Sân khấu Việt trước cuộc cách mạng 4.0

ANTD.VN - Ở lĩnh vực sử dụng đến tình cảm và kỹ năng diễn xuất của con người như sân khấu, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động trực tiếp tới đội ngũ tác giả, đạo diễn và diễn viên. Cùng với đó, yêu cầu phải đổi mới và thay đổi tư duy là điều kiện tiên quyết để sân khấu có thể “sống khỏe”. 

Sân khấu Việt trước cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1Các vở diễn có sử dụng công nghệ điện ảnh đã được ra mắt khán giả

Sân  khấu đã chuyển mình

Cuộc cách mạng 4.0 làm cho cuộc cạnh tranh giữa các loại hình giải trí càng trở nên khốc liệt. Trong đó, sân khấu Việt đang tỏ ra “hụt hơi” bằng việc san sẻ lượng khán giả cho các loại hình hấp dẫn hơn như điện ảnh, giải trí… Do vậy, để thích nghi với tình hình mới, sân khấu Việt buộc phải “chuyển mình” bằng việc thay đổi hình thức thể hiện và cách tiếp cận khán giả.

Nhận định về thực trạng sân khấu Việt trước cuộc cách mạng 4.0, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 và sân khấu không thể đứng ngoài. Thậm chí, sân khấu phải đổi mới tư duy, thực hiện tính tiên phong, có tiếng nói phản biện, tính dự báo, dẫn dắt khán giả theo kịp thời đại.

Người xem của thời đại công nghệ số chỉ cần một cú nhấp chuột là đã mở ra cả một thế giới giải trí trên mạng Internet. Trong khi đó, sân khấu buộc người xem phải đặt chân tới các rạp hát và thụ động thưởng thức các tác phẩm. Để thích ứng với điều kiện ngày càng khắc nghiệt, các vở diễn gần đây của sân khấu đã thay đổi đáng kể về thời lượng diễn ra.

Những vở diễn súc tích, cô đọng với nhiều thủ pháp nghệ thuật mới, trong đó có sử dụng công nghệ cao đã được ra mắt khán giả. Trong đó có thể kể tới các vở cải lương “Vua Phật” Nhà hát Cải lương Việt Nam có sử dụng công nghệ màn hình Led, vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” - Nhà hát Tuổi trẻ có sử dụng công nghệ điện ảnh… 

Hay gần đây, đoàn nghệ thuật Lucteam của đạo diễn Trần Lực gây chấn động với giới sân khấu cả nước bằng lối dàn dựng có sự hòa quyện của Hip-hop, hát và diễn qua hai vở diễn sân khấu ước lệ là “Quẫn” và “Cơn ghen của Lọ Lem”.  

Quan trọng vẫn là tình yêu nghề

Sự chuyển mình của sân khấu chứng tỏ cuộc cách mạng 4.0 đang thúc giục các nghệ sỹ đổi mới và tìm ra nhiều hướng khai thác nhằm đáp ứng thị hiếu đang ngày một khắt khe hơn của khán giả thời công nghệ số. Bên cạnh đó, việc tiếp cận khán giả cũng được các nhà hát, các đoàn nghệ thuật thực hiện khác với lối quảng bá truyền thống. Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của kết nối. Vì thế, để kết nối khán giả đến với thánh đường của nghệ thuật, các nhà hát đã tận dụng mạng xã hội, tận dụng sự hữu ích của Internet để lan truyền và quảng bá các tác phẩm. 

Với một loạt các nhà hát đã thực hiện thành công việc kết nối khán giả bằng công nghệ như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội… qua Facebook, website, rõ ràng sân khấu Việt đã có diện mạo mới, năng động và cởi mở. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, sự chuyển mình này của sân khấu trước cuộc cách mạng 4.0 còn chưa đủ và chưa tới tầm.  Trong đó, việc xem khán giả là trung tâm của các tác phẩm dường như vẫn chưa được các đoàn nghệ thuật quan tâm đúng mức.

Tư duy bao cấp vẫn hiện hữu trong mỗi tác phẩm của sân khấu miền Bắc. Vở dựng tiêu tốn cả trăm triệu đồng nhưng hiệu suất sử dụng lại thấp. Theo nhà biên kịch Lê Quý Hiền, đến khi nào, vở diễn ra mắt không bán được vé gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, khi ấy sân khấu mới thực sự sôi sục với hàng loạt câu hỏi đặt ra như: tìm kịch bản hay ở đâu, diễn như thế đã được chưa, bán vé như thế nào… Hay đúng hơn, vở dựng ra để cho khán giả nào xem và liệu có thu lời về không? 

Với những cơ hội và thách thức do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng, mọi công nghệ và phương tiện cuối cùng cũng để phục vụ cho con người. Sân khấu cũng vậy. Phương tiện và công nghệ là để phục vụ khán giả. Cuộc cách mạng ấy đang tác động đến mọi mặt của đời sống nhưng điều cốt yếu vẫn là tình yêu với sân khấu. Đội ngũ sáng tác cứ làm tốt công việc của mình, cứ yêu và trăn trở với những lớp diễn dưới ánh đèn sân khấu, cách mạng 4.0 sẽ thúc đẩy và hỗ trợ tình yêu nghề của các nghệ sỹ Việt bay cao và bay xa.