Sẽ thanh tra, vạch trần thủ đoạn lừa bịp "buôn thần, bán thánh" để trục lợi

ANTD.VN - Báo cáo Quốc hội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, về một số hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng gây bức xúc xã hội như dịch vụ nâng sao giải sao trọn gói, thỉnh vong, xin "săm"… Bộ sẽ tăng cường thanh tra để vạch trần thủ đoạn lừa bịp.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ "đăng đàn" trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bắt đầu từ 15h05 chiều nay, 5-6, Quốc hội sẽ chuyển sang chất vấn với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề: công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh…

Trước phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH để cung cấp thông tin về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Theo báo cáo này, thời gian qua, công tác phòng ngừa mê tín dị đoan được triển khai đồng bộ; các hoạt động tín ngưỡng được tổ chức trong không gian linh thiêng, phù hợp với truyền thống văn hóa.

Tuy vậy, thực tế còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể, với các biện pháp răn đe đủ mạnh về phòng ngừa mê tín, dị đoan.

Mặt khác, công tác tổ chức thực thi pháp luật về phòng ngừa mê tín, dị đoan còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Bộ VH-TT&DL thừa nhận, công tác phòng chống, xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi hiệu quả chưa cao. Hệ quả là vẫn còn một số hiện tượng như đốt vàng mã (nhiều, lớn); cầu cúng, tế lễ vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường (dịch vụ giải sao trọn gói, thỉnh vong…), xin "săm", rút quẻ, bói toán…

Về giải pháp khắc phục, Bộ VH-TT&DL cho biết, sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, theo hướng tăng cường hơn nữa các biện pháp răn đe, ngăn ngừa hành vi mê tín dị đoan.

Cùng đó, sẽ “đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của hiện tượng mê tín dị đoan, vạch trần thủ đoạn lừa bịp “buôn thần, bán thánh” của các đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội” – báo cáo của Bộ VH-TT&DL nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương xác định rõ trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền trong thực thi pháp luật; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về mê tín dị đoan; xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, báo cáo của Bộ VH-TT&DL cho biết, thời gian gần đây, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng kịp thời, linh hoạt thị hiếu, nhu cầu khác nhau của công chúng.

Song bên cạnh đó, công tác quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại các địa phương còn bất cập; công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm còn hạn chế, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.

Tới đây, Bộ VH-TT&DL sẽ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cuộc thi người đẹp và người mẫu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Kiên quyết xử lý các hoạt động không có giấy phép hoặc đình chỉ, thu hồi giấy phép theo thẩm quyền đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.