Ra mắt cuốn du khảo "Một thời Hà Nội hát"

ANTD.VN -Là cuốn du khảo của nhà văn Nguyễn Trương Quý do NXB Trẻ ấn hành sẽ ra mắt vào ngày mai, 14-12. “Một thời Hà Nội hát” tập trung chủ yếu vào khảo sát sự chuyển hóa đời sống giải trí đô thị Hà Nội giai đoạn bản lề trước và sau 1954.

Nhân vật trung tâm của cuốn du khảo là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, lý giải sự chọn lựa này, Nguyễn Trương Quý cho rằng, anh cần một người hội đủ những yếu tố: tác phẩm, cuộc sống và sự gắn bó của nhân vật ấy với Hà Nội. Ở đây Đoàn Chuẩn là một nhân vật có đủ những khía cạnh để đại diện. Một đô thị quyến rũ là nơi tồn tại những huyền thoại phố phường, những vẻ đẹp lãng mạn được truyền tụng. Đoàn Chuẩn là một phát ngôn viên, một sứ giả cho vẻ đẹp ấy.

Điều quan trọng khiến nhà văn Nguyễn Trương Quý nhìn thấy qua câu chuyện của Đoàn Chuẩn trong thời điểm bản lề 1954-1956 là sự chuyển hóa của một đô thị thuộc địa sang Thủ đô một chính thể mới (mặc dù Hà Nội đã là thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ 1945 nhưng thời kỳ tạm chiếm hơn 8 năm vẫn mang màu sắc thuộc địa). Cuộc đời sáng tác và hoạt động âm nhạc của Đoàn Chuẩn vào giai đoạn ngắn này có lẽ là sôi động nhất, gắn với khung cảnh đổi thay của Hà Nội.

Đoàn Chuẩn vô tình là người cuối cùng sáng tác theo xu hướng lãng mạn của tân nhạc ở miền Bắc, và chính ông cũng là chủ rạp Đại Đồng, nơi duy trì các buổi biểu diễn âm nhạc với nhiều bài hát lãng mạn vẫn được biểu diễn xen kẽ các bài hát mới. Những sự biến động cả về âm nhạc lẫn tình cảm của Đoàn Chuẩn dường như là tấm gương phản chiếu mạch văn nghệ và tâm tình người Hà Nội giai đoạn ấy.

Bất ngờ trong quá trình khảo cứu của Nguyễn Trương Quý là đến hơn nửa sáng tác được phổ biến của Đoàn Chuẩn sáng tác sau ngày Hà Nội được tiếp quản, trong đó có những ca khúc rất nổi tiếng vẫn thường được xếp vào những bài hát tiêu biểu mang tên “nhạc tiền chiến” như Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá, Gửi người em gái miền Nam…

Thời điểm những bài hát ra đời, xã hội miền Bắc và Hà Nội đã có sự chuyển hóa sang đời sống mới, tuy nhiên vẫn bảo lưu những nếp sống quen thuộc của thị thành ảnh hưởng từ lối sống tư sản. Những bài hát phản ánh cả những quan niệm về tình ái ngoài hôn nhân, những điều mà dưới nhãn quan của thời điểm đó thì không được đánh giá cao cho lắm.

Bất ngờ nữa là cho đến năm 1954, dường như Đoàn Chuẩn - Từ Linh không phải là một cái tên phổ biến trong làng giải trí và truyền thông. Một vài tác phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh chỉ được xuất bản ở một nhà xuất bản ở Hải Phòng do hãng Vạn Vân của gia đình Đoàn Chuẩn đứng ra in số lượng hạn chế vào năm 1953, trong khi không có nhà xuất bản nào ở Hà Nội lúc đó in nhạc của ông cả.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng vợ và con gái

Trên mặt báo chí Hà Nội trước 1954, cái tên Đoàn Chuẩn gần như không xuất hiện, còn trong danh sách các buổi ca nhạc trên đài phát thanh Hà Nội giai đoạn tạm chiếm thì Nguyễn Trương Quý chưa thấy có bằng chứng có bài hát của Đoàn Chuẩn được biểu diễn.

Thêm nữa là việc Đoàn Chuẩn không lập ngôn, không có những luận thuyết chính thức về sáng tác, cho dù ông gây ảnh hưởng lên nhiều thế hệ sau, nhất là các nhạc sĩ ở miền Nam sau 1954. Mặc dù ông sở hữu hẳn một rạp có sân khấu ca nhạc nhưng lại không công bố bài hát nào của mình tại đây. Điều này khiến cho ông vừa có vẻ tài tử, người dạo chơi qua khu vườn tân nhạc, lại dường như không mấy bận tâm đến việc quảng bá tác phẩm của mình một cách chuyên nghiệp hoặc có tính thương mại.

Song song với buổi ra mắt cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát” nhà văn Nguyễn Trương Quý cùng các cộng sự cũng tổ chức hai đêm nhạc có tên "Chuyện tình tà áo xanh" tại rạp Đại Đồng và Ơ Kìa Hà Nội.

Đêm nhạc này sẽ là đêm nhạc của rất nhiều sự tao ngộ, của rất nhiều lần đầu tiên, của rất nhiều hé mở… Những khách mời đặc biệt như: con trai của Đoàn Chuẩn và con trai của Từ Linh, người thân, gia đình, bè bạn… cùng những nhà nghiên cứu: Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn cùng sự góp giọng của ba ca sĩ Trí Trung, Giang Trang, Hoàng Lân và tiếng đàn guitar Hawaii của nghệ sĩ Đoàn Đính.