Sao Mai 2011: Nỗi lo... “thất sủng”!

ANTĐ - Đêm thi cuối cùng của “Sao Mai 2011” khép lại, nhiều người thở phào vì ít ra kết quả cũng không đến nỗi làm người xem phải giật mình đến “phát sốt” như các vòng thi trước, song cũng không vì thế mà hết ngán ngẩm trước những “hạt sạn” không đáng có trong suốt chặng đi của sân chơi âm nhạc uy tín này.

Trung Quân và Thiều Bảo Trang  - 2 thí sinh đoạt giải triển vọng


“Chết” vì... cái mới!

Cộng thêm điểm cho thí sinh nhận được nhiều tin nhắn bình chọn nhất từ khán giả trong mỗi đêm thi là nét mới của Sao Mai năm nay. Song cũng chính nét mới này đã làm nhiều giọng ca chưa thuyết phục “lách“ qua được cánh cửa hẹp, đường hoàng tiến sâu vào vòng trong khiến người xem ngỡ ngàng.

Đồng nghĩa với việc này, đã có những giọng ca đẹp phải chia tay với cuộc chơi trong sự ngỡ ngàng và nuối tiếc của không ít người. Trong đó, gây tranh cãi nhất phải kể đến trường hợp của nữ thí sinh ở dòng nhạc thính phòng Nguyễn Khánh Ly. Ngay từ vòng sơ loại, cô gái Bắc Giang này đã gây ồn ào với việc là thí sinh duy nhất có cả một đội cổ động viên hùng hậu theo sau giăng băng rôn, hình ảnh và hô tên từ ngoài tiền sảnh đến tận trong sân khấu.

Điều này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu màn trình diễn Khánh Ly chinh phục được cả hội đồng chấm chọn lẫn người nghe. Đằng này ngược lại, phần tranh tài của cô bị xem là thiếu ấn tượng và kém nhất trong số các ứng viên ở dòng nhạc thính phòng, nhưng nhờ nhận được sự bình chọn áp đảo của khán giả, Khánh Ly được cộng điểm và nghiễm nhiên lọt vào vòng chung kết toàn quốc, rồi đêm chung kết xếp hạng cuối cùng. Tất nhiên, cơ hội này đến với Khánh Ly đồng nghĩa với cơ hội của người khác sẽ bị tước đi.

Tương tự như thế, thí sinh Nguyễn Thị Bích Hồng ở dòng nhạc dân gian dù hát chưa thuyết phục song vẫn lọt vào Top 3 toàn quốc nhờ điểm cộng may mắn từ việc nhận được nhiều tin nhắn bình chọn của khán giả. Trong khi nhiều khán giả la ó rằng họ nhắn tin trong thời gian cho phép của đêm thi nhưng tin nhắn bị trả lại, còn rất nhiều thí sinh lên tiếng bày tỏ bức xúc khi người thân của họ đành phải “lực bất lòng tâm”.

Đáng tiếc nhất trong số này là giọng ca “tay ngang” Nguyễn Văn Thế. Anh chàng nhân viên dầu khí Vũng Tàu gây ấn tượng mạnh với giọng hát dày dặn và kỹ thuật không kém gì dân nhạc chuyên nghiệp nhưng chỉ vì “lép vế” về số lượng tin nhắn mà đành phải ngậm ngùi ra đi. Cũng từ đó mà dấy lên dư luận không hay về tính minh bạch của việc bình chọn này. Người ta rỉ tai nhau về việc thí sinh này bỏ tiền ra thuê người đi cổ vũ, thí sinh nọ mua sim điện thoại phát miễn phí để mọi người nhắn “tẹt ga” ủng hộ mình.

Chưa rõ thực hư ra sao, thí sinh được lợi thế nào, nhưng Sao Mai bị la ó và “thất sủng” là điều có thật. Có lẽ cũng bởi nhận ra điều này mà sát đêm thi xếp hạng, Ban tổ chức đã phải “sửa sai” bằng cách điều chỉnh quy chế mới, quy việc cộng điểm sang... thưởng tiền mặt cho thí sinh được bình chọn nhiều nhất. Tiếc là không cứu vãn được lòng tin nơi khán giả.

