Sáng tạo không đồng nhất với phát triển, sân khấu Hà Nội sống thoi thóp

ANTD.VN - Sáng 28-11, tại 19 Hàng Buồm, Hội Sân khấu Hà Nội (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) tổ chức hội thảo với chủ đề “Sân khấu Hà Nội sáng tạo và phát triển”, nhằm nhìn lại những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, và tìm ra hướng đổi mới mạnh mẽ cho sân khấu Hà Nội.

Hội thảo “Sân khấu Hà Nội sáng tạo và phát triển” là đề tài rộng, đang có vấn đề trong nội sinh và mang tính thời sự. Hội thảo chỉ mang tính khởi động cho các nghệ sĩ sân khấu Hà Nội thường xuyên tự đổi mới mình mạnh mẽ hơn nữa.

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung: thành tựu, hạn chế và giải pháp cho sự nghiệp sáng tạo và phát triển của sân khấu Hà Nội hôm nay. Đó là cái nhìn căn bản để góp phần định hướng cho các hoạt động sân khấu bắt kịp với công cuộc đổi mới của đất nước và Thủ đô.

Hội thảo vừa diễn ra sáng ngày 28-11

Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Sân khấu Hà Nội, PGS. TS Trần Trí Trắc nhận định, sân khấu Hà Nội được hình thành có thể tính từ thời Lý - Trần. Suốt chiều dài lịch sử, qua  những thăng trầm của mình, sân khấu Hà Nội luôn là đỉnh cao mang tính kinh kỳ so với cả nước. Nghiên cứu những sáng tạo của sân khấu Hà Nội, có thể thấy dù có ngàn năm truyền thống tự hào, nhưng phải đến sau Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mới trở thành một nền sân khấu hoàn thiện, hiện đại.

Đó là nền sân khấu cách mạng được phát triển từ hoạt động sáng tạo nhỏ lẻ, đơn điệu, đậm tính thương mại, kiếm sống và đang có nguy cơ tan rã trong chiến tranh chống Pháp, thành nền sân khấu kiểu mới với phẩm chất dân tộc - khoa học - đại chúng.

PGS.TS Trần Trí Trắc phát biểu đề dẫn hội thảo

Trên nền phát triển đó, sân khấu Hà Nội đã có những sáng tạo để phát triển và phát triển bằng sáng tạo. Bước vào cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế với bao biến đổi của hiện thực, hệ giá trị thẩm mỹ, của sự phân hóa giàu nghèo, của tư duy bao cấp với tự chủ... đã và đang làm cho sân khấu Hà Nội trở nên lúng túng, khủng hoảng nhiều mặt.

Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này, theo PGS. TS Trần Trí Trắc, trước hết là do sáng tạo đã không đồng nhất với phát triển. Hiện thực đổi mới đang đòi hỏi nghệ sĩ Hà Nội một lần nữa dấn thân để tự thể nghiệm mình, nhằm đưa sáng tạo ngang tầm phát triển mới.