Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long

(ANTĐ) - Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng vừa hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học về “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn, tôn tạo khai thác giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. Nhân dịp này Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Đình Thành - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long

(ANTĐ) - Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng vừa hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học về “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn, tôn tạo khai thác giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. Nhân dịp này Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Đình Thành - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Khu A1 - Trung tâm Hoàng thành
Khu A1 - Trung tâm Hoàng thành

- PV: Thưa ông, đây là một đề tài rộng liên quan tới nhiều chuyên ngành. Nhóm nghiên cứu có đặt trọng tâm vào một điểm nào đó không?

- KTS Vũ Đình Thành: Chúng tôi đặt trọng tâm nghiên cứu là Khu trung tâm Hoàng thành. Cho tới nay chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chính xác tuyệt đối quy mô, giới hạn của Kinh thành và Hoàng thành Thăng Long các thời Lý - Trần - Lê đến đâu, ở mức độ nào. Duy có dấu tích thành Hà Nội thời Nguyễn là còn rõ nhất. Dựa trên bản vẽ quy hoạch thành Hà Nội trong các bản đồ thời Pháp thuộc, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất phạm vi nghiên cứu có giới hạn bởi đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phùng Hưng và Trần Phú. Khu vực quan trọng nhất mà đề tài tập trung nghiên cứu là trục trung tâm, từ Cột cờ cho tới Bắc Môn và khu di tích 18 Hoàng Diệu. Đây cũng là khu vực đang được Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội gửi hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

- PV: Hiện nay, khu vực bảo tồn cấp 2, cấp 3 của Di tích đã khá ổn định. Vậy thì, đề án có đề xuất gì đối với “vùng đệm” này?

- KTS Vũ Đình Thành: Trong đề tài nghiên cứu chúng tôi chia thành hai khu vực, ngoài trục trung tâm của Hoàng thành chúng tôi nghiên cứu mở rộng đến đường Hùng Vương, về phía Tây đến đường Phùng Hưng. Khu vực phía Tây hiện là các cơ quan của Đảng, Chính phủ và một số Đại sứ quán. Đây là khu phố được quy hoạch xây dựng từ thời Pháp với rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, có bản sắc về không gian đô thị. Do vậy chúng tôi cũng đề xuất cần bảo tồn khu vực này bên cạnh đó cũng cần phải trùng tu đối với các công trình đã bị thay đổi; loại bỏ các công trình và thành phần kiến trúc cơi nới  xây xen để trả lại các không gian trước đây vốn là khu cây xanh sân vườn. Với các khu dân cư phía Đông chúng ta cần phải quản lý hoạt động xây dựng của người dân bằng các quy chế, đồng thời có thiết kế đô thị cụ thể cho khu vực này. Trong thiết kế đô thị phải quy định rõ cho từng ngôi nhà các nội dung như chiều cao công trình, khoảng lùi, màu sắc thậm chí đến cả hình thức kiến trúc mặt đứng.

- PV: Thực tế, khu di tích Thành cổ hiện nay vẫn còn rất nhiều các công trình kiến trúc không có giá trị lịch sử, chúng sẽ được giải quyết như thế nào?

- KTS Vũ Đình Thành: Trong khu Thành cổ, có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong đó có nhiều nhà kho, nhà tạm... được xây dựng trong quá trình sử dụng sau này. Để quy hoạch lại, tất nhiên sẽ phải tính đến việc dỡ bỏ các công trình không có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc đang ảnh hưởng đến không gian cảnh quan của di tích. Nhưng trước khi phá bỏ, cần phải lập hồ sơ khoa học, vẽ ghi, lập hồ sơ ảnh, tư liệu phim, lý lịch hiện trạng các công trình đó.

- PV: Vậy còn  khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, sẽ được bảo tồn thế nào thưa ông?

- KTS Vũ Đình Thành: Chúng tôi cũng đưa ra phương án như bảo tồn nguyên trạng những khu vực quan trọng dưới dạng bảo tàng tại chỗ, các khu vực bảo tồn dưới dạng hầm kính, khu vực sẽ tạm thời lấp cát trồng cỏ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề xuất hướng nghiên cứu bảo tồn trưng bày dưới dạng bán lộ thiên tại một số điểm tuy nhiên giải pháp này thường khá phức tạp về kỹ thuật và chi phí thực hiện, bảo quản trong quá trình sử dụng. Tại đây, mái che đã được dựng lên để tạm thời bảo quản hiện vật, các hố khảo cổ quá trình khai quật. Khi phương án bảo tồn được lựa chọn triển khai đương nhiên các mái che sẽ phải dỡ đi.

- PV: Ông có thể cho biết giải pháp nào để kết nối khu này thành một tổng thể?

- KTS Vũ Đình Thành: Đã có đề xuất, kết nối 2 khu này lại với nhau thành một khu công viên văn hóa lịch sử. Trục trung tâm Thành cổ cũng chỉ cách khu khai quật khảo cổ có một con đường. Hiện tại, Khu trung tâm chính trị Ba Đình tập trung rất nhiều điểm tham quan như Nhà Quốc hội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm, chùa Một cột, quá lên tới hồ Tây thì có nhiều di tích đình, đền, chùa, làng cổ. Vì thế, chúng tôi đề xuất sẽ kết nối các điểm này lại bằng những tuyến tham quan và nếu có thể xây dựng một tuyến đi bộ thì cũng hợp lý.

- PV: Khi nào thì đề tài này được áp dụng vào thực tế, thưa ông?

- KTS Vũ Đình Thành: Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu đề tài này từ năm 2007, đến 2009 thì hoàn thành. Tuy nhiên đây là một nội dung nghiên cứu rất cần sự phối hợp đa ngành, nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu sâu hơn. Vì thế, để áp dụng ra thực tế, cần phải có thêm thời gian.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Vân

(Thực hiện)