Sau trào lưu "Bà Tân Vlog", cộng đồng mạng sẽ xem gì?

ANTD.VN -  Gần đây, trên Youtube liên tục xuất hiện các tài khoản do các "lão nông" cả đời không biết đến công nghệ  nhưng lại liên tục gây "bão mạng" với lượng truy cập lên tới con số cả triệu người. Trước hiện tượng này, các chuyên gia đều cho rằng, "cơn bão mạng" sẽ nhanh chóng tan đi khi mà sự hiếu kỳ và tò mò đã được thỏa mãn. 

Suốt thời gian qua, bà Tân Vlog trở thành từ khóa hot nhất trên mạng xã hội. Chỉ chính thức đăng tải clip từ đầu tháng 5/2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, kênh Youtube này đã có hơn 2,1 triệu người theo dõi. Chủ nhân của kênh là bà Nguyễn Thị Tân, 58 tuổi, ngụ tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Vốn là nông dân chân lấm tay bùn, bà Tân trở thành hiện tượng khi thực hiện những clip nấu ăn với các món ăn "siêu khổng lồ" như: Cốc trà sữa khổng lồ, nồi lẩu siêu cay khổng lồ, đĩa cơm sườn siêu cay khổng lồ… Đứng sau hỗ trợ bà Tân thực hiện quay và dựng video chính là con trai bà - Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992), cũng là một Youtuber sở hữu kênh Hưng Vlog được yêu thích.

Bà Tân Vlog, người tạo nên cơn "bão mạng" thời gian vừa qua

Với sự thành công quá nhanh của hiện tượng Bà Tân Vlog, hàng loạt kênh YouTube theo mô tuýp "bà già" làm Vlog liên tục ra đời và bắt đầu hoạt động. Hầu hết nội dung chính của những kênh này đều xoay quanh việc các bà nấu những món ăn để thu hút người xem.

Đây cũng là công thức quen thuộc tạo nên sự thành công cho Bà Tân Vlog. Dạo quanh một vòng Youtube, không khó để bắt gặp các kênh Vlog của các “ông bà” đã ngoài cái tuổi tứ tuần, có thể kể đến một số cái tên như: Bà Sáu TV, Bà Vân Vlog, Bà Tám Vlog, Bà Đường Vlog… Thậm chí, cánh đàn ông cũng không nằm ngoài cuộc đua khi chỉ sau một đêm cũng đã xuất hiện thêm kênh Ông 3 Vlog với tuyên bố chắc nịch là có khả năng làm Vlog hấp dẫn không thua kém gì các bà. 

Được biết, Ông 3 Vlog tên thật là Đỗ Văn Ba, 73 tuổi, hiện đang sống tại Thái Nguyên. Ông 3 Vlog cho biết, việc ông bắt đầu làm video là vì "ông già rồi, không thể đi cày cuốc lao động nữa nhưng không muốn ngồi chơi. Ông muốn đem niềm vui, giúp ích cho con cháu".

Theo công thức của Bà Tân Vlog, ông Ba vẫn sẽ thực hiện những món ăn khổng lồ để thu hút người xem. Trong video đầu tiên, người đàn ông 73 tuổi làm thau hoa quả dầm siêu to. Cách làm cũng rất đơn giản, tuy nhiên, với công thức món ăn khổng lồ vốn đang được cư dân mạng quan tâm, cách nói chuyện mộc mạc cộng với lời "tuyên bố" mạnh miệng, kênh YouTube của ông Ba đang nhận về những phản hồi khá tốt từ cộng đồng mạng.

Ông 3 Vlog với các clip hướng dẫn nấu các món ăn siêu to

Điểm chung của các clip do các "lão nông" thực hiện là nội dung khá đơn giản, chủ yếu xoay quanh chủ đề ẩm thực và gây chú ý bởi các món ăn theo quy mô khổng lồ. Ví dụ như nướng 200 cái xúc xích, cốc trà sữa 60 lít, thau hoa quả dầm… Nhiều video nhanh chóng đạt được hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày. Đây là quãng thời gian rất ngắn, thậm chí vượt trội so với nhiều MV ca nhạc được đầu tư cả tỉ đồng.

Trước sự bất thường ở các clip rất đỗi bình thường, các nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng, các clip này đều hướng tới đối tượng là giới trẻ và sức hút từ các clip ấy lại đến từ chính sự giản dị, mộc mạc. Dù các món ăn thực hiện không có gì cao siêu, khó thực hiện nhưng chất giọng địa phương, trang phục, gương mặt của nhân vật không cầu kỳ, không trang điểm hóa ra lại là điểm cộng trong mắt người xem. 

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, đằng sau hiện tượng này rất cần các nhà nghiên cứu, các nhà xã hội học chỉ ra bản chất của vấn đề. Tại sao trong đời sống có nhiều vấn đề dân sinh đáng quan tâm lại không nhận được sự chú ý, dõi theo của người trẻ. Nhưng chỉ vài clip giải trí, với nội dung không có gì đặc biệt lại nhận được lượng truy cập, chia sẻ và like cao đến như vậy. 

"Giới trẻ giờ đang thiếu sân chơi nên họ có nhu cầu đi tìm sự khác thường. Ở đâu xuất hiện cái lạ là họ có mặt. Nhưng khi được thỏa mãn sự tò mò và hiếu kỳ, họ sẽ nhanh chóng đi tìm cái lạ khác. Vì vậy, những cách làm clip như các ông bà Vlog đang thực hiện sẽ nhanh chóng chìm xuồng, để nhường chỗ cho những clip khác hấp dẫn hơn". 

Tài khoản Bà Vân Vlog thực hiện món chè siêu to, khổng lồ

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện đại đã cho phép mọi người đều có thể làm báo, đưa các tin tức đơn giản lên mạng xã hội. Đồng thời ai cũng có thể làm Vlog (video blog). Ở đây sẽ xảy ra hiện tượng, không phải cứ làm clip một cách chuyên nghiệp, thuần thục mới nhận được lượng truy cập cao, mà nhiều khi những "món ăn" hồn nhiên, quê mùa lại rất "đắt khách". 

Dù biết rằng, không phải các "lão nông" là người thực hiện các clip đó mà đằng sau họ là một ê kíp thông thạo về công nghệ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Vịnh, giá trị thông tin trong các clip hướng dẫn làm các món ăn siêu to, siêu khổng lồ không nhiều vẫn hút khách là do người thực hiện đã đánh vào thị hiếu tò mò và hiếu kỳ của người xem. 

Tuy nhiên, cũng giống như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vịnh cũng dự đoán, xu hướng những cô cậu đứng đằng sau các ông bố, bà mẹ để chủ trương làm những clip độc đáo, khác thường như thế này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh, nhưng không có tính bền vững.

Những cơn "bão mạng" càn quét trên cộng đồng mạng ấy rồi cũng sẽ suy giảm sức mạnh và tan biến cùng thời gian. Những gì tươi mới sẽ luôn hấp dẫn cư dân mạng và điều đó khiến cho cái mới được ra đời và buộc những nhà làm Vlog phải đầu tư nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn. Và suy cho cùng, các tài khoản này được mở ra trên Youtube còn nhằm mục đích kiếm tiền nhờ vào lượng truy cập tăng cao đột biến. Do vậy, Bà Tân Vlog hay Bà Vân Vlog, Bà Tám Vlog... sẽ không thể nấu mãi các món siêu to, khổng lồ mà buộc phải thay đổi, để chiều lòng khán giả.