Quốc Tử Giám, Nguyên tiêu

(ANTĐ) - Rằm tháng Giêng. Quốc Tử Giám đông hơn mọi ngày... Ngày thơ Việt Nam, lần thứ bảy... Cờ treo từ cổng ngoài vào. Những lá cờ ngũ sắc. Tháng Giêng mùa lễ hội... Ngày thơ Việt Nam đã thành phong tục, hòa nhập vào mùa lễ hội hàng năm... ở Hà Nội, đã bảy năm nay đều chọn Quốc Tử Giám là nơi họp mặt.

Quốc Tử Giám, Nguyên tiêu

(ANTĐ) - Rằm tháng Giêng. Quốc Tử Giám đông hơn mọi ngày... Ngày thơ Việt Nam, lần thứ bảy... Cờ treo từ cổng ngoài vào. Những lá cờ ngũ sắc. Tháng Giêng mùa lễ hội... Ngày thơ Việt Nam đã thành phong tục, hòa nhập vào mùa lễ hội hàng năm... ở Hà Nội, đã bảy năm nay đều chọn Quốc Tử Giám là nơi họp mặt.

Khuê Văn Các nổi bật hơn mọi ngày, đón người vào. Đúng là nơi hội. Đủ mặt, trẻ già, trai gái, xe máy, xe đạp gửi chật bãi ngoài. Cũng có khách yêu thơ sang trọng, đi ôtô đến. Sân Văn Miếu vẫn được gọi là sân chơi của các nhà thơ già, và sân Thái Học là sân của các nhà thơ trẻ. Lá cờ lớn mang chữ thơ và hình chim hạc trên trống đồng, tung bay trước gió!

Trước hai dãy nhà bia, dọc đường vào,  là những quầy bán sách của các nhà xuất bản, của các nhà sách, kể cả những người đứng ra in sách mà thường được gọi là “cộng tác viên” của các nhà xuất bản. Sách mới, sách cũ, sách dày, sách mỏng; thơ, văn xuôi, sách nghiên cứu phê bình, dư địa chí; văn học trong nước, văn học nước ngoài... Song song với ngày hội thơ, còn là ngày hội sách nữa. Nhiều quyển sách quý, nếu chịu khó tìm trên các quầy sách, cũng mua được, và còn được giảm giá nữa.

Sân thơ già và sân thơ trẻ vẫn tiếp tục được trình bày.  Những bài thơ mới sáng tác (thường được ban tổ chức chọn lựa) được các nghệ sĩ ngâm hoặc chính tác giả lên ngâm.

Phía mép sân bên tả vu và hữu vu của nhà Đại Bái ở Quốc Tử Giám, cũng như sân nhà Thái Học có trưng những pa-nô có chân dung của các nhà thơ thời chống Mỹ, chống Pháp, từng có những bài thơ hay về Trường Sơn, về Bác Hồ, bởi năm 2009 là năm kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh được mở tuyến (1959-2009) và 40 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2009). Bên sân thơ trẻ là những góc thơ của những nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, Như Huy, Nguyệt Phạm, Nguyễn Anh Vũ, Đỗ Doãn Phương..., những nhà thơ trẻ đang say trong lối thơ mới: Trình diễn và sắp đặt... Thơ không chỉ riêng với thơ, còn với âm nhạc, với nhảy múa, với các kiểu trình bày pha trộn giữa ca sĩ, thi sĩ và ban múa “híp - hop”. Có khi là tiếng Việt, có lúc là tiếng Anh. Cũng có góc thơ trẻ có những câu thơ khiến nhiều người phải dừng lại đọc:

Cà phê vỉa hè

Một mình nói một mình nghe

Chiều cao áp

Anh có biết

Đôi khi em là quãng lặng của bài hát

Đôi khi em

một nốt câm trong bài hát

(Nguyệt Phạm)

Cũng có những họa sĩ ký họa chân dung ngay trong các sân thơ. Phía bên trong nhà Thái Học còn trưng bày tranh của những họa sĩ trẻ. Khoảng gần 11 giờ, những câu thơ hay được thả lên trời năm nay, được thả lên trời. Xem ra thơ hay được thả lên trời cũng có tính “mặt trận”, đủ mặt những câu thơ của xưa nay, tiền chiến, cận đại và hiện đại. Có người cho câu thơ của Tú Xương:

“Nào ai là kẻ tìm ai đó

Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà!”

Lại thế sự và thâm trầm hơn cả...!

Mọi năm trong sân Văn Miếu, còn có cả một dãy các ông đồ “UNESCO”, mở bàn “cho chữ”. Nhưng năm nay thì có phố ông Đồ bên ngoài Văn Miếu, nên, thư pháp ở phía bên ngoài phố. Mà, các lều thư pháp đã dỡ, các ông đồ lại trải chiếu hoa bán chữ ở trên vỉa hè. Người mua chữ vẫn còn đông. “Thơ và chữ. Bữa nay đều có giá.” - một bạn thơ của câu lạc bộ thơ nào đó, đi bên tôi, bỗng khẩu chiếm một câu.

Nhưng, ngày thơ Việt Nam còn là ngày những người yêu thơ, nhân đó, gặp mặt nhau, dạo một lượt hai sân thơ, chụm đầu ở một gốc cây, tựa lưng bên giếng Thiên Quang chụp ảnh, rồi rủ nhau ra quán bia, quán phở, hay về nhà bên nhau uống chén rượu rằm tháng Giêng, bù khú chuyện nhà, chuyện đời, chuyện thơ, chuyện in sách. Có người nhà vẫn còn không khí Tết, mời bạn về ngả cỗ Nguyên tiêu xuống, xoa tay mời nhau một cuộc...

Thế rồi, Thơ và Rượu, Rươu và Thơ, ngất ngư cho đến tận ba, bốn giờ chiều.

Ngày thơ, “xông nhà” các thi sĩ. Trên căn gác của một thi nhân, phía ngoài đê sông Hồng, bỗng nhớ câu thơ của Huy Cận, một thi nhân nhắp một ly rượu, ngâm vang.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

Cả bàn tiệc lặng đi, ngước mắt nhìn về phía sông Hồng.

Nguyên tiêu Kỷ Sửu 2009

Ngô Văn Phú