Sẽ có "bảo tàng" thu nhỏ về ban nhạc Bức Tường

ANTD.VN - Hơn nửa năm kể từ ngày Rocker Trần Lập – người “thủ lĩnh” và cũng là linh hồn của Bức Tường ra đi, nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng chia sẻ anh cùng các thành viên còn lại trong ban nhạc vẫn đang nỗ lực viết tiếp những ước nguyện dang dở mà Trần Lập cùng mọi người ấp ủ.

• Không ai thay thế được Trần Lập…

 Hình hiếm hoi về MV "Tháng 12" được chia sẻ trên Fanpage của ban nhạc Bức Tường cho thấy một trong những bối cảnh quay của MV là tại Nhà hát Lớn Hà Nội

PV: Trên trang Fanpage của Bức Tường mới đây chia sẻ thông tin về món quà sinh nhật mà ban nhạc đang làm để dành tặng người “thủ lĩnh” của mình – cố nhạc sĩ Rocker Trần Lập. Nghe nói đó là một món quà âm nhạc có đúng không, thưa anh?

- Nghệ sĩ guitar Tuấn Hùng: Đúng vậy, chúng tôi đang làm món quà để tặng anh Lập vào đúng dịp sinh nhật của anh, ngày 12-12. Anh Lập đã ra đi và đây là sinh nhật đầu tiên anh không thể ở bên cạnh mọi người như trước, nhưng chúng tôi vẫn muốn làm điều gì đó để tưởng nhớ đến anh.

Và món quà lần này chính là MV ca nhạc “Tháng 12” – điều mà khi còn sống, anh Lập từng mong muốn làm mà cả nhóm chưa thực hiện được. Đây cũng sẽ là sự khởi đầu cho những dự định dang dở của anh mà cả nhóm sẽ thực hiện dần dần. Bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian kỷ niệm sinh nhật của anh, chúng tôi ấp ủ thực hiện thêm hai chương trình biểu diễn ở cả Hà Nội và TP.HCM.

PV: Trần Lập đã đi xa, vậy ai sẽ thay thế anh thể hiện những ca khúc của ban nhạc?

- Tôi nghĩ sẽ chẳng ai thay thế được vị trí của anh Lập trong ban nhạc cũng như trong lòng khán giả cả. Nhưng chúng tôi sẽ mời một số ban nhạc thân thiết của Bức Tường chơi cùng và lựa chọn một số ca sĩ khác thể hiện thay anh. Số lượng có thể không nhiều nhưng sẽ thật “chất”.

Sẽ có "bảo tàng" thu nhỏ về ban nhạc Bức Tường ảnh 2

            Guitarist Trần Tuấn Hùng cùng các thành viên còn lại trong Bức Tường sẽ cố gắng thực hiện những ước nguyện âm nhạc chung còn dang dở sau khi Trần Lập ra đi...

PV:  Anh có nhắc đến những dự định dang dở của anh Trần Lập, vậy có điều gì khác liên quan đến ban nhạc mà anh Trần Lập muốn làm nhưng chưa làm được không?

- Khi ban nhạc quay trở lại, tôi với anh Trần Lập có ngồi nói chuyện với nhau là trên thế giới có những ban nhạc 60-70 tuổi vẫn chơi nhạc, thế nên chúng ta cứ nhìn vào họ làm gương, cứ tiếp tục gắn bó như thế này, chơi cho đến khi nào cảm giác không đủ sức nữa thì mới dừng.

Có một ấp ủ khác mà đến những ngày cuối đời của anh Lập, chúng tôi vẫn nói với nhau nhiều nhất, đó là sau này về già sẽ làm một không gian lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh và âm nhạc của Bức Tường từ ngày đầu mới thành lập, giống như một “bảo tàng” thu nhỏ.

Ở đó sẽ có từ cây đàn guitar đầu tiên trường Đại học Xây dựng sắm để tuyển ban nhạc cho trường, rồi cây đàn đầu tiên chúng tôi đi xe máy gần 200 cây số xuống Hải Phòng để mua, cả những bản nhạc chép tay từ năm 96. Sau khi anh Lập ra đi, tôi và các thành viên trong ban nhạc đã lên kế hoạch sẽ xây dựng “bảo tàng” này sớm hơn, có thể sang đầu năm sau.

PV: Vậy ban nhạc định xây dựng không gian trưng bày này trong một thời gian hay tồn tại về lâu về dài?

