Sẽ lại thu tác quyền tivi trong khách sạn?

ANTD.VN - Sau một thời gian Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng thu phí tác quyền âm nhạc trên ti vi ở khách sạn, mới đây, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam - VCPMC khẳng định sẽ tiếp tục triển khai.

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam - VCPMC, sau một số cuộc họp tháo gỡ khó khăn, VCPMC đã rà soát toàn bộ quy trình cấp phép sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Về việc thu tác quyền âm nhạc đối với lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình, VCPMC định hướng sẽ tính theo từng bài và lượt sử dụng.

Về việc thu tác quyền âm nhạc đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như: quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, siêu thị…, các tổ chức, cá nhân chủ động kê khai danh sách tác phẩm sử dụng, VCPMC chỉ thu đối với những tác phẩm của tác giả đã ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đối soát và cung cấp thông tin công khai dựa trên danh sách tác phẩm - tác giả mà tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Sẽ lại thu tác quyền tivi trong khách sạn? ảnh 1Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết, đã hoàn tất các thủ tục để thu tác quyền tivi tại khách sạn

Chỉ thu đối với những tác phẩm thuộc thành viên

VCPMC cũng cho biết, đã chấp hành nghiêm túc ý kiến của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) và đã báo cáo toàn bộ quá trình phối hợp triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả âm nhạc tại thành phố Đà Nẵng, với đầy đủ cơ sở pháp lý, lộ trình, phương thức thu dựa trên cơ sở thỏa thuận và thống nhất ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả thuộc thành viên của VCPMC.

Hiện tại, VCPMC đã xây dựng biểu mức tiền nhuận bút tác phẩm được khai thác, sử dụng; Đã tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật thông qua việc các bên cùng thỏa thuận, thống nhất, tự nguyện ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Đã thực hiện đúng quy trình về phương thức, lĩnh vực, cách thức tổ chức thu. VCPMC cũng đang tổ chức thu 19 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc; Thu theo từng bài hát, từng lượt sử dụng, hoặc thu “trọn gói” cho 1 năm sử dụng, và chỉ thu đối với những tác phẩm thuộc thành viên của VCPMC.

Tháng 5-2017, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã phát đi văn bản, đề nghị các khách sạn ở Đà Nẵng, thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Sự việc này đã dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Ngày 26-5-2017, một cuộc làm việc giữa Cục Bản quyền tác giả và VCPMC đã diễn ra. Sau đó, Cục Bản quyền đã yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thu tiền tác quyền tác giả trên đầu tivi khách sạn.

VCPMC khẳng định, trong quá trình đàm phán với các tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc, dựa trên việc kê khai danh sách tác phẩm của các đơn vị có nhu cầu sử dụng, Trung tâm đều thực hiện đúng quy trình đối soát tác phẩm để loại trừ, không thu đối với những tác phẩm của tác giả không thuộc thành viên và cả những tác phẩm đã tuyên bố độc quyền hoặc không thuộc phạm vi ủy quyền. Đã tổ chức triển khai thu, phân phối theo hợp đồng hợp tác song phương với các tổ chức bản quyền tương ứng của tổ chức quốc tế và các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Chính vì thế, sau khi đã thực hiện báo cáo đầy đủ đến cơ quan quản lý nhà nước về xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán và được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc thông qua việc ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả của các bên liên quan…, VCPMC chính thức thông báo: Tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua ti vi tại phòng lưu trú khách sạn và các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc khác theo đúng quy định của pháp luật.

Thu thế nào thì phải bàn cụ thể

Sáng 12-9, trao đổi cùng báo chí, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã khẳng định, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tiền theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thu như thế nào và ai thu thì lại phải bàn cụ thể hơn nữa. 

Thông thường, khi doanh nghiệp có sử dụng các tác phẩm phục vụ trong hoạt động kinh doanh thì phải tiến hành thu. Nhưng việc thu cũng phải theo đúng quy định của pháp luật, không thể áp dụng một mức cho toàn bộ được. Ông Bùi Nguyên Hùng lý giải, điều kiện phát triển kinh tế xã hội mỗi nơi một khác, không thể lấy mức giá ở một thành phố phát triển để áp dụng cho vùng sâu vùng xa được. 

Về nguyên tắc, việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình là có. Vấn đề ở đây, chúng ta phải có phần mềm trợ giúp chiết xuất dùng với thời lượng bao nhiêu và với bao nhiêu sản phẩm âm nhạc cho từng khách sạn, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu muốn thu phí, cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả đối với hoạt động thu phí trong trường hợp đó. Và đặc biệt, địa điểm tiến hành thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí. 

Việc đưa ra mức giá 25.000đồng/tivi/năm phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được. Hơn nữa, thu như thế nào cũng cần thể hiện rõ hơn giữa các bên tác giả và cơ quan được ủy quyền mới đảm bảo tính công bằng và minh bạch.

“Ở nước ngoài có thể thực hiện được, nhưng chưa chắc ở Việt Nam áp vào mà thành công, bởi lẽ mỗi nước có một thể chế riêng, chế tài riêng. Việc thu phí bản quyền chúng ta đã rõ rồi, nhưng vấn đề là thu như thế nào, giải thích ra sao và thu bao nhiêu trong trường hợp nào lại là cả một quá trình cần phải rất cẩn trọng và có kế hoạch thực sự cụ thể sao cho minh bạch, đúng quy định của pháp luật”- Ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh. 

Cục trưởng giải thích thêm, việc Cục yêu cầu dừng thu phí là để làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự trong vấn đề này.