Showbiz Việt: Lối đi nào cho những nghệ sỹ "ngây thơ"?

ANTD.VN - Tài năng nổi bật, tư duy thẩm mỹ tốt, cá tính riêng biệt… nhưng "ngây thơ", liệu một nghệ sỹ hội tụ những yếu tố đó có thể giữ một chỗ đứng vững vàng trên thị trường âm nhạc hiện nay?

Tài năng liệu có phải là tất cả?

Để bàn về những nghệ sỹ được gọi là “ngây thơ” của showbiz Việt, trước hết có thể kể đến một gương mặt khá tiêu biểu, là Lê Cát Trọng Lý. Lý là một tài năng khá đặc biệt của làng nhạc Việt, một nghệ sỹ indie tài năng thực thụ: Tự sáng tác, tự chơi nhạc, tự biểu diễn.

Tuy nhiên, việc thành công của Lê Cát Trọng Lý lại là một trong những đề tài được công chúng, giới truyền thông, hay thậm chí là các nghệ sỹ khác bàn tán khá nhiều. Đơn giản vì Lý thực sự là một người dè dặt, hiền hậu, ngây thơ và thậm chí là “lạc lõng” với những xô bồ của showbiz. Không ít người còn hồ nghi về khả năng “đi đường dài” của Lý, cho rằng cô sẽ chỉ nổi lên như một hiện tượng rồi sẽ vụt tắt.

Nhưng có thể nói, Lê Cát Trọng Lý là một trong những trường hợp đặc biệt, thậm chí “dị biệt” của showbiz. Lý thành công, ít nhất về việc đặt cho mình một chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả yêu nhạc, thậm chí với những khán giả khó tính nhất. Cô có một lượng fan vô cùng lớn và khá "văn minh".

Lê Cát Trọng Lý là một nghệ sỹ "lạ" trong showbiz Việt: Vì cô thành công mà lại... ngây thơ

Bàn về thành công của Lý, có người cho là may mắn, có người cho rằng cô có cái “lạ” nên được để ý. Riêng tôi thì cho rằng, nhạc của Lý rơi trúng điểm rơi, Lý có cái mà khán giả đang khát: Sự tĩnh tại, sự độc lập, cái sâu lắng trong trẻo, cái “chậm” của Thiền.

Nhưng một trong những lý do lớn nhất trong sự thành công của Lý, đó là cô hoàn toàn tự nhiên trong việc sắp xếp “cuộc chơi của mình”, cô kiên định và thoải mái với thế giới của riêng cô, và cái năng lượng kì diệu của cô đã dẫn dắt công chúng đến với mình, cô thành công!

Và điểm lại, ngoài Lý, showbiz có mấy gương mặt được ghi dấu ấn lại?

Năm 2011, làng nhạc Việt Nam truyền tai cái tên Quái vật tí hon với Hải “bột” là linh hồn, một nhóm nhạc cực “chất”, cực “ngông”, những nét giai điệu vừa phiêu diêu, vừa ngây ngô lại vừa rất đời. Nhưng rồi, dù có sự giúp đỡ tận tâm của nhạc sỹ Quốc Trung, Hải cũng cảm thấy “chùn chân mỏi gối” dần với cuộc chơi của showbiz. Anh biến mất, Quái vật tí hon biến mất, như một vì sao vụt tắt trên bầu trời âm nhạc, trong sự tiếc nuối của khán giả. Hải dừng lại và chọn cuộc chơi “nghệ thuật” theo cách của riêng mình!

Tuấn “gà” cũng là một trường hợp như vậy. 2012 đánh dấu cho sự xuất hiện của Tuấn với những minishow độc đáo tại Hà Nội, sáng tác của Tuấn khiến cả giới Underground lẫn giới nghe nhạc trí thức của Thủ đô thấy khoái trá. Nhạc của Tuấn đa dạng và hấp dẫn lạ kì, nó có sự độc, lạ, thậm chí là khá “lạc lõng”, dị biệt trong bối cảnh chung của âm nhạc đương đại… Nhưng rồi sau những đóng góp độc đáo đầy hào sảng cho bức tranh đa sắc màu của làng nhạc Việt, anh vẫn mãi loay hoay trên hành trình của mình.

Tuấn ngây thơ với truyền thông, hiền lành, khái tính và… nghèo. Và cho đến giờ, Tuấn vẫn trăn trở trong việc tự tìm cho mình một lối đi, để có thể sống với đam mê âm nhạc của riêng mình.

