"Phượt" đến xứ sở người Mường

ANTD.VN - Người đã ngồi quá lâu trong công sở hay tất bật với những bộn bề, bận rộn của thành phố tìm đến tour du lịch hồ Hòa Bình đều hài lòng với sự vắng vẻ, thanh bình đến kỳ lạ. 

Tâm hồn họ dường như được nuôi dưỡng bởi một chất liệu đặc trưng: tiếng hát chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”; điệu múa quạt nhịp nhàng uyển chuyển ngay trên thuyền, tiếng sáo bầu của chàng trai dân tộc Mường vi vút, tiếng hát tình ca Tây Bắc của cô gái sơn cước trong veo…

"Phượt" đến xứ sở người Mường ảnh 1Cảnh sắc yên bình của lòng hồ Hòa Bình

Con người và thiên nhiên thuần khiết

Khi đã lên đến thuyền, chúng tôi tuy không nói thành lời, nhưng ai cũng muốn được ngồi bên những ô cửa sổ để ngắm bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. 

Bất cứ ai ghé thăm nơi đây đều ngạc nhiên bởi phong cảnh hồ mùa hạ hệt như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Những hòn đảo xanh tươi ẩn hiện giữa sóng nước hồ mênh mông. Xa xa, thấp thoáng đồi núi trập trùng lẫn trong những áng mây bềnh bồng. Nắng dịu, chiếu xuống làn nước trong như nới không gian thêm dài rộng. Ca nô neo đậu dưới chân núi đá, vài chiếc thuyền con lững lờ trôi... 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một không gian tâm linh bên sông nước. Đặt chân lên một đoạn đất, đá chưa thành đường, bước những bậc thang nhỏ cheo leo đến Đền Chúa Thác Bờ, nơi thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao chưa rõ danh tính ở Vầy Nưa lo liệu quân lương, thuyền mảng. Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà nên nhân dân đã coi hai bà là thánh và lập đền thờ phụng.

Điều làm tôi ấn tượng nhất, người Mường dưới chân ngôi đền có một đời sống thuần nông, bình dị. Những người phụ nữ quần áo vải, đội nón cũ dưới nắng chói chang gần trưa, quạt bếp nướng những xâu cá tươi vừa đánh bắt được trên hồ. Khói cay mắt du khách và mồ hôi ướt lưng áo họ nhưng đó là một niềm vui của lao động và sự cần mẫn lo ngày mai no ấm.

Bến đỗ bị lãng quên

Điểm đến thứ hai làm tôi háo hức không yên trên thuyền, bản Ngòi – một làng cổ của người Mường. Đặc biệt hơn, làng không có đường bộ đi vào mà chỉ có đường thủy. Nhiều người nghĩ đây là một ngôi làng bị lãng quên, bởi không biết làng có từ bao giờ, chỉ biết đã ở đây từ lâu lắm. Tên cũ trước đây của bản là Bưa Dâm, theo tiếng Mường thì “Bưa” là bằng phẳng, “Dâm”là nơi râm mát. Khi xây thủy điện, làng chuyển lên cao hơn, năm 1986 bắt đầu có tên bản Ngòi. Mới Tết năm trước, học sinh trong bản đi học 4h sáng phải thức dậy ra bến sông chèo thuyền 1,5 km rồi đi bộ 4,7 km mới tới được trường. Các em từ lớp 6-9 đều đi học như thế. 

Ngôi làng xinh xắn này chỉ vỏn vẹn có 73 hộ dân sinh sống. Đang tháng 7, những cây quất hồng bì sai trĩu cành. Người dân địa phương niềm nở trẩy hàng rổ lớn hồng bì cho chúng tôi ăn. Và như bao làng bản khác, họ cũng có những loại nước lá mát lành hái về đun mời khách uống. Cuộc sống bản Ngòi không ồn ào còi xe khói bụi.

Chúng tôi xin phép người dân địa phương lại gần xe máy của họ, là một loại xe máy cà tàng cũ kỹ thời xa xưa mà tôi chưa thấy bao giờ. Đường làng quanh co, chúng tôi phải nắm tay kéo nhau để thuận lợi đi qua một con dốc hẹp để vào thăm nhà sàn của người dân địa phương. Các ngôi nhà sàn lợp lá màu nâu nhạt nằm kế bên những rặng trúc xanh rì rào gió, hoặc những khóm hoa dại tím ngắt đến ngây người. Trời càng nắng đổ về trưa, người dân càng rục rịch tất bật, họ buộc trâu, phơi thêm ngô, nhóm thêm bếp nấu cơm… Những em bé gái ngồi bên cửa gỗ nhìn máy ảnh của du khách bỗng đóng cửa vì ngượng ngùng.

Một người bạn tôi hỏi mua được một quả mít với giá 20 nghìn đồng và cứ cười trìu mến. Bạn kể: “Họ cũng không biết bán quả mít cho tôi với giá bao nhiêu. Họ nói giá 20 nghìn rất ngập ngừng như sợ tôi sẽ chê đắt. Tôi thấy sao rẻ quá. Ở thành phố chẳng thể mua được quả mít với giá này”.

Đi lạc trong bản hàng tiếng đồng hồ, bản có quá nhiều bến thuyền neo đỗ, tôi phải nhớ lại những lối đi ban đầu, cuốc bộ quãng đường xa mới trở lại được thuyền của mình. Nhưng chúng tôi lại chẳng hề phiền lòng vì điều ấy, quên khuấy bao mệt mỏi và hồ hởi thưởng thức hương vị ẩm thực truyền thống của vùng như cá nướng, thịt trâu nấu lá lồm… Cả những món mà người nơi đây đã gắng học nấu với một lòng cởi mở, thân thiện đón chào du khách như gà hấp lá chanh, nộm hoa chuối, lợn Mường nướng… 

Hòa Bình là một tỉnh nằm ở phía Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Du khách có thể khám phá hồ Hòa Bình từ phía Thung Nai (huyện Cao Phong - cách Hà Nội khoảng 100km) hoặc có thể từ thành phố Hòa Bình. Bạn nên tới thăm hồ Hòa Bình vào mùa hè, khoảng tháng 5 đến tháng 8 để tận hưởng cảm giác mát mẻ mà lòng hồ mang lại.