Sẽ hoàn thành phố bích họa Phùng Hưng vào cuối tháng 12

ANTD.VN - Sau thời gian tạm hoãn để chỉnh sửa, phố bích họa Phùng Hưng đã được các nghệ sỹ Việt Nam khởi động trở lại. Dù những hình mảng còn dang dở nhưng bức tường gợi nhớ ký ức Hà Nội một thời đã phần nào hiện diện. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, chủ nhiệm dự án về phần tranh tượng của các nghệ sỹ Việt Nam.

PV: Phố Bích họa Phùng Hưng đã khởi động trở lại có phải giữa các nghệ sỹ và HĐNT đã tìm thấy tiếng nói chung?

Nguyễn Thế Sơn: Cũng còn một số vấn đề chưa xong, dẫu vậy, chúng tôi vẫn bắt tay vào thực hiện công việc dang dở của phố bích họa Phùng Hưng. Bởi các nghệ sỹ coi đây là món quà dành tặng cho thành phố và chúng tôi làm công việc này hoàn toàn tự nguyện. Khi đã coi các tác phẩm là món quà thì món quà ấy cần được mở ra để mọi người cùng đánh giá. Sau đó, người dân có thể trả lại hay không sẽ là câu chuyện của sau này.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn

PV: Tác phẩm “Ngôi nhà số 63” gây tranh cãi của họa sỹ Trần Hậu Yên Thế vẫn tiếp tục được thực hiện chứ, thưa anh?

Nguyễn Thế Sơn: Chúng tôi vẫn đưa tác phẩm này vào danh mục các tác phẩm cần thực hiện của dự án. Anh Thế đã lấy nguyên cánh cửa sổ ngôi nhà số 63 Phùng Hưng lắp vào tác phẩm. Còn về góp ý “xé xoạc” của tác phẩm, tôi nghĩ đó là ý tưởng của họa sỹ nhằm gợi nhắc người xem về những ngôi nhà đáng nhớ của Hà Nội.

PV: Thế các họa sỹ có chiều lòng hội đồng để sửa tác phẩm?

Nguyễn Thế Sơn: Chúng tôi sẽ giữ nguyên ý tưởng của mình và không làm cái việc “đẽo cày giữa đường”. Bởi điều cuối cùng nghệ thuật hướng đến là vì con người. Phố bích họa Phùng Hưng khi hoàn thành sẽ là một không gian công cộng kết nối với phố đi bộ Bờ Hồ, khu phố đi bộ Đào Duy Từ… Chúng tôi muốn cùng nhau tạo nên một con phố đáng nhớ của Hà Nội bằng các tác phẩm nghệ thuật mang tính tương tác cao với người xem. Những không gian công cộng như thế sẽ khiến những con phố Hà Nội trở thành nơi trải nghiệm nghệ thuật và là thành phố đáng sống.

PV: Các nghệ sỹ có nhận được sự giúp sức nào từ phía các nhà quản lý và giới nghệ sỹ?

Nguyễn Thế Sơn: Các nghệ sỹ làm dự án này hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, kiếm tiền bằng nhiều công việc khác, chứ dự án này thì không (cười). Kinh phí quận Hoàn Kiếm cấp cho chỉ đủ cho tiền nguyên vật liệu và thi công. Bên cạnh đó, KTS Trần Huy Ánh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc bóc tách tầng lớp lịch sử của bức tường Phùng Hưng nhờ vào các tài liệu nghiên cứu.

PV: Không lẽ, bức tường bích họa Phùng Hưng do các nghệ sỹ Việt Nam sẽ chỉ có sự hoài niệm, thưa anh?

Nguyễn Thế Sơn: 7 tác phẩm của Việt Nam sẽ là những câu chuyện nghệ thuật kết nối cộng đồng, người già thì nhớ về một thời đã qua, người trẻ có động lực để tiến lên phía trước. Do vậy, hoài niệm quá khứ chỉ là một phần trong mục đích hướng tới của các nghệ sỹ. Phần hướng về tương lai với tinh thần phấn khởi, lạc quan mới cần đặt trọng. Tất nhiên, 2 mục tiêu này không tách rời nhau mà đan xen trong các tác phẩm. Do vậy, chúng tôi rất tỉ mỉ trong quá trình hoàn thiện. Đó không phải là các tác phẩm vuông chằn chặn, phóng tác từ ảnh ra tranh mà sẽ có độ nhô ra, thụt vào của các chi tiết được tô đắp, bục bệ nhưng cũng không phải sân khấu hóa.

Tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn tại phố bích họa Phùng Hưng

PV: Vậy đến khi nào, bức tường Phùng Hưng sẽ được ra mắt người xem?

Nguyễn Thế Sơn: Về phía các nghệ sỹ Việt Nam, các tác phẩm sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12-2017. Còn về phía các nghệ sỹ Hàn Quốc, các tác phẩm sẽ do quỹ UN Habitat điều tiết.

Xin cảm ơn nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn!