"Sắt son một niềm tin": Lời tri ân tới thế hệ cha anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều ngày 10/7, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò kết hợp với Đoàn Thanh niên thuộc Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử với tên gọi "Sắt son một niềm tin". Chương trình có ý nghĩa nhằm nhắc nhớ về lịch sử cho thế hệ trẻ TAND nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung.

Chương trình hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), 75 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân tối cao.

Tham dự buổi tọa đàm có nhân chứng lịch sử là ông Dương Tự Minh – Phó trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Về phía TAND tối cao có bà Lương Ngọc Trâm, Ủy biên Ban thường vụ Đảng ủy, Thẩm phán TAND tối cao cùng các đoàn viên thanh niên của TAND tối cao.

Tại buổi giao lưu, các đoàn viên thanh niên được lắng nghe những câu chuyện xúc động về những năm tháng cách mạng hào hùng của thế hệ cha anh và hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập đang có.

Ông Dương Tự Minh (ở giữa) xúc động kể lại thời gian ông tham gia cách mạng

Ông Dương Tự Minh, người từng bị hai lần thực dân Pháp bắt giam và tù đày. Lần một khi tham gia cuộc tổng bãi khóa của học sinh – sinh viên, ông bị địch phát hiện và bắt, đưa về Sở Mật thám, hành hạ dã man, buộc những người bị bắt ký cam kết không được phép tổ chức các cuộc nổi dậy. Lần thứ hai, ông bị địch bắt vào Nhà tù Hỏa Lò cùng với 3 đồng chí với tội danh in ấn, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng.

Những ngày tháng trong tù, ông Dương Tự Minh đã trải qua sự đối xử tàn ác của cai ngục, đặc biệt khi những tù chính trị như ông sẽ bị liệt vào danh sách nguy hiểm ngày đêm bị cùm chân, đánh đập. Nhưng với tinh thần cách mạng bất khuất và ý chí kiên cường, ông cùng đồng đội tiếp tục bí mật tổ chức sinh hoạt các Chi bộ Đảng và truyền bá tư tưởng yêu nước, khi ra tù ông tiếp tục tham gia vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi

Cũng sống trong năm tháng chiến tranh ác liệt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh từng bị địch bắt vào Nhà tù Hỏa Lò năm 17 tuổi, do tội treo cờ Tổ quốc. Thế nhưng không chịu ách kìm kẹp, ông đã cùng đồng đội trốn ngục hai lần và cũng là người sau này tham gia vào cuộc chiếm lại Nhà tù Hỏa Lò (10/1954).

“Ký ức về thời gian bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò không thể phai mờ trong ký ức của tôi. Chúng tôi bị tra tấn đến ốm đau liên miên, một tháng cho ăn một bữa no duy nhất, mỗi tù nhân chỉ được dung 6 ca nước để tắm, gây bệnh hắc lào cho nhiều chiến sĩ. Mục đích của chúng làm vậy để mài mòn ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Nhưng chúng chưa hiểu hết được bản lĩnh của chúng tôi”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh xúc động hồi tưởng.

Anh Nguyễn Đức Thường – Đảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Tòa án nhân dân tối cao 

Lắng nghe những câu chuyện sống động được kể từ chính những nhân chứng lịch sử trải qua tù đày, các đại biểu tham dự bày tỏ sự xúc động, niềm tự hào về lịch sử dân tộc và tấm lòng tri ân sâu sắc tới thế hệ cha anh.

“Chúng tôi cảm thấy rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa. Những khó khăn vất vả hiện nay của chúng tôi so với những hi sinh của những chiến sĩ cách mạng còn quá nhỏ bé. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Tòa án nhân dân tối cao hứa sẽ cùng nhau lan tỏa tinh thần này, xây dựng đất nước phát triển hơn”, anh Nguyễn Đức Thường – Đảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Tòa án nhân dân tối cao chia sẻ.

Ông Đặng Văn Biểu – Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù cho biết, buổi tọa đàm được tổ chức là hoạt động thường niên kỷ niệm ngày 27/7, để những đoàn viên thanh niên nhớ về cội nguồn, thắp những ngọn nến tri ân đến các anh hùng liệt sĩ đã không ngại hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, đem lại nền hòa bình cho các thế hệ sau.

“Trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù sẽ có hướng đi mới như tổ chức “Đêm thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt” nhằm khích lệ động viên thế hệ trẻ tham quan trải nghiệm, tìm hiểu ý nghĩa thiêng liêng về tình yêu thời chiến, tình đồng đội, tình mẫu tử đằng sau mỗi câu chuyên lịch sử, qua đó bồi đắp lòng biết ơn hơn đối với thế hệ đi trước”, ông Đặng Văn Biểu cho biết thêm.

Kết thúc buổi tọa đàm, bà Lương Ngọc Trâm, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đại diện đoàn đại biểu của TAND tối cao bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thân nhân các liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Chương trình là hoạt động ý nghĩa để các đoàn viên thanh niên hiểu biết thêm hành trình lịch sử của dân tộc, từ đó càng hiểu hơn về ý nghĩa của ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.