- Chúng tôi mong muốn đó giống như bảo tàng tư nhân và sẽ tồn tại mãi chứ không chỉ trong một vài tháng. Tuy nhiên để làm được điều này thì cần phải có kinh phí. Vì thế các thành viên đã tính đến phương án có thể xây dựng không gian trưng bày kết hợp với mô hình quán cà phê chẳng hạn. Mọi người có thể đến đó trò chuyện giao lưu, thậm chí tìm hiểu về cách thức thành lập một ban nhạc và cả các loại nhạc cụ. Việc này nhận được sự ủng hộ của gia đình và thành viên ban nhạc các thời kỳ nên chắc chắn “1995/Buctuong Story” sẽ sớm ra đời.

• Nỗi mất mát không gì bù đắp nổi…

Sẽ có "bảo tàng" thu nhỏ về ban nhạc Bức Tường ảnh 3

Trong những tháng ngày cuối cùng chiến đấu với bệnh tật, Trần Lập chia sẻ vợ anh mới thực sự là một chiến binh...

PV: Còn về cuộc sống riêng, trước khi qua đời, anh Trần Lập có nhắn gửi lại tâm nguyện gì với anh hay các thành viên khác trong Bức Tường không?

- Đến tận khi mất, anh Lập vẫn không nói về chuyện ra đi một lần nào. Nhất là những giai đoạn về sau, anh ấy không hề có suy nghĩ rằng mình sẽ ra đi mà chỉ nghĩ đến việc sẽ sửa nhà sửa cửa thế nào, rồi làm những gì trong tương lai sau này. Trước khi qua đời khoảng 1 tháng, anh Lập vẫn bàn với tôi về việc dự định sửa chữa lại ngôi nhà mà gia đình mình đang ở để vợ con có chỗ ở đàng hoàng hơn. Ngôi nhà đó lâu năm rồi không sửa sang gì. Nhưng về sau, sức khỏe yếu dần, anh cũng không nhắc đến chuyện đó nữa, lúc đó cảm giác như chỉ việc nói ra thôi cũng là cả một sự khó khăn với anh rồi.

PV: Là người em thân thiết với Trần Lập, anh cảm nhận thế nào về tình cảm mà anh Lập dành cho gia đình?

- Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm này, đó là năm 2013 khi tôi và anh Lập sang bên Hàn Quốc. Hai anh em sang đó vào đúng ngày tuyết rơi đầu tiên ở thành phố Seoul. Buổi tôi hôm đó đi bộ trên đường giữa cảnh tuyết bay bay, ngang qua những con phố nhỏ có trang trí ông già Noel đứng ngoài cửa, bên trong ánh lửa bập bùng, rồi cả những điệu nhạc mừng Giáng Sinh vang lên… Lúc ấy anh Lập có quay sang nói với tôi là “thế này phải có vợ hay bạn gái đi cùng mới hợp lý chứ hai thằng đàn ông đi với nhau phí quá” (cười).

 Một trong những nguyện vọng của Trần Lập trước khi qua đời là sửa sang lại nhà cho vợ con

PV: Anh nghĩ vợ anh Trần Lập đến thời điểm này đã phần nào vượt qua “cú sốc” trước sự ra đi đột ngột của chồng mình chưa?

- Tôi nghĩ là chị Hoa chưa vượt qua được “cú sốc” đó. Tôi và các anh em chơi cùng trong nhóm vẫn thỉnh thoảng qua nhà hỏi thăm và trao đổi với chị. Chúng tôi có một nhóm anh em bạn bè thân thiết vẫn kết nối với gia đình anh Lập để khi có bất cứ vấn đề gì đều có thể nắm được thông tin ngay.

PV: Điều gì khiến anh nghĩ vậy?

- Tôi có thể nhận ra điều đó qua cách tiếp xúc nói chuyện với chị Hoa và cả cách chị thể hiện với mọi người cả khi không nói chuyện trực tiếp với chị. Các nội dung mà chị Hoa đăng trên trang Facebook cá nhân hoặc những dòng “comment” (bình luận) trên “status” (trạng thái) của những người bạn khác, đa phần vẫn nói về nỗi nhớ dành cho Lập. Tôi nghĩ không dễ gì có thể vượt qua được nỗi mất mát quá lớn này. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu và rất cảm thông với chị.

PV: Anh có thể chia sẻ thêm những gì anh biết về cuộc sống hiện giờ của gia đình anh Trần Lập từ sau khi anh ấy qua đời không?

- Ngôi nhà của anh Lập vẫn vậy, không thay đổi gì. Vừa rồi chúng tôi định qua nhà anh Lập để thực hiện một cảnh quay trên phòng của anh cho MV “Tháng 12” nhưng lại thôi. Thật sự chị Hoa cũng muốn giữ nguyên trạng mọi thứ trong căn phòng ấy, như khi anh Lập ra đi thế nào thì vẫn để nguyên thế. Nếu chúng tôi vào quay, người ra người vào, lại phải có sự thay đổi sắp xếp để cho phù hợp với cách dựng thì e rằng mọi thứ sẽ bị xáo trộn. Anh Lập chưa qua giỗ đầu nên tôi hiểu thật lòng chị Hoa cũng không muốn ai động vào những thứ của anh Lập.

