Rưng rưng nước mắt xem chèo minh oan cho một anh hùng

ANTĐ - Được đầu tư mạnh tay, vở chèo “Người chiến sỹ năm xưa” do tập thể diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng sẽ tham dự Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III - năm 2015. Do nhà văn Chu Lai chấp bút, kịch bản vở chèo này  nói đến chiến tranh ở một góc nhìn khác qua hình ảnh người chiến sỹ an ninh Sáu Thành.                                    

Rưng rưng nước mắt xem chèo minh oan cho một anh hùng  ảnh 1Nhân vật Sáu Thành hiện lên trong vở chèo như một anh hùng

Kịch tính ngay khi mở tấm màn nhung

Rạp Hồng Hà chật kín khán giả vào những ngày cuối tháng 3. Vở chèo “Người chiến sỹ năm xưa” đã làm người xem rưng rưng nước mắt. Hình ảnh người chiến sỹ an ninh Sáu Thành trong vở diễn hiện lên sừng sững như một anh hùng mưu trí và quả cảm. Vở chèo được mở màn bằng phiên tòa xét xử Sáu Thành đầy oan ức. Lối dàn dựng này của đạo diễn-NSND Lê Hùng khá quen thuộc với người xem. Ông thường đẩy kịch tính của vở diễn ngay khi tấm màn nhung vừa mở ra, để hút người xem vào từng tình tiết, diễn biến ly kỳ của vở diễn. 

Từ thời bình, vở chèo đã đưa khán giả trở lại thời chiến giữa Trường Sơn hùng vĩ nhưng trơ trụi tán rừng vì bom đạn; những hố bom sâu hoắm được thể hiện cách điệu trên sân khấu. Ở nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, nhân vật Sáu Thành (diễn viên trẻ Nguyễn Quốc Khánh đảm nhận) hiện lên với nhiều tật xấu ngông nghênh, đưa ra nhiều ý kiến trái ý chỉ huy nhưng đấy lại là người nêu xuất các cách đánh địch thông minh và hiệu quả. Lẽ tất nhiên, Sáu Thành không được lòng cấp trên và bị liệt vào trường hợp cá biệt ở đơn vị. Trong một trận mật phục để tóm gọn tên trùm điệp viên tàn ác, Sáu Thành đã đề xuất phương án tác chiến giúp giảm tổn thất về người thấp nhất, nhưng đã bị bác bỏ. 

Rưng rưng nước mắt xem chèo minh oan cho một anh hùng  ảnh 2Người chiến sỹ an ninh Sáu Thành giữa thời bình

Trận đánh ấy, quân ta thua. Nhìn những người đồng đội trở về sau trận đánh với nhiều thương tật và một số khác nằm lại nơi rừng sâu, Sáu Thành đã khóc và thề sẽ hạ gục bằng được tên mật thám. Cảnh diễn này thấm đẫm nước mắt với nỗi đau mất đồng đội và những vết thương khó lành của các thương binh. Những làn điệu chèo í a nâng đỡ lời thoại và hiểu thấu những xung đột, đi tới thẳng trái tim người xem. Nhiều khán giả đã không thể cầm được nước mắt trước những mất mát, hy sinh của những người lính can trường, quả cảm. Vào đúng lúc này, Sáu Thành đã thể hiện vai trò của mình. Anh lặng lẽ một mình tác chiến và tiêu diệt được mục tiêu. Đến đây, nhiều khán giả sẽ phản biện lại ê kíp dàn dựng, đặc biệt là “cha đẻ” của kịch bản, nhà văn Chu Lai về những vô lý, thậm chí là hư cấu của ông khi xây dựng nhân vật “xương sống” cho vở chèo. 

Minh oan cho một anh hùng

Đại tá, nhà văn quân đội Chu Lai không giấu được xúc động: “Kịch bản một vở diễn gai góc và xù xì về người lính lại được thông qua, điều đó khiến tôi rất cảm động. Tôi còn xúc động hơn với nỗ lực lao động phi thường của tập thể Nhà hát Chèo Quân đội khi cách đây vài ngày, vở diễn còn phải sửa chữa nhiều, nhưng đến khi công diễn thì đã nuột nà hơn rất nhiều”. NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết thêm: “Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần trước đây từng dàn dựng vở “Đêm trắng” kể về giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã ký quyết định tử hình Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu bấy giờ, vì tội tham ô, trụy lạc. Vì thế, khi dàn dựng vở “Người chiến sỹ năm xưa”, chúng tôi rất mạnh dạn”.

Chưa hết những bất ngờ tưởng chừng vô lý, vở diễn tiếp tục đưa khán giả đến một “thành tích” đáng nể khác của Sáu Thành khi anh thả Diệu Hương (nghệ sỹ Lâm Thanh vào vai), người nữ y tá của đơn vị đã bị vu oan cho tội danh “gián điệp”. Nhờ đó, Diệu Hương thoát chết và trở về Sài Gòn để tiếp tục cuộc đời của một nữ sinh ngữ văn. 

Rưng rưng nước mắt xem chèo minh oan cho một anh hùng  ảnh 3Vở chèo có nhiều cảnh thấm đẫm nước mắt

Phiên tòa một lần nữa lại được mở ra trước mắt khán giả nhưng là trong thời bình. Do đứng lên đấu tranh để bảo vệ đất nông trường, nơi đầu nguồn của cánh rừng đặc chủng không bị lấy làm đất dự án xây dựng khu công nghiệp, Sáu Thành đã bị vu oan cho nhiều tội danh trong chiến tranh. Cái kết “cổ tích” đã khép lại vở chèo khi người chiến sỹ an ninh được minh oan. Cô y tá năm xưa đã xuất hiện tại tòa làm nhân chứng bảo vệ Sáu Thành.

Có thể nói, vở chèo “Người chiến sỹ năm xưa”  là sự đan xen của những vô lý sống động giữa hiện thực và được khán giả chấp nhận. Bởi đâu đó, trong vở diễn người xem thấy  bóng dáng của cuộc sống đương đại, của sự song hành giữa thiện và ác luôn tồn tại. Dù có hư cấu hay nói quá lên đôi phần thì “Người chiến sỹ năm xưa” không có mục đích gì khác, ngoài việc chuyển tải đến khán giả hình ảnh về người chiến sỹ an ninh Sáu Thành luôn tận tâm với đồng đội ẩn trong tính cách ngang tàng nhưng hết lòng vì sự nghiệp chung của Tổ quốc.