Sau “Luật đời và cha con” là “Lửa đắng”

(ANTĐ) - “Lửa đắng”, tiểu thuyết luận đề được coi như là phần 2 tiếp nối “Luật đời và cha con” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã được hiện diện hơn một tháng qua. Song để ra đời, tập bản thảo đã phải long đong, lận đận một năm rưỡi từ Bắc vào Nam, gõ cửa 7 NXB nhưng  đều bị từ chối. Phải đến khi gặp được nhà văn Trần Dũng, lúc ấy là quyền Giám đốc NXB Lao động, “Lửa đắng” mới thực sự có người đỡ đầu.

Sau “Luật đời và cha con” là “Lửa đắng”

(ANTĐ) - “Lửa đắng”, tiểu thuyết luận đề được coi như là phần 2 tiếp nối “Luật đời và cha con” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã được hiện diện hơn một tháng qua. Song để ra đời, tập bản thảo đã phải long đong, lận đận một năm rưỡi từ Bắc vào Nam, gõ cửa 7 NXB nhưng  đều bị từ chối. Phải đến khi gặp được nhà văn Trần Dũng, lúc ấy là quyền Giám đốc NXB Lao động, “Lửa đắng” mới thực sự có người đỡ đầu.

Điều đó có thể minh chứng cho những áp lực mà cuốn sách và tác giả phải vượt qua để vì một mục đích cuối cùng, đáp ứng được  yêu cầu bức thiết của cuộc sống và bạn đọc.

Có lẽ đã lâu lắm rồi mới có một tác phẩm văn học không đứng ngoài cuộc mà đi thẳng vào những vấn đề hệ trọng nhất của ngày hôm nay, ở ngay dòng chảy chính của hiện thực và thể hiện được thái độ trực diện của nhà văn.

Đây cũng là lần đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam, “hé mở tấm màn của chủ nghĩa sơ lược để tiếp cận với lớp người vẫn thường được gọi là “quan” trong xã hội với tấm chân dung chân thực của nó” (Vũ Duy Thông), một nhóm nhân vật gồm những người ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta...

Và “Lửa đắng”, tên tác phẩm chính là ngọn lửa chính trị cần thiết ở mỗi người lãnh đạo, có thể thắp sáng người này, sưởi ấm người kia, hoặc thiêu cháy những kẻ khác. Ngọn lửa ấy là thuốc đắng, là liều kháng sinh đặc trị những căn bệnh xã hội trầm kha, tưởng như không thuốc nào chữa khỏi.

Nhưng “Lửa đắng” sẽ chỉ làm đắng lưỡi khi mới đọc, còn khi ngẫm kỹ ta sẽ thấy nó ngọt lòng vô cùng. Được biết, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có đề nghị được chuyển thể tác phẩm thành một bộ phim truyện nhựa.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Tốt nghiệp khoa Văn, trường ĐHSP Hà Nội năm 1962, Bắc Sơn trở thành thầy giáo dạy văn 10 năm liền. Năm 1972, ông gia nhập quân ngũ, khi đất nước giải phóng, ông lại trở về với bục giảng.

Từ năm 1982-1992,  ông giữ chức Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An. Nhiều lần được đề bạt lên làm hiệu trưởng nhưng ông từ chối, rồi háo hức khi được mời về làm Trưởng phòng quản lý báo chí, xuất bản, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.

Bởi chỉ ở đây, ông mới có thể rời thế giới mô phạm để thực sự được cọ xát với đời sống, có thời gian để suy ngẫm. Cũng trong khoảng thời gian này, hàng loạt bút ký và truyện ngắn như “Hoa lộc vừng”, “Hồng Hà ơi”, “Thực hư”, “Quyền không được yêu”... được ra đời.

Nhưng Bắc Sơn vẫn là cái tên mờ nhạt, không có dấu ấn gì nhiều trên văn đàn. Phải đến khi tiểu thuyết “Luật đời và cha con” cùng với series phim truyền hình “Luật đời” phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam, được bình chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2007, ông mới thực sự được bạn đọc chú ý.

Hôm nay, ông vẫn lặng lẽ “ẩn mình” trong căn phòng cổ kính, đậm chất văn chương với những bức tranh tự chụp, những pho tượng đá huyền thoại trong một con ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân. Thi thoảng ông cũng tham gia những chuyến đi.

Tuy nhiên, nếu trước đây, sau mỗi chuyến đi bao giờ cũng có những sản phẩm bút ký mang tên Nguyễn Bắc Sơn thì giờ đây, ông bảo “đi để làm mới mình, làm mới cảm xúc, tích lũy vốn sống”. Và “Lửa đắng” cũng là những cảm xúc được thai nghén sau rất nhiều chuyến đi ấy.    

Huyền Khánh