Nhan nhản sự cố

Đây cũng là năm mà sân chơi Sao Mai diễn ra vào thời điểm sớm hơn so với thông lệ hàng năm nhưng lại lên sóng... muộn chưa từng thấy khi phải lùi sóng từ 20h sang 21h vì “đụng” phải chương trình “Đồ Rê Mí”. Dù đã phải cắt bớt phần bình luận sau cánh gà nhưng các đêm thi vẫn kéo dài lê thê đến tận khuya. Đỉnh điểm của sự lê thê này phải kể đến đêm chung kết khu vực phía Nam diễn ra tại TP.HCM khi các sự cố về kỹ thuật âm thanh khiến thí sinh phải vất vả hát đi hát lại vài lần mới hoàn thành phần thi của mình và đêm thi này trở thành đêm diễn có độ dài kỷ lục trong lịch sử các lần tổ chức Sao Mai với việc chỉ khép lại khi kim đồng hồ chỉ sang ngày mới vài chục phút.

Đó là chưa kể các đêm thi của Sao Mai, đêm nào cũng nhan nhản sự cố, không gây “sốc” vì giải bình chọn của khán giả thì cũng làm người xem choáng váng vì ban nhạc chơi sai tông, thí sinh vừa hát vừa “đuổi” theo ban nhạc, âm thanh đang phát thì... tắc tịt. Nhất là việc để một thí sinh “cướp” micro bày tỏ bức xúc với ban nhạc ngay trên sân khấu đêm thi khiến dư luận xôn xao càng chứng tỏ việc kiểm soát “sự cố” đối với Ban tổ chức Sao Mai năm nay là điều không tưởng. Một cuộc thi âm nhạc cấp quốc gia có thâm niên cả chục năm tổ chức, lại phát sóng trực tiếp trên truyền hình mà lại để khán giả phải vừa xem vừa “nhai sạn” như thế quả là điều đáng nói.

Bên cạnh đó, chất lượng các giọng ca dự thi Sao Mai lần này cũng được giới chuyên môn đánh giá là thấp nhất từ trước đến nay mặc dù đa phần vẫn là dân thanh nhạc chuyên nghiệp. Sự không thành công này cũng xuất phát từ việc chọn bài hát cũ nhưng cách thể hiện thì lại không có gì mới mẻ nên không níu được khán giả ngồi xem từ đầu đến cuối chương trình. Ngay cả khi Ban tổ chức đã “câu kéo” thí sinh làm mới mình bằng việc có riêng giải thưởng cho người hát về Huế hay nhất nhưng hầu như thí sinh nào dự thi ở dòng nhạc dân gian cũng chọn hát các ca khúc dân ca miền Trung quen thuộc cho... dễ, như lời tâm sự của một ứng viên dự thi dòng nhạc này thì “hò Huế khó lắm, hát mấy bài quen cho dễ”.

Để lại nhiều điều tiếng, Sao Mai năm nay bị xem là “thất sủng” và chắc chắn nếu vẫn theo đà này, vẫn không thay đổi quy chế lẫn cách thức tổ chức thì các lần tổ chức sau e rằng sẽ chỉ có thí sinh hát và Ban giám khảo nghe.

Đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2011 khép lại tối 4-9 vừa qua đã chọn ra thí sinh đoạt giải cao nhất ở 3 dòng nhạc gồm: Đào Thị Tố Loan (thính phòng), Lương Nguyệt Anh (dân gian), Đoàn Thị Thúy Trang (nhạc nhẹ). Ngoài ra Ban tổ chức đã trao giải Thí sinh hát về Huế hay nhất cho Nguyễn Thị Bích Hồng và 2 giải triển vọng cho Thiều Bảo Trang và Nguyễn Trần Trung Quân. Hai thí sinh được đặc cách vào trường VHNT Quân đội là Nguyễn Huy Quyết và Nguyễn Văn Thế.