Sẽ tước danh hiệu của người đẹp vi phạm pháp luật và quy chế thi!

ANTD.VN - Đó là một trong những sự điều chỉnh đáng chú ý được đề cập đến trong Hội nghị lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, thay vì việc chưa có quy định nào cho phép thu hồi danh hiệu đối với các trường hợp đã đạt giải mà bị phát hiện vi phạm một trong các điều kiện dự thi, sắp tới đây nếu như dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (gọi tắt là Nghị định) được ban hành, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) sẽ có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi thực hiện việc này.

Cụ thể, theo khoản h, điều 6, chương I của dự thảo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đơn vị được cấp phép tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu – PV) sẽ phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho tổ chức, cá nhân đạt giải theo yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, quy chế tổ chức cuộc thi. Điều này được cho là sẽ tháo gỡ vướng mắc của cơ quan chức năng, tránh xảy ra những lùm xùm “hậu” cuộc thi mà cơ quan quản lý văn hóa chỉ không thể xử lý được bởi chưa thiếu cơ sở pháp lý, như trường hợp Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị “Hoa hậu Đại dương 2017” bị phát giác từng nâng mũi, vi phạm quy chế thi. Trước đó, một số trường hợp người đẹp đạt giải cao tại các sân chơi sắc đẹp trong nước cũng có những hành vi bị cho là thiếu chuẩn mực, hoặc bị phát hiện vi phạm quy chế thi người đẹp, tuy nhiên hầu hết đều không thể xử lý theo hình thức tước danh hiệu bởi Ban tổ chức…giải thể sau cuộc thi nên cho dù cơ quan quản lý văn hóa có đề nghị tước thì cũng không biết phải tước thế nào.

Trên thực tế, Nghị định 79/2012 và Thông tư 01/2016 của Bộ VHTT&DL cũng quy định rõ việc thí sinh dự thi người đẹp phải là người chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu bị phát hiện trước khi thi hoặc trong quá trình thi thì đương nhiên sẽ không được thi tiếp. Có điều, nếu như những người này vì lý do nào đó không bị phát hiện nên lọt sâu vào vòng trong và đạt giải cao thì trong quy định của pháp luật và cả điều lệ của cuộc thi cũng chưa có quy định chế tài nào về việc tước danh hiệu.

Đến Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013 cũng đã quy định chung về việc thu hồi danh hiệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhưng lý do thu hồi khá chung chung và mơ hồ là “thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Lê Âu Ngân Anh từng bị Bộ VHTT&DL yêu cầu đơn vị tổ chức "Hoa hậu Đại dương 2017" tước vương miện Hoa hậu

Còn ở dự thảo lần này, cơ sở pháp lý để thu hồi danh hiệu, giải thưởng được đề cập rất rõ ràng là “vi phạm quy định của pháp luật và quy chế tổ chức cuộc thi”. Với điều khoản này, đơn vị tổ chức không có lý do gì để chống chế là “không có căn cứ để chấp thuận hoặc không chấp thuận” khi cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu buộc phải thu hồi danh hiệu của thí sinh đạt giải.

Cũng trong chương I của dự thảo lần này quy định rõ việc “không tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho người đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ biểu diễn hoặc thí sinh sử dụng danh hiệu đã bị thu hồi, danh hiệu đạt được do tham dự trái phép”. Tuy nhiên quy định này được cho là vẫn còn kẽ hở để lách luật. Bởi lẽ, nếu như thí sinh bị thu hồi danh hiệu hoặc danh hiệu có được từ việc “thi chui”, không được pháp luật công nhận, nhưng vẫn tham gia biểu diễn tại các chương trình, sự kiện với tư cách công dân, không gắn với danh hiệu thì có lẽ cơ quan quản lý văn hóa cũng khó mà xử lý.

