Sẽ còn nhiều "hiện tượng lạ" trong hầu đồng

ANTD.VN - Trước thực trạng tín ngưỡng hầu đồng đang ngày càng biến tướng, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, chính xác thì hầu đồng có từ bao giờ, hình như cho tới thời điểm này, chúng ta không còn lưu giữ nhiều thư tịch cổ nói về nghi lễ?

Hiện tại, tôi chưa thấy tài liệu nào đề cập chính xác thời điểm hầu đồng ra đời. Tuy  nhiên, trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông có kể về chuyến lai kinh của mình từ Thanh Nghệ ra và chứng kiến đám hầu đồng ở kinh thành. Chính sử không nhắc nhiều nhưng theo một số tài liệu còn lưu thì nó hình thành trong khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển ngầm trong dân gian cũng như hệ thống đền phủ. Sau này trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính có nhắc nhiều nhưng chủ yếu nói về  góc độ biến tướng.

Chúng ta vẫn nói với nhau, để tránh biến tướng cần phải khôi phục yếu tố nguyên gốc. Theo ông, thế nào là nguyên gốc?

Khái niệm “nguyên gốc” ở đây chỉ được xác định theo mốc giới tương đối của lịch sử tín ngưỡng. Như đã biết, sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nửa cuối thế kỷ 20, sinh hoạt hầu đồng cùng hệ thống đền phủ thờ tự Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng đã chính thức bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa tâm linh xã hội.

Giai đoạn này, nhiều chân đồng, cung văn kỳ cựu bỏ cuộc. Tất nhiên, vẫn có người lén lút duy trì nhưng không nhiều. Các bậc cao niên kể lại, trang phục hầu đồng xưa tương đối giản dị, áo khăn, rồi cân đai mũ miện không sặc sỡ và cầu kỳ như bây giờ. Mỗi vấn hầu cũng chỉ độ mươi giá. Con số 36 giá đồng bây giờ vẫn nói chỉ mang tính chất phiếm chỉ số nhiều… 

Ảnh: ĐOÀN KỲ THANH

Gần đây, trong một lần họp báo, các nhà quản lý văn hóa có đề cập đến chuyện thống nhất trang phục cũng như phục dựng một số chuẩn mực về vũ điệu, âm nhạc trong hầu đồng. Theo ông ý tưởng đó có khả thi?

Phải nói thật, chuyện thống nhất rất khó, lấy thời điểm nào để thống nhất? Cách đây 10 năm tín ngưỡng này khác, nhưng 20 năm trước thì còn khác đến mức ta không tưởng tượng nổi. Chúng ta chỉ có thể thống nhất trang phục trong mặt cắt hiện tại, theo hệ thống chân đồng mà các nhà quản lý, các nhà văn hóa cho là đúng. 

Hơn chục năm trước, khi tôi tiến hành điền dã, nghiên cứu đền phủ ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, hệ thống trang phục các giá đồng hiện nay có thể nói đã biến đổi nhanh đến mức chóng mặt.

Tất cả đều chịu sự chi phối của tâm lý thời trang đua tranh giữa các chân đồng. Mẫu áo xống thì na ná giống phim Trung Quốc. Ngày xưa, các cụ quy định rõ màu sắc trang phục các vai Thánh, Thiên phủ (miền trời) thì mặc áo đỏ, Nhạc phủ (miền rừng) thì mặc áo xanh lá cây, Thoải phủ (miền nước) thì mặc áo trắng, quan niệm đó thời nay cũng dần bị phá vỡ do “tâm lý thời trang” của các chân đồng. 

Trên mạng xã hội có nhiều trang về Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ hay chia sẻ những video clip về hầu đồng với hình ảnh nhố nhăng. Theo ông, nếu không có những giải pháp quản lý kịp thời thì di sản của chúng ta sẽ ngả theo chiều hướng nào?

Tôi cũng có xem các clip này và  không ngạc nhiên khi họ có những hành động chẳng giống ai ở các vấn hầu. Nhưng nếu chúng ta nhìn các giá hầu không giống ai thì bảo vớ vẩn, nhố nhăng, còn dưới góc độ người thực hành người ta tin thật thì sao? Như đã biết, hầu đồng thực chất là một cuộc trình diễn sự hóa thân lần lượt thành các vị thánh trên điện thần Tứ phủ.

Ngày 2-4, tại Khu di tích Phủ Dầy Nam Định sẽ diễn ra Lễ đón bằng UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dành cho “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Thêm một di sản Việt Nam được UNESCO vinh danh nhưng cũng thêm một nỗi lo quản lý, bởi lẽ lâu nay, tín ngưỡng dân gian này luôn tồn tại biến tướng với muôn hình vạn trạng. 

Cảm giác thăng hoa được “nhập thần - hóa thánh” trước sự cổ vũ của đám đông trên nền nhạc chầu văn dập dìu có lẽ là điều hết sức quyến rũ với các chân đồng. Trong phút chốc, chân đồng được thụ hưởng cảm giác bề trên, phán truyền, thể hiện quyền uy,ban tài phát lộc cho đám chúng sinh. Chính tâm lý ấy lý giải tại sao người ta bao giờ cũng đặt một tấm gương to dưới án thờ để chân đồng có thể tự soi gương, cảm nhận sự “hóa thánh” của mình trong mỗi giá đồng. 

Điều ông lo ngại nhất đối với di sản này là gì?

Với tôi đáng lo ngại nhất là nhạc chầu văn, hệ thống các làn điệu cổ điển như Dọc, Cờn, Luyện, Phú Nói, Phú Chênh, Phú Bình, Phú Rầu, Dồn, Dồn Đại Thạch, Kiều Dương... dần bị biến dạng. Những cung văn còn giữ được ít nhiều chuẩn mực âm luật xưa ngày càng hiếm. Điều này một phần bị chi phối bởi thị hiếu nghệ thuật của các chân đồng. Cung văn luôn phải “sáng tạo” chiều theo nhu cầu thẩm mỹ mới. Giọng hát ẻo lả, ướt át lối mới, dàn trống dân tộc cải biên kèm Cymbals đơn “chát xình chát chát bùm”, có nơi thêm cả đàn guitar điện hay ogran...

Sẽ không lạ khi thấy đây đó có vấn hầu thêm cả bài “Lòng mẹ” của Y Vân, “Đi học” của Bùi Đình Thảo, “Người Mèo ơn Đảng” của Thanh Phúc, thậm chí “Tiến quân ca” của Văn Cao để phục vụ nhảy đồng... Sự cải biên, biến dạng của hát văn thực ra đã được các cung văn lão thành cảnh báo từ hơn 10 năm trước, giờ đây đã thành hiện thực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!