Rồi sau Lý, sau Hải “bột”, sau Tuấn “gà”, còn biết bao tài năng âm nhạc thậm chí còn chưa một lần được nhìn nhận một cách đích đáng, và giờ họ ở đâu trên bản đồ nhạc Việt?

Những nạn nhân đáng thương của truyền thông?

Quay trở lại bức tranh của showbiz Việt 5 năm trở lại đây, có thể dễ dàng nhận ra hầu hết các nghệ sỹ trẻ, muốn có thể dễ dàng đi nhanh, tiến nhanh hơn trong showbiz đều đang sống “kí sinh” vào truyền thông.

Một trong những ví dụ điển hình là sự thành công “chớp nhoáng” của gameshow Sing my song. Đây là một chương trình được coi như tiên phong ở Việt Nam trong việc tìm kiếm và nâng đỡ những tài năng âm nhạc trẻ. Sing my song đã thu hút được một lượng lớn nhân tố tài năng khá “chất” của Việt Nam. Nhưng rồi không thoát được lối mòn của những “tầm tư duy cũ”, câu chuyện về tài năng vẫn dần phải nhường chỗ cho câu chuyện về truyền thông, về lượng bình chọn, về việc ai được lòng khán giả nhất, chạy theo xu hướng nhanh nhất. Những gương mặt tài năng bị loại dần khỏi cuộc chơi trong sự bàng hoàng và ngậm ngùi của cả ban giám khảo lẫn giới chuyên môn.

Nhạc sỹ Tuấn "gà" vẫn đang loay hoay tìm đường đi cho câu chuyện nhạc "lạ" mà vẫn sống tốt trong showbiz Việt

Vậy, ở đây đặt ra vấn đề: Phải chăng những người tâm huyết với nghệ thuật nhất, đam mê nhất, khó tính nhất lại là những người khó sống với nghề nhất? Rõ ràng đây là một thực tế đang hiển hiện trong showbiz Việt. Khi mà sự thành công và cả thu nhập của một nghệ sỹ còn đang hoàn toàn dựa vào sự “ban phát” của truyền thông, với mức độ xuất hiện trên báo chí, lượt xem, lượt nghe trên youtube và các bảng xếp hạng, lượt like trên fanpage… và nếu không thực sự kiên định, không vượt qua được những danh vọng “ảo”, người nghệ sỹ hoàn toàn có thể bị biến thành những nạn nhân của truyền thông từ lúc nào không hay.

Nghệ sỹ Quốc Trung đã từng phát biểu: “Nghệ sỹ phải là người định hướng công chúng, chứ không phải chạy theo công chúng”. Nhưng thực trạng chung ở nước ta hiện nay, buộc người nghệ sỹ phải lựa chọn, một là chạy theo công chúng, theo thị hiếu, hai là “chết”. Và cứ thế, tạo ra một sự lệch lạc rất đáng tiếc, khi mà truyền thông từ một công cụ đã được đặt lên hàng một giá trị mang tính định hướng, tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn ngột ngạt, khiến cho những nghệ sỹ khó còn đất để sống với nghề.

Đâu mới là giá trị chân chính?

Các nghệ sỹ thay đổi mình là điều cần thiết, nhưng việc đánh mất mình lại là một điều đáng tiếc, và… đáng thương. Như ai đó đã từng nói, showbiz Việt hiện giờ như một cái mê cung, mà lối đi nào cũng có rất nhiều ngã rẽ, và trong đó, mỗi ngã rẽ lại có rất nhiều những lựa chọn với những được, mất vô cùng nghiệt ngã.

Nghệ thuật – truyền thông – công chúng, đôi khi tưởng như là một khối tổng hòa hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà những giá trị nghệ thuật đích thực, thì đôi khi lại là những đường thẳng song song, không thể tìm được tiếng nói chung.

Và đằng sau bề nổi của những hào nhoáng, những ngôi sao lớn, những giá catxe “khủng”, còn có biết bao nghệ sỹ đang trăn trở miệt mài tìm lối đi cho riêng mình, nhưng rồi họ sẽ đi đâu, về đâu trong mê cung đầy những ngã rẽ khốc liệt ấy, hay một ngày, trên hành trình đầy vô vọng đó, họ sẽ “chùn chân mỏi gối”, buộc phải dừng bước và thu mình lại trong những bế tắc của nghệ thuật.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả