Phục dựng 50 điệu múa cổ Thăng Long

ANTĐ - 50 điệu múa cổ Thăng Long đã được tìm thấy và phần nào đã được phục hồi trong 15 năm qua. Nhưng quá trình phục dựng còn không ít những hoài nghi về độ xác thực của những điệu múa cổ này. 

Phục dựng 50 điệu múa cổ Thăng Long ảnh 1  “Trống bồng” - một điệu múa cổ của Hà Nội còn được lưu truyền tới ngày nay 

Không thể “cưỡi ngựa xem hoa”

Việc sưu tầm múa cổ là câu chuyện dài về cách tiếp cận và đánh giá, cẩn trọng và được phép hoài nghi. Nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” đã được các nghệ sỹ múa lâu năm của Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội chia sẻ trong quá trình sưu tầm, phục hồi và phát huy múa cổ Thăng Long. Trước hết, ngay tên gọi “múa cổ Thăng Long-Hà Nội” đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Nhiều ý kiến đưa ra nên đổi tên từ “múa cổ Hà Nội” thành “múa cổ truyền Hà Nội” sẽ an toàn và hợp lý hơn. Bởi lẽ, nghệ thuật múa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong quá trình đó, con người sẽ bổ sung hoặc loại trừ các động tác, yếu tố cho phù hợp với thẩm mỹ đương đại. Nếu giữ nguyên “múa cổ Hà Nội” có nghĩa khẳng định nghệ thuật múa là bất biến. Và ai dám khẳng định, những điệu múa được khôi phục trong 15 năm qua là múa cổ. 

Việc sưu tầm múa cổ-múa cổ truyền thống Hà Nội cũng không hề đơn giản. Nhiều đồ “giả cổ” đã được tạo nên không nằm ngoài mục đích đưa điệu múa đó vào danh sách. Vì thế, mới có câu chuyện, đoàn nghiên cứu của Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội về ghi hình, thẩm tra tư liệu viết sách múa cổ ở một làng nọ, làng này kể chuyện rằng, điệu múa cổ bên làng lân cận kia đích thị là dàn dựng lại. Vì thế, việc chỉnh lý, cải biên, dàn dựng để múa cổ dễ xem hơn là suy nghĩ thiển cận và thiếu tôn trọng văn hóa truyền thống. Khi đã dàn dựng lại  không thể gọi nó là cổ được nữa.

Phục dựng 50 điệu múa cổ Thăng Long ảnh 2

Điệu múa “Lục cúng” mang màu sắc tôn giáo, không phù hợp biểu diễn trong không gian rộng lớn, ồn ào 

Cũng có không ít các điệu múa chỉ là những trò diễn, là những hình thức trong lễ hội, chưa thể khẳng định đó là điệu múa cổ độc lập. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Thái Phiên, Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, “Hiệu Chiêng, Hiệu Trống trong lễ hội Phù Đổng đã được Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội đưa vào trong danh sách 50 điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội là chưa thật chuẩn xác. Tôi không phủ nhận công lao tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu của các nghệ sỹ múa Hà Nội trong 15 năm qua, song đã làm công tác khoa học cần phải thận trọng, chín chắn hơn khi đưa ra những kết luận mang tính khẳng định”.

Múa cổ nhưng lại có dáng dấp hiện đại

Trong 4 kỳ tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa cổ Hà Nội cùng diễn ra tại tượng đài Lý Thái Tổ, nhiều khán giả, các nghệ sĩ đã băn khoăn, suy nghĩ trước những tiết mục được gọi là cổ. Trang phục cách tân xa lạ, dàn dựng vụng về, áp đặt… chỉ với mục đích làm đẹp, cho khán giả dễ xem. Chưa hết, có những điệu múa không nên và không thể tùy tiện diễn ra trong một không gian quá rộng lớn, trong khi nó chỉ nên diễn ra ở những nơi mang màu sắc tâm linh như: Hầu đồng, Lục cúng, Giải oan, Thích kết… Chính vì sự nhầm lẫn giữa các khái niệm và sự nhận thức chưa đầy đủ của nhà tổ chức đã dẫn đến 4 kỳ Liên hoan nghệ thuật múa cổ Hà Nội có dáng dấp của các lễ hội hiện đại hơn là giới thiệu những nét tinh hoa, bản sắc của nghệ thuật múa cổ-múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội. 

Trong 50 điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội liệt kê trong cuốn sách sắp xuất bản, chỉ có dăm ba điệu múa có xuất xứ từ Hà Nội với các xã phường như Triều Khúc, Nhật Tân, Phù Đổng, Lệ Mật, Trường Yên… Còn lại, đại đa phần các điệu múa đến từ nhiều vùng miền trên cả nước như các tỉnh miền núi Tây Bắc và nhiều nơi trong khu vực đồng bằng Bắc bộ. Chính vì thế, việc khoanh vùng tên gọi “múa cổ Thăng Long-Hà Nội” chưa thật sự phù hợp và cần được chỉnh sửa.

Các nhà nghiên cứu, sưu tầm nên mở hướng giới thiệu những điệu múa dân gian cổ truyền đã hiện diện, tồn tại và phát triển trên địa bàn Hà Nội. Hơn thế, việc nghiên cứu quá khứ lịch sử, đặc biệt là múa cổ của người xưa để lại không chỉ bằng cảm xúc mà còn cần một phương pháp khoa học, khách quan để lần lượt hóa giải từng vấn đề. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng, chuẩn xác và trung thực là điều cần thiết. Không nên chỉ nhìn vào bề nổi mà ngộ nhận, vơ vào những cái không phải của mình.