Rộn ràng mùa album cuối năm

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm làng nhạc Việt lại trình làng hàng loạt album ca nhạc. Đáng chú ý, năm nay nhạc trẻ Hà thành nổi lên xu hướng trở về nhạc xưa với những “khảo cổ” đáng thú vị của các ca sĩ trẻ và cú hích của các ca sĩ dòng nhạc dân ca.

Rộn ràng mùa album cuối năm

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm làng nhạc Việt lại trình làng hàng loạt album ca nhạc. Đáng chú ý, năm nay nhạc trẻ Hà thành nổi lên xu hướng trở về nhạc xưa với những “khảo cổ” đáng thú vị của các ca sĩ trẻ và cú hích của các ca sĩ dòng nhạc dân ca.

ca sỹ Ngọc Quy
ca sỹ Ngọc Quy

Ca sĩ trẻ làm “khảo cổ”

Ngọc Quy là một ca sĩ trẻ tuổi nhưng từ lâu đã là một trong những gương mặt quen thuộc của các phòng trà ca nhạc tại Hà Nội như Aladin, Bee Club, Malaideli… Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ngọc Quy trình làng album đầu tay Bao giờ cho tôi quên. Sau một thời gian lăn lộn với các sân khấu ca nhạc Thủ đô, chàng ca sỹ trẻ có chất giong bariton này quyết định chọn dòng nhạc xưa làm “sợi chỉ đỏ” cho album thứ hai. Ngọc Quy khẳng định: “Nhạc tiền chiến dù không đông đảo người nghe như nhạc trẻ, nhưng khán giả của dòng nhạc này thực sự nghe nhạc chứ không đến để xem ca sĩ biểu diễn”.

Album Ngọc Quy vol.2 có tựa đề Hồn có mơ xa gồm 9 ca khúc trữ tình, tiền chiến như: Lá thư, Gửi gió cho mây ngàn bay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ), Biệt ly (Doãn Mẫn)… Album là một câu chuyện tình mà bài Hà Nội thu nhớ mở đầu album như một “mào đầu” để Ngọc Quy dẫn dắt người nghe vào khung cảnh câu chuyện tình bằng âm nhạc. Đây là một nhạc phẩm trữ tình của nhạc sĩ Phạm Vinh sáng tác trước 1975 và đang dần rơi vào quên lãng. Hóa thân vào trong nỗi nhớ đầy chiêm nghiệm của những người có tuổi, Ngọc Quy đã “khảo cổ” thành công bài hát khá hay về Hà Nội rất xưa cũ này.

Cùng thế hệ 8X với Ngọc Quy, ca sĩ Tuấn Hiệp cũng sắp sửa trình làng album vol.2 vào dịp cuối năm. Đã từng nghe Tuấn Hiệp hát ở nhiều phòng trà tại Hà thành, nhưng tôi thực sự bất ngờ về khả năng thích nghi với nhiều dòng nhạc của Hiệp khi cùng anh thực hiện tour diễn bảy đêm trường liên tục trên quần đảo Trường Sa. Hát cho chiến sĩ nơi đảo xa, hết mình với sân khấu Trường Sa lớn đến những sàn nhà trên Nhà giàn DK1, Tuấn Hiệp “khoe” giọng ở đủ thể loại nhạc. Vốn từng là ca sĩ đầu quân cho Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, lại là dân Nhạc viện chính quy, Tuấn Hiệp mạnh về những ca khúc cách mạng và cũng đầy trẻ trung với lứa tuổi của mình với những bản nhạc pop sôi động.

Nhưng trong những đêm trăng trên biển đảo quê hương, Hiệp hát những ca khúc trữ tình, tiền chiến thực sự đi vào lòng người, được nhiều khán giả, chiến sĩ cổ vũ. Với album vol.2 mang tên Bơ vơ, Tuấn Hiệp quyết định dấn thân vào thể loại nhạc xưa với những nhạc phẩm Bơ vơ, Khúc thụy du, Tiếng hát lạc loài… Đa số bài hát trong album đều ra đời khi chàng ca sĩ trẻ này chưa sinh ra. Tuấn Hiệp khẳng định: “Những bài hát thành danh của nhạc tiền chiến, trữ tĩnh đã được thử lửa qua thời gian. Khán giả khi nghe những nhạc phẩm này luôn tìm thấy những tâm sự, nỗi lòng của mình trong đó”.

“Lên đời” cho dòng nhạc dân ca

Với chất giọng soprano quý hiếm, điêu luyện, ca sĩ Anh Thơ luôn gây xúc động mạnh đối với công chúng yêu nhạc. Dường như khoảng đôi ba năm, cô ca sĩ xứ Thanh này lại làm mới mình với một ca khúc mang âm hưởng semi classic pha dân ca như Bóng cây Kơ nia, Khúc hát sông quê… Năm nay, Anh Thơ chưa tung những “bài khủng” như vậy, nhưng cô ca sĩ được mệnh danh là công chúa dòng nhạc classic lại tung ra thị trường liền một lúc hai album Nỗi nhớ và Tình quê.

ca sỹ Anh Thơ
ca sỹ Anh Thơ

Những nhạc phẩm trong hai album do Thăng Long Audio Visual phát hành nhìn chung đều là những ca khúc quen thuộc như Giận mà thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Hương thầm… (album Nỗi nhớ) hay Về quê, Trở về dòng sông tuổi thơ, Hà Tĩnh quê mình… (album Tình quê). Có chăng, điều đáng chú ý là nếu trong album Nỗi nhớ, Anh Thơ tiếp tục song ca cùng giọng ca Việt Hoàn thì trong album Tình quê chị lại đi tìm cái mới khi quyết định song ca cùng giọng ca trẻ Quang Hào.

Trong khi đó, Sao Mai Phạm Phương Thảo sau một thời gian lặng tiếng lại mạnh dạn “lên đời” qua album VCD Mơ quê, với đạo diễn Việt Hương và quay phim Sỹ Khoa. VCD của cô ca sĩ dòng nhạc dân ca này thực sự chất lượng với những cảnh quay sống động, đậm tình “dân quê”. Cùng với nam diễn viên Công Dũng điển trai, Phạm Phương Thảo cũng cho thấy khả năng xuất hiện trước ống kính với những clip trữ tình, bắt mắt bên cạnh khả năng ca hát đã được khẳng định suốt nhiều năm qua.

Dù những nhạc phẩm trong album đều khá quen thuộc như Khúc hát sông quê, Quảng Bình quê ta ơi, Quê hương, Bài ca thống nhất, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Ai vô xứ nghệ… nhưng với VCD Mơ quê, Thanh Thảo đã trở thành ca sĩ dòng nhạc dân ca thuộc diện của hiếm, tự mình đầu tư làm album VCD công phu và tốn kém.                          

Anh Bảo