POPS bị FPT xâm phạm bản quyền với hơn 1.800 nội dung

ANTD.VN -Đại diện POPS vừa đưa ra những bằng chứng về việc FPT vi phạm bản quyền với hơn 1.800 nội dung của mình và xác nhận Tòa án Nhân dân quận 10 (TP Hồ Chí Minh) đã thụ lý hồ sơ khởi kiện FPT vào tháng 4.

Đại diện POPS, bà Hoài Nguyễn cho biết, FPT đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với các nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của POPS trên nền tảng đầu thu FPT.

Theo đó, bà cũng chia sẻ, vào ngày 9-5, POPS và FPT đã có cuộc họp với nhau và FPT đã thừa nhận mình vi phạm bản quyền với hơn 1.800 nội dung thuộc quyền sở hữu của POPS và đối tác sử dụng các nhãn hiệu của POPS trên truyền hình FPT và cả hai bên đã đi đến thống nhất: FPT sẽ chấm dứt hành vi xâm phạm và tháo gỡ tất cả các nội dung của POPS và đối tác trên truyền hình FPT trong vòng 24 tiếng, công khai xin lỗi. Ngoài ra, FPT phải trao trả chi phí nội dung mà POPS đã chi trả để sản xuất, mua bản quyền, chi phí về quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các nội dung bị FPT xâm phạm...

POPS KIDS bị FPT xóa logo 

Đại diện FPT cũng đã đồng ý đưa ra phương án giải quyết chi tiết cho POPS chậm nhất vào ngày 16-5. Tuy nhiên, đến thời hạn này, phía FPT đã không có động thái phản hồi nào thêm về các điểm đã thống nhất trong cuộc họp.

Ngày 20-5, FPT đã ủy quyền bên thứ ba để gửi đến POPS công văn yêu cầu hợp tác chứ không phải là phương án giải quyết về vấn đề vi phạm bản quyền như đã thỏa thuận với nhau vào ngày 9-5 mà POPS đang chờ đợi. Trong đó, công ty Luật Bross & Partners - đại diện cho FPT - khẳng định rằng khách hàng của họ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của POPS và mong muốn được hợp tác cùng phát triển.

Thậm chí, công văn này còn ghi rõ: "Chúng tôi cũng hiểu rằng nguyên tắc của pháp luật cho phép các bên có thể tự do sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố mà không cần phải xin phép chủ thể (?) ngoại trừ việc phải trả thù lao trên cơ sở các bên tự đàm phán, thương lượng".

Về phía POPS cho rằng, FPT đã liên lạc với POPS để đề nghị mua lại nội dung của POPS. Tuy nhiên, POPS đang trong quá trình cân nhắc để hợp tác thì FPT đã chiếm đoạt nội dung thuộc sở hữu của POPS để khai thác một cách trái phép. Hành vi vi phạm bản quyền của FPT được POPS cho biết đã diễn ra từ năm 2017.

Kênh WOW KIDS

Bà Esther Nguyễn – Founder & CEO của POPS cũng chia sẻ sự lo lắng trước thực trạng xâm phạm bản quyền xảy ra một cách trắng trợn sẽ làm các nhà cung cấp nội dung quốc tế mất lòng tin và chùn bước khi muốn đầu tư hay đưa các sản phẩm giải trí quốc tế vào Việt Nam. POPS là đơn vị đầu tiên đã đưa Pokémon, Doraemon… về Việt Nam. “Nếu vấn đề bản quyền không được giải quyết thì có lẽ cánh cửa hợp tác với đối tác quốc tế, nhất là Nhật Bản sẽ đóng lại” – bà Esther Nguyễn cho biết.

Trước đây, công ty cổ phần DID TV - đơn vị sản xuất và chủ sở hữu phim "Gạo nếp gạo tẻ" cũng đã công bố khởi kiện FPT vì vi phạm bản quyền với số tiền bồi thường hơn 9 tỉ đồng.