Quay lưng với các nghệ sĩ "chiêu trò"

ANTĐ - “Mở cửa”, triển lãm tổng kết thành tựu của mỹ thuật Việt Nam 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng là cuộc triển lãm đầu tiên do Bộ VH-TT& DL tổ chức với hình thức được cho là “đột phá”. Thay vì thụ động ngồi chờ tác giả mang tranh đến góp vui kiểu có gì dùng nấy, các giám tuyển đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc để chọn tác phẩm.

Tác phẩm “Gieo mầm” của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh (1984), tác giả trẻ nhất tham dự triển lãm “Mở cửa”

Giảm thiểu các khâu rườm rà

Khác với các cuộc triển lãm đã diễn ra trước đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lần đầu tiên sử dụng giám tuyển độc lập. 3 giám tuyển gồm: họa sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình và họa sỹ Phạm Hà Hải trực tiếp đề cử danh sách các nghệ sỹ thời kỳ đổi mới, dựa trên dấu ấn nghệ thuật của các tác giả, vị trí người nghệ sỹ đó xác lập trong nền mỹ thuật và quan trọng hơn, đó là tư duy đổi mới.

Để tạo nên ý tưởng thống nhất ngay từ đầu, cuộc triển lãm không có sự phối hợp của các bên liên quan nhằm giảm thiểu các khâu rườm rà. Danh sách các gương mặt sau nhiều lần bàn ra tán vào đã được các giám tuyển chốt ở con số 52. Họa sỹ Vi Kiến Thành cho biết: “Danh sách này vắng bóng nhiều gương mặt quen thuộc của truyền thông mà dấu ấn nghệ thuật lại không thật sự đậm nét. Hay đúng hơn, triển lãm sẽ nói không với các nghệ sỹ chiêu trò”. Do vậy, “Mở cửa” hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều bất ngờ với người xem và rất có thể sẽ châm ngòi cho cuộc tranh luận về các nghệ sỹ đại diện cho thời đổi mới.

Lần này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không tổ chức theo lối cũ là bởi muốn tạo nên một cuộc triển lãm thực sự “chất”. Thay vì ngồi một chỗ, Hội đồng nghệ thuật và các giám tuyển đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, đến từng họa sỹ, nhà điêu khắc để trao đổi về tác giả, tác phẩm, quá trình sáng tác và hoạt động nghệ thuật cũng như các vấn đề xung quanh công tác tổ chức triển lãm.

Qua trò chuyện, các giám tuyển đồng thời là các nhà quản lý đã hiểu cụ thể về tác động của bối cảnh xã hội đến tư duy đổi mới của người nghệ sỹ. Đó là câu chuyện của nhóm họa sỹ Nguyễn Trung Tín, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Thanh Bình (của TP.HCM) cuối thập niên 80 đã tự sửa sang phòng triển lãm mỹ thuật để làm triển lãm, không còn tư duy trông chờ Nhà nước trợ cấp mới bày tranh. Hay việc mở rộng giao lưu quốc tế làm ngôn ngữ mỹ thuật đa chiều và gắn bó với cuộc sống nhiều hơn. 

Tác phẩm sắp đặt “Di cư” của nghệ sỹ Trương Tân

Vẫn gặp khó trong trưng bày

Bằng việc đi đến từng họa sỹ, các giám tuyển còn mời gọi được các tên tuổi tài năng nhưng chưa một lần xuất hiện tại các cuộc triển lãm do Bộ VH-TT&DL tổ chức như họa sỹ Đỗ Quang Em, Vũ Dân Tân… Các họa sỹ Trương Tân, Trần Trọng Vũ là những gương mặt thời đổi mới nay định cư ở Pháp cũng hồ hởi tham gia. Sự trân trọng tài năng ấy còn làm xúc động các họa sỹ “5X” thành danh.

Họa sỹ Nguyễn Bảo Toàn chia sẻ, anh cảm thấy vinh dự được mời tham dự triển lãm lần này. Bao ký ức của thời kỳ đầu đổi mới dù khó khăn nhưng sôi động lại ùa về. Hiện nay, anh đang bắt tay vào xây dựng tác phẩm xứng đáng cho giai đoạn này gồm một tác phẩm sắp đặt gốm và một tác phẩm của nghệ thuật trình diễn. 

Là cuộc phô diễn về sức mạnh của giới tạo hình Việt Nam trong 30 năm đổi mới, cuộc trưng bày “Mở cửa” sẽ vinh danh các nghệ sỹ nổi bật ở các chuyên ngành hội họa, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, video art… Dù thuận lợi và được các tác giả nhiệt tình hưởng ứng, tuy nhiên, cuộc triển lãm lớn như “Mở cửa” lại gặp phải khó khăn muôn thuở - nơi trưng bày.

Việc lựa chọn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là chuyện cực chẳng đã, bởi không gian nơi đây nhỏ hẹp so với yêu cầu thực tế. Do vậy, dù đã thay đổi để triển lãm mang tinh thần đổi mới nhưng khâu trưng bày Ban tổ chức vẫn đành thực hiện theo lối cũ. Sau triển lãm ở Hà Nội diễn ra vào ngày 21-9, “Mở cửa” được kỳ vọng sẽ tiếp tục trưng bày tại TP.HCM nhờ nguồn vốn xã hội hóa.