Sân khấu khủng hoảng cũng… không oan!

ANTD.VN - Để nói về sự giậm chân tại chỗ của sân khấu Hà Nội trước cuộc Cách mạng 4.0, nhà văn Nguyễn Hiếu đã lấy hình ảnh ví von khá thú vị. Đó là dù nhiều người vẫn nhắc đến cuộc cách mạng 4.0 như là một “mốt” nhưng thực tế chưa vượt ra khỏi chiếc điện thoại thông minh… 

Sân khấu khủng hoảng cũng… không oan! ảnh 1Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Sáng 29-5, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề “Sân khấu Hà Nội với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn và đông đảo nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. 

Nhà văn Nguyễn Hiếu lấy hình ảnh so sánh như vậy là bởi, nguyên lý cơ bản nhất của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào đều xuất phát từ thực tế. “Có tích mới dịch nên trò”, phải có thực tiễn mới có sự phản ánh trong nghệ thuật. Các vở diễn mới nhất được ra mắt trong khoảng thời gian vừa qua vẫn hướng cái nhìn về quá khứ, xa rời thực tiễn.

Cụ thể, đó là mặt tích cực và tiêu cực của cuộc Cách mạng 4.0 đang mang lại cho con người. Điều đó có thể chỉ ra ở nạn thất nghiệp khi máy móc làm thay con người, sự xung đột giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người… Bên cạnh đó là sự xuất hiện những nhà máy thông minh, những cửa hàng thông minh... Thế mà, đa số các vở diễn vẫn nói chuyện quá khứ.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ dường như đã thức thời hơn các nhà viết kịch ngày nay. Vào khoảng giữa thập niên 80, ông đã có tác phẩm “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” nói về sự dự đoán của cây bút tài hoa về sự xuất hiện của rô bốt sẽ thay thế con người nhưng không thay thế được cảm xúc.

Nhìn lại cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 đã làm thay đổi diện mạo của sân khấu. Từ chỗ chỉ có ánh đèn dầu, đốt đuốc sang ánh điện, từ chỗ có âm thanh thực của dàn nhạc đến chỗ có micro hỗ trợ, từ việc xem trực tiếp tác phẩm tại rạp hát đến tác phẩm sân khấu đã được truyền đến đông đảo khán giả thông qua đĩa, internet một cách tinh gọn, nhanh chóng và chi phí thấp…

Đến cuộc Cách mạng 3.0, đặc biệt của internet còn tác động tới sự sống còn của sân khấu. Sự phát triển của công nghệ thu phát âm thanh, hình ảnh cùng sự phát triển như vũ bão của internet đã khiến nghệ thuật sân khấu không đủ sức cạnh tranh, bị lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu khán giả.

Và bây giờ, cuộc Cách mạng 4.0 đang đặt ra những thách thức cũng như thời cơ đối với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, giữa việc giữ nguyên hình thức dàn dựng hay mạnh dạn thay đổi. Dù nói đến 4.0 đang là “mốt” nhưng hầu hết các rạp diễn sân khấu, các đơn vị nghệ thuật vẫn đang đứng ngoài cuộc cách mạng này. Do vậy, sân khấu lâm nguy cũng có lý của nó. Dù đâu đó đã xuất hiện sự cải tiến trong việc đưa các ứng dụng công nghệ vào dựng vở, tuy nhiên lại chưa tới tầm và “độ chín” cần thiết. Các đơn vị vẫn đang trói mình trong những tư duy khiên cưỡng và lựa chọn cách làm an toàn không vì khán giả, cũng không vì sự tồn vong của sân khấu Việt.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, giải pháp đưa ra để sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu Việt Nam thích nghi với cái mới, với những tiến bộ của cuộc Cách mạng 4.0 chính là cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm sân khấu với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình; chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ.

Bên cạnh đó, các rạp hát, nhà hát cần trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, tạo sự hứng thú trong thưởng thức và hưởng thụ của người xem, mở kênh truyền hình cho nghệ thuật biểu diễn để chủ động giới thiệu bản sắc nghệ thuật, chân dung nghệ sĩ, tác phẩm mới sáng tác nhằm quảng bá nghệ thuật.