Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Sách là loại hàng hóa đặc biệt
(ANTĐ) - Tôi “quen” nhà văn Nguyễn Văn Thọ bắt đầu từ tiểu thuyết “Quyên” của ông. Khi đó, cứ vừa đọc vừa nghĩ rằng, ông này sao yêu nhân vật của mình thế, vừa để cho cô ấy đẹp, rất đẹp, lại vừa để cho biết bao người đàn ông yêu Quyên, yêu đến mức dám hy sinh cả mạng sống của mình cho cô... Nguyễn Văn Thọ định cư ở Đức, nhưng hóa ra gặp ông ở Hà Nội cũng không khó. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có dịp trò chuyện cùng ông.
- PV: Đọc cuốn tạp bút “Mưa thành phố” thấy ông nhìn Hà Nội ở một góc rất lạ. Hà Nội còn những “góc lạ” nào khác mà những người xa xứ như ông nhận ra nhưng chưa có điều kiện viết về nó?
- Nhà Văn Nguyễn Văn Thọ: Với cá nhân tôi, Hà Nội như cội gốc, máu thịt. Chỉ có điều tôi tránh nói lại những gì người khác đã nói. Và, nếu chỉ nhìn bình thường, sẽ thấy Hà Nội nhiều sự đang xấu đi, dễ sinh văn hoài cổ. Mà tôi ghét hoài cổ. Ví như tiếng xe điện chả hạn, bao năm nay nó thăm thẳm ở Hà Nội xưa, trong lòng lớp người đã cũ. Vẻ đẹp ấy, nên xếp vào bảo tàng. Bỏ qua Hà Nội ồn, bụi, xe máy ồn ã, tôi vẫn nhận ra, đêm Hà Nội rất đẹp, mãi đẹp. Ít sáng điện hơn châu Âu. Yên lặng như vốn nó. Bốn mùa đêm đều đẹp. Chỉ có điều, phải hiểu nó, nắm lấy thời khắc ở từng mùa, sẽ thấy đẹp ra sao…
- Ông luôn có mặt tại Việt Nam để tham gia các sự kiện về văn chương. Ông có ý định về ở hẳn Hà Nội sau 20 năm tha hương?
- Tôi hiện thời ở Việt Nam là chính, mỗi năm trung bình 9 tháng. Nhẽ ra tôi về hẳn, nhưng tôi còn 1 cháu gái 14 tuổi ở Đức. Thu này tôi lại về với Hà Nội.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của văn học Việt Nam tại châu Âu?
- Những năm trước, có lẽ chỉ ở Pháp là có hoạt động văn học đáng nói, còn lại, châu Âu, gần như con số không. Từ khoảng 9 năm nay, khi 300.000 người Việt định cư ở châu Âu đã dần ổn định về đời sống, nên, xuất hiện khá nhiều người viết mới. Riêng ở Đức có 8 cây bút, đóng góp cho văn chương người Việt.
Trở thành một dòng chảy Văn học di dân. Sự giao thoa và thẩm thấu đa văn hoá, là một đặc điểm tích cực của dòng văn học di dân này. Song thế hệ lớn tuổi, có lẽ chả nên mong đợi nhiều. Thế hệ thứ hai, chúng viết bằng tiếng Đức, Pháp, Anh... cũng có nhiều kì vọng, dăm cháu giật giải cao. Tôi quan niệm, dù viết với tiếng xứ người, mà tác phẩm của họ vẫn đọng lại, thừa hưởng tinh thần văn hoá Việt, thì nó vẫn thuộc về Văn học Việt.
- Còn văn học trong nước, ông thấy mấy năm gần đây phát triển thế nào?
- Văn học trong nước bình lặng, vì người Việt vốn bình lặng. Vẫn là những bước nối của văn học trước 1975. Dù nó ở cấp độ cao hơn trong quy luật vòng xoáy. Điều ấy chẳng nên lo lắng, văn học không phải là máy móc, kĩ thuật để nhập khẩu. Nó phải là một sự thay đổi từ dân sinh, từ nền móng tôn giáo, triết học, văn hoá một dân tộc. Vả lại văn học càng đúng với câu “Dục tốc bất đạt”.