Một trong những nội dung khác được quan tâm ở bản dự thảo lần này là việc quản lý các sản phẩm ghi âm, ghi hình được phổ biến trên mạng Internet chưa được đề cập tới. NSƯT Xuân Bắc  Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ sự quan ngại đối với lĩnh vực này bởi trong thời gan vừa qua có nhiều chương trình được phổ biến trên mạng xã hội một cách vô tội vạ, trong khi cơ quan quản lý văn hóa dường như vẫn chưa kiểm soát được và buông lỏng. Đồng quan điểm về việc này, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, chính hình thức biểu diễn trực tiếp không đáng quan ngại bằng các hình thức biểu diễn trên mạng Internet. Vì thế, dự thảo cần nói rõ có việc quản lý lĩnh vực này có nằm trong Nghị định hay không, nếu không thì sẽ có biện pháp như thế nào để quản lý hình thức đó.

Việc quản lý các sản phẩm ghi âm, ghi hình phát hành trên mạng Internet vẫn làm khó cơ quan quản lý văn hóa 

Liên quan đến vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL – Hoàng Minh Thái thừa nhận hiện nay trên mạng xã hội đúng là “có đủ thứ” mà hiện cơ quan quản lý văn hóa vẫn đang chưa nghĩ ra cách nào hiệu quả để có thể quản lý. Đại diện Bộ VHTT&DL nói thêm, để tháo gỡ vướng mắc này, trong dự thảo cũng đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trong đso, Bộ Thông tin & Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTT&DL và Bộ Công an trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng.

Một sự thay đổi nữa được nhận định là sẽ tác động rất nhiều đến các đơn vị tổ chức và cho thuê địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Đó là thay vì “diễn ở một nơi, có thể xin cấp phép ở một nơi khác” thì dự thảo đưa ra quy định mới với nội dung “diễn ở đâu, xin cấp phép ở đó”. Điều này theo Cục trưởng Cục NTBD – nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh là nhằm giải quyết những bất cập của Nghị định cũ, tránh tình trạng các địa phương phải tiếp nhận, đồng ý cho biểu diễn các chương trình, hoạt động nghệ thuật không phù hợp, khó quản lý. Với thay đổi này, việc phân cấp quyền hạn về các địa phương sẽ tăng lên, đi kèm với đó là trách nhiệm cũng nặng hơn.

“Quy định này xuất phát từ việc có những đơn vị tổ chức cầm giấy phép ở nơi này cấp đến địa phương khác để tổ chức, cầm giấy phép đã được địa phương kia duyệt nhưng địa phương này không đồng ý, song không có quyền can thiệp.” – người đứng đầu Cục NTBD khẳng định.

Mặc dù vậy, quy định này vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Bởi như chia sẻ của đại diện Sở VHTT Hà Nội thì một chương trình đã được cấp phép ở một địa phương, nếu như vẫn nội dung đó mang đi biểu diễn ở 10 tỉnh thành khác thì sẽ rất phức tạp, vì phải đi xin cấp phép ở cả 10 tỉnh thành này.

Chương trình "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019" từng bị Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô từ chối cho tổ chức tại đây do không đủ các giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của chương trình.

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức biểu diễn, dự thảo còn đưa ra quy định mới về việc chủ địa điểm có quyền từ chối hoạt động vi phạm quy định, dừng hoặc thay đổi thời gian hoạt động khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cục trưởng Cục NTBD – nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh nói thêm, theo quy định này thì chủ địa điểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên thuê nếu như phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nội dung biểu diễn không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực, tuyên truyền nội dung xấu…). Như vậy, ngoài các trường hợp bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn…) thì chủ địa điểm sẽ có thêm lý do để  đơn pương chấm dứt hợp đồng thỏa thuận dân sự với bên thuê địa điểm mà không phải đền bù. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục NTBD cho biết, người đưa ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng này sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.

Đặc biệt, theo như dự thảo thì Cục NTBD sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó sẽ hình thành dư liệu quốc gia về các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đăng tải công khai trên website của cơ quan quản lý văn hóa để mọi người tiện tra cứu. Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ nhắc các nghệ sĩ về việc đã đủ điều kiện để xét tặng giải thương hay danh hiệu cấp Nhà nước hay chưa.

Hiện Bộ VHTT&DL vẫn tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện bản dự thảo này trình Chính Phủ trong thời gian tới.