Sau "cơn sốt" "Tru tiên" là "Thất dạ tuyết"

(ANTĐ) - Năm trước, bộ truyện kiếm hiệp "Tru Tiên" (Tiêu Đỉnh) đến với độc giả Việt Nam vừa lạ lẫm vừa khấp khởi. Bộ truyện đã khiến nhiều người say mê dòng văn học kiếm hiệp được thỏa lòng. Và bây giờ là sự xuất hiện của "Thất dạ tuyết".

Sau "cơn sốt" "Tru tiên" là "Thất dạ tuyết"

(ANTĐ) - Năm trước, bộ truyện kiếm hiệp "Tru Tiên" (Tiêu Đỉnh) đến với độc giả Việt Nam vừa lạ lẫm vừa khấp khởi. Bộ truyện đã khiến nhiều người say mê dòng văn học kiếm hiệp được thỏa lòng. Và bây giờ là sự xuất hiện của "Thất dạ tuyết".

Thường chỉ ở các tác phẩm võ hiệp kinh điển như Xạ điêu anh hùng truyện của Kim Dung, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm của Cổ Long hay Nghịch thủy hàn của Ôn Thụy An người ta mới cảm nhận được sức mạnh của câu chuyện và vẻ đẹp mỹ lệ của văn học Hoa ngữ. Nhưng với Thất Dạ Tuyết, Thương Nguyệt cũng đã làm được điều đó.

Thất dạ tuyết. Câu chuyện về 7 đêm tuyết đổ, giữa ba người ưu tú. Đó là Hoắc Triển Bạch, kẻ ưu tú nhất trong Thất Kiếm của Đỉnh Kiếm các, tài mạo hơn người, khuân mặt anh tuấn nhưng lòng lại ôm mối day dứt khôn nguôi. Ròng rã 8 năm đã vào sinh ra tử, đi cuối đất cùng trời, tắm mình trong bạt ngàn biển máu để mong tìm thuốc cứu chữa đứa hài nhi do người đàn bà đã phụ bạc gã sinh ra. Họ Hoắc bao lần chết đi rồi sống lại, cũng nhờ ơn vị cốc chủ kỳ lạ của Dược Sư cốc có tên Tiết Tử Dạ.

Và nữ nhân áo tím được mệnh danh là thần y, mỗi năm chỉ phát ra có mười tấm Hồi Thiên lệnh, chỉ nhận chữa bệnh cho mười người, mà mỗi lần chữa bệnh thu tới mười vạn lạng bạc. Vị đại thần y ấy chỉ nhận chữa trị tại cốc, chứ tuyệt nhiên không chịu chuyển thân trị bệnh bên ngoài cho bất kỳ ai. Chỉ có một vài lần người phá lệ, chữa trị cho một vài người, ấy là chỉ vì người ấy “có gương mặt anh tuấn hoặc coi được”. Tiết Tử Dạ lạnh lùng, đôi khi dữ dội và sắc buốt như băng tuyết là thế, nhưng đêm đêm bọn nô tì không khỏi trạnh lòng khi thấy cốc chủ quỳ bên hồ băng trò truyện với thi hài một thiếu niên được quàn dưới đáy hồ. Nỗi đau bị tuyệt diệt cả gia tộc đêm đêm sống lại.

Đó là Đồng, Sát thủ thần bí đứng hàng đầu trong Ma giáo Đại Quang Minh cung, hay đứa trẻ kỳ lạ của nhiều năm trước đã bị xóa sạch ký ức. Sát thủ ấy biết rõ trước mặt là người thân duy nhất, biết rõ rằng người ấy tận tâm tận lực cứu mình ra khỏi tử cảnh, vậy mà vẫn không ngần ngại lừa gạt và muốn lấy đi tính mạng của vị ân nhân.

Ba con người ấy đã gặp gỡ và được kết nối trong 7 đêm tuyết đổ, hay 7 đêm lòng người nổi sóng, những giấc mộng dai dẳng đã đến lúc giã từ, những lầm tưởng đã đến ngày tỉnh ngộ, oán cần trả và ân cần báo. Nhưng để đến được cái đích ngỡ như giản đơn ấy là vạn trùng ngăn trở cần vượt qua, không chỉ dừng lại ở núi xương sông máu…

Được coi là một trong những tác phẩm quan trọng đánh dấu bước trưởng thành trong phong cách của tác giả, Thất Dạ Tuyết trong 10 ngày đầu ra mắt tại Trung Quốc đã bán hơn 80.000 bản - hiện tượng ít thấy sau thời đại của các tôn sư Kim, Cổ, Huỳnh, Lương, Ôn.

Thương Nguyệt sinh năm 1979, người tỉnh Triết Giang (TQ). Sáng tác của Thương Nguyệt cuốn người đọc đi bởi tài kể chuyện duyên dáng cùng tình ý thâm sâu nhưng không hề kém đi cái hào khí võ lâm giang hồ vốn là nét đặc trưng trong trong tiểu thuyết võ hiệp. Thương Nguyệt đã tỏ bày: “Những tác phẩm tôi viết thời trẻ quá bộc lộ, đầy rẫy những nỗi đau xoáy vào tận xương tận cốt, xưa nay chưa từng có hai chữ “thỏa hiệp” bao giờ. Vì vậy nhân vật nào cũng đều kiêu ngạo, quyết liệt, không thể sở hữu hoàn toàn thì liền hủy diệt một cách triệt để, tuyệt đối không có khoảng trống để xoay chuyển - chẳng hạn như Thính Tuyết Lâu hay Ảo Thế vậy. Nhưng chủ đề của Thất Dạ Tuyết lại là thỏa hiệp và từ bỏ. Mỗi nhân vật đều phải lội qua dòng sông quá khứ, mang trên lưng những gánh nặng ký ức khác nhau, số mệnh của họ đan xen quấn quýt, khó thể tách rời, nhưng đến cuối cùng lại có thể từ bỏ lẫn nhau, giải thoát cho nhau.”

Phú Duy