- Gần đây, giới văn chương đang nhắc đến cụm từ “đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài”. Có người nói, hãy để “tự nhiên hương”, người bảo: phải PR, theo ông, cách nào thì hiệu quả nhất?
- Quan niệm Tự nhiên hương là quan niệm cũ, có phần coi văn học là lãnh địa kì bí, “thần thánh hoá”, tức là thoát li cuộc sống! Bấy nay, tôi coi văn học là một bộ phận sống trong đời sống của con người. Thậm chí phải coi nó, sách văn học là một loại hàng hoá đặc biệt. Cuộc sống nay khác xưa nhiều lắm.
Cộng thêm với tác động của sự tràn ngập thông tin, thì PR là hợp lí, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người. Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh” nhiều hương đấy chứ, nếu cứ tự nhiên hương thì sao có thể tới công chúng rộng rãi trên thế giới? Nếu không có dịch giả Phan Thanh Hảo và Frank Palmos thì bây giờ nó còn ở đâu? Hay ta đồng ý việc dịch in 1.000 cuốn ở sách văn học tại Paris, rồi sách nằm trong các giảng trường đại học? PR trung thực là cần.
- Không phải là những truyện ngắn, tản văn hay bút ký - mảng được coi là thế mạnh mà người đọc đã tiếp cận một Nguyễn Văn Thọ của Tiểu thuyết. Đó là cách làm mới mình hay đây mới chính là những lúc vốn liếng mà ông tích lũy đủ để lao vào cuộc chơi tiểu thuyết?
- Tôi xuất hiện trên văn đàn từ 1985 với dăm truyện ngắn in trên Báo Văn Nghệ. Năm 1996, quay lại văn chương sau bao năm bỏ bút, tôi viết ba tập thơ. Hết thơ, tôi lại viết truyện ngắn và được Tạp chí Văn nghệ quân đội đón nhận. Tôi viết cả tạp bút, tản văn, báo chí. “Quyên” là cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Câu chuyện “Quyên” quá nặng so với sức chở của thể loại truyện ngắn! Nó cần tới Con thuyền tiểu thuyết chứ người viết đừng mong làm mới gì về mặt thể loại. Nghệ thuật, sự mới đòi hỏi Bình mới, rượu cũng mới. Tôi quan niệm, muốn viết được tiểu thuyết cho ra tiểu thuyết, nhà văn cần biết bao điều cần và đủ, như trải nghiệm và độ dày về hiểu biết văn hoá v.v… “Quyên” ra đời khi mọi sự cần gặp nhau đều chín.
- Thường thì những cái khó khăn của cuộc sống nó làm cho cảm xúc của mình chai sạn đi, còn ông có chai sạn đi ít nào không?
- Tôi không bao giờ bật khóc trước cái khổ. Cuộc sống đầy trải nghiệm, thậm chí có khi cực nguy hiểm, dạy tôi để tồn tại, không được phép run sợ. Nếu nói thế là chai sạn thì tôi đã chai sạn từ khi 19 tuổi, sau 3 năm là lính trơn. Nhưng cha mẹ sinh ra tôi nhạy cảm lắm, và cái đó thì dù có từng trải bao nhiêu, cũng chưa khi nào thui chột. Đó là một thuận lợi cho tôi khi liều thân cầm bút. Thứ nữa, con người tạng tôi, vỏ rắn như thép để tồn tại, còn bên trong cái vỏ thép ấy, trái tim tôi dễ tổn thương hay run rẩy lắm.
- Có tới 11 năm đời lính, ông có ý định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, về đề tài hậu chiến chả hạn?
- Tôi đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ 2 “Thời gian chết” nội dung của nó gói cả chiến tranh và hậu chiến trong đó những “món nợ” mà trước đây tôi mới trả được rất ít ở truyện ngắn. Nó còn “ném” vào đấy tất cả không gian rộng của dòng di dân. Có lẽ nôm na thế này, Nguyễn Văn Thọ sinh ra không phải là kẻ để dành cho văn chương, nên gã tự biết, sức gã còn bao nhiêu. Sau “Thời gian chết”, tôi chả còn gì nữa, có cố viết sẽ nhạt thênh thếch. Đây là “trận tổng tấn công” cuối cùng! Lần yêu cuối cùng. Yêu thì không nên cố, có cố cũng chả được nước non gì!
Vân Quế
(Thực hiện)