chữ ông viết như những đường nét của thư pháp, chữ của nhà thơ mà nhìn tựa một bức tranh”.

Khi xem tranh của Bùi Giáng, khán giả không thể đem các quy chuẩn về cái đẹp thông thường để đánh giá. Đó là các tác phẩm được thực hiện để giải tỏa cảm xúc nhiều hơn việc miêu tả hay vẽ cho người khác xem. Thậm chí, đó còn là sự vỡ vụn của thế giới nội tâm hoặc những hình ảnh văng ra từ một giấc mơ nào đó của chính nhà thơ. Các bức tranh của Bùi Giáng được xếp vào hàng các tác phẩm của trường phái nghệ thuật “The other art”, trường phái nằm ngoài nghệ thuật. Tranh vẽ ra không thể phân định đẹp xấu mà người xem chỉ có thể nắm bắt được tâm trạng vui buồn, tức giận, hài hước của người vẽ. 

Sức hút của các bức tranh "điên rực rỡ" ảnh 3Tác phẩm “Từ Hải” của Bùi Giáng

Việc sưu tập tranh của Bùi Giáng có thể ví von như việc sưu tập các viên đá kỳ dị của thiên nhiên, hoàn toàn khác với việc sưu tập tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Bởi mỗi bức tranh có cả cuộc đời của nhà thơ và “độ điên” của một tài năng thi ca. Người sở hữu các bức tranh ấy hoàn toàn yên tâm về khoản đầu tư của mình sẽ không bị rớt giá. Chỉ có điều, trong tình hình tranh giả, tranh thật đang rối ren như hiện nay, việc thẩm định kỹ lưỡng tác phẩm trước khi gật đầu đồng ý cần được đặt lên hàng đầu. 

Dù không nhiều người biết đến hoặc nghiên cứu về tranh của ông nhưng không có nghĩa, tranh Bùi Giáng không có người phân định được. Bùi Giáng là tấm gương về sự tự học. Ông có thể đọc và dịch các thứ tiếng như Đức, Pháp, Anh và cả chữ Hán. Ngay với hội họa, ông cũng đi lên bằng con đường tự mày mò, nghiên cứu. Và có vẻ như Bùi Giáng làm gì cũng dễ dàng nhưng chưa bao giờ dễ dãi. Tranh của ông cũng vậy, vẽ như chơi, nhưng đủ đầy về bố cục, hòa sắc và ý tưởng.