Ra mắt cuốn sách lý giải bản chất tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuốn sách "Nghệ thuật yêu" (tên tiếng anh là The Art of Loving) được nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Ở thời điểm đó, ông đã trở thành học giả đầu tiên nghiên cứu về tình yêu và năng lực yêu như một đề tài nghiêm túc để nêu ra trước công luận. Đáng nói hơn, hơn 25 năm sau khi ông mất, cuốn sách đã được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in.

Tác giả viết về một chủ đề đã quá quen thuộc: Tình yêu. Tuy nhiên, như chính Fromm bộc bạch: “Bất cứ ai trông đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách, ngược lại, muốn cho thấy tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào.”

Cuốn sách của Fromm đã đi vào phân tích cặn kẽ lý thuyết về tình yêu, lý giải tình yêu như lời giải đáp cho sự tồn tại người và nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự chia cách, để rời khỏi ngục tù cô độc của mình, để có được “sự hòa giải bằng tình yêu”. Ông phân tích những hình thái khác nhau của tình yêu dựa trên đối tượng của tình yêu, như tình yêu đồng loại, tình mẫu tử, lòng tự yêu bản thân, tình yêu Thượng đế và tình yêu nhục cảm; cũng như phân tích hình thái tình yêu giả tạo, mà trên thực tế, phần lớn chúng là những hình thức tan rã của tình yêu trong xã hội hiện nay.

Cuối cùng, để thực sự làm chủ được nghệ thuật yêu, Fromm đi đến những bàn luận về các tiền đề của nghệ thuật yêu, các phương pháp tiếp cận và thực hành những điều ấy: kỷ luật, sự tập trung, kiên nhẫn và hết lòng quan tâm đến nghệ thuật ấy.

Tác giả nói về tình yêu, nhưng không thuyết giáo. Ông nói về tình yêu dựa trên chính bản chất của con người, với niềm tin rằng, dù đầy những khó khăn, tình yêu không chỉ là một hiện tượng cá nhân hiếm có mà sẽ trở thành hiện tượng xã hội.

Một cuốn sách nhỏ của tác giả, nhưng đúng như nhà tâm thần học người Mỹ, Peter D. Kramer nhận xét, nhờ cuốn sách này, chúng ta đã có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, sự hy vọng, lạc quan và niềm an ủi. Và đây chính là bằng chứng cho lập luận của ông: được chuyện trò với một con người như vậy tức là cảm thấy được thách thức, cảm thấy được nâng đỡ và cảm thấy được yêu. 

Ở Việt Nam, trước năm 1975 đã từng có hai bản dịch tác phẩm này, của dịch giả Tuệ Sỹ với nhan đề "Tâm thức luyến ái" và của Giáo sư Thụ Nhân với tên gọi "Phân tâm học về tình yêu".

Năm 2020, bản dịch của tác phẩm sẽ được dịch giả Lê Phương Anh chuyển ngữ và dịch giả Phạm Anh Tuấn góp ý, hỗ trợ về các thuật ngữ. Sách do NXB Thế giới phát hành.