PV: Vậy còn hai người con của anh Trần Lập thì sao, anh thấy các cháu đã ổn định tâm lý hơn chưa?

- Bọn trẻ còn rất nhỏ, nhưng rõ ràng sự ra đi và thiếu vắng anh Lập trong căn nhà cũng là nỗi mất mát quá lớn. Tôi nghĩ tâm trạng của các cháu cũng sẽ bị ảnh hưởng, hiện giờ các cháu cũng chưa vui vẻ lại ngay được, nhưng tôi tin là hai con sẽ vững vàng như bố và mẹ mình. Về tình hình của các cháu thì tôi chỉ có thể hỏi thăm và trao đổi với chị Hoa vì thú thực để nói chuyện và được các cháu chia sẻ cũng hơi khó.

• Dừng lại là một phần lịch sử tất yếu của Bức Tường…

Sẽ có "bảo tàng" thu nhỏ về ban nhạc Bức Tường ảnh 5

PV: Trở lại với thời điểm ban nhạc Bức Tường đưa ra quyết định tan rã, khi ấy có người nói lý do chia tay là bởi mỗi người đều chọn cho mình hướng đi khác, nhưng cũng có người bảo là vì ban nhạc đã chạm tới ngưỡng thành công nào đấy rồi và muốn dừng lại cho an toàn. Nếu nói lại, anh có thể nói gì về việc này?

- Lý do căn bản là bởi chúng tôi đã quá mệt mỏi khi cảm thấy mình đã thiếu sức sáng tạo và không muốn tiếp tục làm, tiếp tục chơi trong tình trạng rệu rã như vậy. Tất nhiên phía sau đó cũng có những lý do khác nữa nhưng hiện tại tôi cũng chưa muốn nói nhiều về vấn đề này nên tạm thời, có lẽ mọi người chỉ cần biết đến lý do đó thôi.

PV: Nếu quay lại khi đó, anh có nghĩ mình sẽ thuyết phục mọi người trong ban nhạc tiếp tục không?

- Không, tôi nghĩ chẳng có gì tiếc cả vì mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của nó. Tôi tin vào số phận. Việc dừng lại là một phần lịch sử của Bức Tường. Thời điểm đó nếu chúng tôi tiếp tục chơi mà không dừng lại thì có thể sự tàn lụi sẽ diễn ra ngay sau đó mà không bao giờ quay trở lại với nhau nữa. Vì vậy dừng lại là điều kiện bắt buộc và cần thiết để sau này ban nhạc quay trở lại mạnh mẽ hơn.

PV: Liệu việc thời đó cát-sê không đủ nuôi sống đam mê âm nhạc có phải là một trong những nguyên nhân khiến các thành viên Bức Tường lần lượt khăn gói ra đi?

-  Cũng đúng chứ, thật ra không phải thời điểm đó mà đến tận bây giờ vẫn thế, chỉ có âm nhạc phục vụ cho thị trường, thị hiếu số đông thì mới sống tốt sống khỏe được, còn các thể loại âm nhạc kén người nghe hơn như nhạc bác học hay Rock thì vẫn trong tình trạng: người đi xem muốn được xem miễn phí hoặc giá vé phải thật rẻ. Đó là chuyện muôn đời. Các nhà tài trợ cũng đâu thể bỏ tiền ra đầu tư vào chỗ mà họ thấy khó có khả năng đem lại món hời cho mình được. Bởi vậy mà Rock Việt tới giờ vẫn không nuôi được những người đam mê nó.

PV: Dù sao thì các thành viên trong Bức Tường vẫn có “đường lùi” đảm bảo cuộc sống cho mình sau khi tan rã?

- Thật ra chơi nhạc Rock ở Việt Nam đa phần là những người chơi dựa trên sự ham mê đặc biệt, xuất phát từ dân chơi nhạc không chuyên, tức là không được học hành đào tạo bài bản trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp. Vì thế thường thì dân chơi Rock chúng tôi có sẵn nền tảng văn hóa và kiến thức để bên cạnh việc chơi nhạc vẫn có thể sống bắng nghề khác. Tôi nghĩ đó không phải đường lùi mà là đường tiến mới phải (cười). Như các thành viên trong ban nhạc Bức Tường, chúng tôi đi làm cả ngày nhưng vẫn có thể dành buổi tối để tập nhạc, làm đĩa hay đi diễn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh!